(Thethaovanhoa.vn) - Cặp đôi nghệ sĩ Lê Giang - Lư Nhất Vũ cùng đứng tên ở trang 52 sách Âm nhạc 4 trong bộ giáo khoa tiểu học hiện hành. Trường hợp vợ chồng là đồng tác giả (chồng chỉnh lý, ký âm làn điệu, vợ viết lời mới cho dân ca) trong giáo khoa âm nhạc như cặp đôi này thật quý hiếm!
Lê Giang là nhà thơ, còn Lư Nhất Vũ là nhạc sĩ, hai vợ chồng đứng tên chung trên nhiều nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu dân ca các tỉnh Nam Bộ.
Từ cuộc điền dã ở Mỏ Cày, Bến Tre
Bài của họ là khúc dân ca Nam Bộ, có giai điệu hồ hởi, dồn dập Biển quê em:
“Biển xanh in bóng bầu trời xanh/ Sóng biển xô như gọi tuổi thơ/ Tung tăng lượn sóng tràn bờ biển/ Con buồm nhỏ mang ngược gió sóng lại đánh/ Sóng trào tràn tình quê, gió mát đưa xao động ước mơ// Biển xanh như hát ngàn lời ca/ Gió nổi lên theo nhịp biển reo/ Lăn tăn đợt sóng tràn bờ biển/ Con còng nhỏ xây bóng cát sóng lại đánh/ Tiếng cười tràn lòng em lấp lánh vui xa ngọn hải đăng// Hải âu tung cánh ngàn trùng xa/ Cánh hải âu bay liệng biển khơi/ Mang bao hẹn ước đường làng nhỏ/ Ngôi trường nhỏ theo nhịp sóng gió gọi gió/ Hát mừng bầu trời xanh cất cánh bay dang rộng cánh chim”.
139 âm tiết chia thành 3 lời hát mô tả cuộc đùa vui giữa các ngư dân tí hon với “biển quê em”. Biển mênh mông tới mức cả bầu trời có thể soi vào, vậy mà biển nhỏ lại, mời gọi tuổi thơ, rủ rê các em cùng mình chơi với sóng, với gió, với hải âu tung bay và còng xe cát. Bên biển rộng, tuổi thơ ứng xử lễ độ, thân thiện và hợp thời, các bé dẫn con đường, ngôi trường, ngọn đèn biển, dẫn con người vào cuộc vui với thiên nhiên.
Nếu so bài hát giáo khoa này với bản gốc của nó - điệu Lý hố khoan - mà Lê Giang - Lư Nhất Vũ cùng các đồng sự của mình sưu tầm được trong cuộc điền dã ở Mỏ Cày, Bến Tre năm 1979 (tr. 71 sách Dân ca Nam Bộ, NXB Văn nghệ TP.HCM, 1981) thì thấy, cặp đôi tác giả không chỉ có công bảo tồn dân ca mà còn phát triển, tìm đời sống mới cho di sản văn hóa này.
Theo sách đã dẫn thì, những nghệ nhân đã hát để ghi âm ngày ấy, một ca từ kể chuyện quá khứ bom đạn “Trèo lên thăm đậu trên cao/ Thấy anh vác súng dạ nào không thương”. Thương và nhớ thời vác súng hơn ai hết, nhưng Lê Giang và Lư Nhất Vũ với tiết tấu nhún nhảy và ca từ giàu chất thơ đã hướng học sinh lớp 4, những người hát bài này tới thời bình với trời xanh, biển xanh mãi mãi.
Từ góc nhìn tích hợp âm nhạc và văn học thì cặp đôi Lê Giang - Lư Nhất Vũ có thêm một đóng góp giáo khoa khác. Đó là ca khúc Bài ca đất phương Nam (giải thưởng VHNT TP.HCM 1997 - 1998) bài hát chủ đề của phim Đất rừng phương Nam. Từ khi có bộ phim này, ca khúc này, các thầy cô giáo, có thêm một đồ dùng dạy học, một ngôn ngữ phân tích khác ngoài văn học, để cùng học sinh phân tích tác phẩm văn học! Nhờ ca khúc này, Đất rừng phương Nam có thêm hình tượng thơ ca, hình tượng âm nhạc: “Cánh chim tung trời về đất phương Nam/ Người xưa lưu dấu in hình thuở mang gươm/ Bao la tình đời. Màu lục bình trôi/ Hoàng hôn tím ven sông, tiếng hò khoan còn tỏa đôi bờ/ Lênh đênh mây trôi, khói sương chiều miên man nỗi nhớ/ Nghe trong âm ba từng con sóng vỗ về”.
Lê Giang “lang thang gió cát”
Lang thang gió cát (NXB Trẻ 2000) là tên một quyển sách trong danh mục hơn 30 tác phẩm của nữ sĩ Lê Giang. Tôi, người viết bài này, ít từng trải nên từ lâu đã “lang thang” cùng tác giả qua những trang sách của bà để hiểu đời hơn. Đọc sách của Lê Giang trước hết được cùng bà yêu người.
Tác phẩm mới đây của Lê Giang là tập ký Nâng niu (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018) một tuyển tập “chân dung văn học 2 chiều”: Một nửa sách, Lê Giang viết về 72 nhân vật mình kính yêu, thương yêu; một nửa sách là những bài của người vì kính yêu, thương yêu Lê Giang mà viết. Vì thế sách có đề từ như một cách ngôn về thuyết nhân quả, như một quan niệm nghề nghiệp của người cầm bút: “Đời cho ta được nâng niu/ Nâng niu cho đời ta được”! Ở phần viết về người mình yêu, Lê Giang “nâng niu” từ những đại trí thức của thế giới, như nhà đại dương học Jacques Yves Cousteau, tới nhưng người đàn bà vô danh ở “xóm góa”. Và ở cả 2 thứ hạng người rất khác biệt ấy, bà vẫn bắt nhịp rất tự nhiên, nhân vật của mình vào những giai điệu âm nhạc dân tộc mà từ lâu bà tìm kiếm và cất giữ.
“Lang thang” qua các trang Lê Giang còn được yêu tiếng Việt, chữ Việt. Trong nhật ký điền dã Lang thang gió cát đã dẫn trên kia, bà có một tiểu luận bàn rất hay chỉ về một chữ thôi, chữ “hôn” (nói theo kiểu Nam Bộ, là “hun”). Theo bà thì trong ca dao Nam Bộ, những chữ hôn là rất nhiều.
Hôn thiệt thà: “Thương nhau chớ nói lòng vòng/ Hun đại một cái xiềng gông cũng đành”. Hôn rón ra rón rén: “Phải chi anh hóa đặng con kiến vàng/ Bò ngang vành nón hun nàng cái chơi”. Hôn mùi mẫn như xuống xề vọng cổ: “Hun em anh hít lấy hơi/ Lỡ khi phòng vắng còn mùi của em” và mùi mẫn hơn nữa là: “Phải chi em được ở chung/ Thì đâu đến nỗi anh hun gối mòn”.
Hôn ngang tàng kiểu Từ Hải, dừng chèo, buông gươm, vứt đàn, hôn cho trời cao đất dày được thấy con người yêu nhau như thế nào: “Ôm hun ngoài sú ngoài biền/ Ông trời cũng liếc, Phật tiên cũng dòm…”
Lư Nhất Vũ “vi vu tình đời”
Người bạn đời thủy chung của nhà văn Lê Giang - nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tên khai sinh là Lê Văn Gắt. Từ anh Gắt thành một nhạc sĩ có bút danh hàm nghĩa rất ngôn tình - chàng Lư Phong chỉ yêu duy nhất một nàng tên Vũ thì thật là… “tiếu ngạo giang hồ”.
Đọc tự truyện của Lư Nhất Vũ thì thấy, phải chăng, vì là một nhạc sĩ được đào tạo bài bản ở Nhạc viện Hà Nội mà ngoài các ca khúc đã thành “giai điệu tự hào” của người Việt, ngoài các trang giáo khoa dạy trẻ Việt hát nhạc Việt, như đã nói trên kia, Lư Nhất Vũ trong văn của mình đã tạo được những hòa âm nghịch để người viết, vừa thi sĩ vừa chiến sĩ, vừa bay bổng trong sáng tác vừa sâu sắc, chính xác trong nghiên cứu khoa học, rất trữ tình, trữ tình trong cả những ca khúc máu lửa, súng đạn (như các bài ra trận, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn hay Hãy yên lòng mẹ ơi).
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Ngọc Thuần - Sức mạnh cảm hóa từ các trang văn
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Kim Hài từng đi guốc mộc trên đường văn
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Thị Kim Hòa - Người biết 'gõ cửa trái tim'
Thử xem nhé, Lư Nhất Vũ không tập kết theo quy trình như đại đa số học sinh miền Nam vào năm 1954 mà vượt tuyến ra Bắc, từ Cửa Việt ra Cửa Tùng, bằng thuyền đánh cá của ngư dân. Ông học nhạc không theo lối cha truyền con nối mà chuyển từ nhà máy gỗ vào Nhạc viện sau một kỳ thi.
Trong cuốn sách có phần tự truyện Đường trường ngoảnh lại ông đặt tên sách là Vi vu tình đời. Trong sách, có đoạn ông kể chuyện mình đi bộ vượt núi làm… cán bộ âm nhạc:
“Còn một mình, không còn cách nào khác, tôi đành nổi máu phiêu lưu mạo hiểm trực chỉ Xín Mần. Đây là con đường đất ngoằn ngoèo, trơn trượt. Hai bên đường là vách đất rêu phong. Con đường có nhiều đoạn dốc không một bóng người… Mặt trời sắp lặn. Tôi bị đuối sức mỏi cẳng, nhễ nhại mồ hôi, bụng đói, cổ họng khát khô”... tôi nhai cái bánh dày lạt nhách, uống vài ngụm nước ở khe suối…”.
Khó khăn chưa hết, đoạn hồi ký kể tiếp chuyện cọp vồ ở chính cung đường này: “…một người Mông chuyên bán thắng cố. Ông ta đội cái chảo trên đường về bản làng. Tới một khúc quẹo um tùm cỏ tranh thì thính lình có một con cọp từ trên lao xuống định vồ con mồi. Nào ngờ cọp ta ôm phải đít chảo, cái chảo cùng với con cọp quay tít thò lò. Cọp ta hoảng hồn té đái và phóng nhanh xuống vực. Cái cổ ông già bị quay tròn như cái lò xo”.
Từ phiêu lưu đường rừng đảo nhịp tiếu lâm thật nhanh! Tiếu lâm cũng là văn hóa dân gian như các bài lý, điệu hò mà cả Lê Giang và Lư Nhất Vũ cùng yêu mến, cùng lưu giữ và phát triển trong các trang giáo khoa.
Vài nét về lê Giang - Lư Nhất Vũ Nữ nhà văn Lê Giang (8/2/1930) tác giả của hơn 30 tác phẩm và nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (13/4/1936) giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1, là tác giả của hơn 20 tác phẩm và nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật. Hai người là cặp bạn đời cùng viết nhiều tác phẩm nổi tiếng: Ca khúc Bài ca đất phương Nam các sách biên khảo: Hát ru Việt Nam, Lý trong dân ca người Việt, Hò trong dân ca người Việt… |
(Còn tiếp)
Nguyễn Chơn Tình
Tags