(Thethaovanhoa.vn) - Vầng trăng của ngoại là tên truyện ngắn của nhà văn nữ Lê Thanh Nga ở trang 107 sách Tiếng Việt 2 (tập 1), bộ SGK Cánh Diều. Truyện được dạy ở bài 13 theo chủ điểm “yêu kính ông bà”.
Là tác giả viết nhiều cho thiếu nhi, từ 2009 Lê Thanh Nga đã có tuyển tập Truyện cổ tích bây giờ (NXB Kim Đồng, tái bản 2018).
Viết mới, viết ngay để đáp ứng tiêu chí sư phạm
Tuyển tập này được giới phê bình nhận định: “Mỗi truyện mỗi vẻ, đều toát lên tình yêu đằm thắm giữa con người với nhau, chủ yếu trong không gian gia đình”. Có nhiều trang của tập truyện hợp chủ điểm để người làm sách giáo khoa tuyển chọn, nhưng theo yêu cầu của nhóm biên soạn, bà vẫn viết mới, viết ngay truyện này để đáp ứng tiêu chí sư phạm của các trang sách giáo khoa - ngắn gọn, vừa sức “đọc hiểu” của các “độc giả” lớp 2 nhưng không giản đơn, sơ lược, không nhạt.
Truyện viết mới phải ngắn gọn nhưng có hình tượng nghệ thuật, có văn!
Vầng trăng của ngoại chỉ dài 184 âm tiết, bắt đầu bằng trần thuật và miêu tả cảnh trí 1 ngày ở thôn quê Việt Nam thời nay. Miền quê trong truyện còn cổ truyền đấy, với tiếng gà báo sáng đầu ngày và bầu trời sao nửa đêm, nhìn từ chiếc “chõng tre” một vật dụng chân quê; với công việc vườn tược liên tục, cần mẫn và màu vàng ấm no từ thu hoạch cây trái. Nhưng miền quê ấy cũng đã hiện đại với bài thể dục buổi sáng, ánh điện sáng góc nhà. Cả đoạn 1 như một bối cảnh phục bút, để khi vào đoạn 2 với ánh điện như một chi tiết văn học khéo cài đặt, soi sáng đường kim chỉ nối xưa với nay, truyện tới được cao trào, chuyển thật hợp tình hợp lí, từ cảnh thực, sang cảnh nửa thực nửa mơ, giàu chất thơ:
“Có đêm, My chợt tỉnh giấc, thấy một quầng sáng bên bàn. Mắt nhắm mắt mở, cô bé gọi:
- Ngoại ơi trăng này!
Ông ngoại dịu dàng:
- Ngủ đi con! Đèn bàn của ông đấy mà.
My tỉnh hẳn. Cô bé nhìn chiếc đèn được che cẩn thận. Hóa ra ông đang khâu lại cái quần của cu Bin bị rách. Cô bé mỉm cười:
- Ngoại ơi, hóa ra đấy là vầng trăng của ngoại!”.
Chỉ với 184 âm tiết tác giả Lê Thanh Nga, đã viết được một truyện hay trong cái khung hẹp của một bài học. Những người làm sách giáo khoa mới, đã cải tiến cách biên soạn của mình, giúp học sinh tìm ra những cái hay của truyện. Vầng trăng của ngoại được vẽ thành tranh truyện 4 bức để học sinh nhìn thấy chi tiết mà nhớ lại cốt truyện. Và một bài tập được đưa ra để sau tập đọc, các em tập nói lưu loát, tập trình bày, tập thảo luận - “Dùng từ chỉ đặc điểm, nêu nhận xét của em về câu nói của bạn My: “Ngoại ơi, hóa ra đấy là vầng trăng của ngoại”. Mỗi em chỉ cần đưa ra một từ của mình. Nhưng nếu thầy cô giáo khéo dạy, khéo động viên khuyến khích, thì những đáp án rất riêng của mỗi cá nhân học sinh, sẽ nhân với sĩ số lớp để có một kết quả thực hành phong phú, thú vị: “Câu nói của bạn My rất hay … rất thú vị… rất đẹp… rất thơ… rất sáng… rất lấp lánh…
Vừa là thầy, vừa là trò trong công việc văn chương
Nhà văn Lê Thanh Nga làm biên tập viên ở NXB Kim Đồng từ 1978. Bà kể: “Năm 2007, tôi đưa một loạt danh nhân lịch sử vào kế hoạch biên tập của mình trong đó có Hồ Quý Ly, nhân vật lịch sử mang nhiều tranh cãi trong giai đoạn Lý - Trần.
Lợi thế của tôi là lúc này, tác phẩm viết về Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933 - 2021) đã đoạt giải thưởng của cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (1998 - 2000) và giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2001. Còn trở ngại của tôi là với tác phẩm dày dặn trên dưới 1.000 trang, đã được in đi in lại trong 3 năm liên tiếp từ khi ra mắt bạn đọc, đã được khẳng định vững chắc như vậy, làm sao để rút gọn lại cho các độc giả nhí! Tôi xin gặp nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Thật không ngờ ông lại là một người dễ gần đến như vậy. Rất nhẹ nhàng, ông nói: Anh cho cô tùy ý, sao cho phù hợp là được.
Cả tháng liền tôi đắm chìm trong cuốn tiểu thuyết. Tôi đọc kỹ từng dòng, giữ những đoạn viết riêng về Hồ Quý Ly, đánh dấu lại rồi cho phô-tô, sau đó bắt tay vào ráp nối những trang đã được chọn. 1 tháng sau, tôi đưa tập bản thảo đã được biên tập đến cho nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, lòng hồi hộp, thấp thỏm. Sau 1 tuần, ông đến NXB gặp tôi, lại cười nói thật hiền lành: Anh chịu cô!”.
Tập sách Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh trong kích tấc Kim Đồng đã ra đời như thế!
Nhà văn Lê Thanh Nga học được từ bậc thầy Nguyễn Xuân Khánh bài học trân trọng độc giả cùng những nụ cười.
Biên tập là học hỏi, nhưng biên tập cũng là phát hiện, truyền thụ. Một nhà văn trẻ biết tôi đang viết về “thầy mình” - nhà văn Lê Thanh Nga - thì kể một chuyện thật xương máu: “Năm 2003, tôi là công nhân công ty Sông Đà 10, thuộc đội khoan phá đá làm nền thủy điện Sê San 3 Gia Lai. Trong một ca đêm, cần khoan phi trúng bàn tay trái làm mất toàn bộ phần thịt của ngón tay út, tôi phải nằm dưỡng thương ở Viện quân y 211 Tây Nguyên. Các bác sĩ chẩn đoán phải tháo ngón tay. Tuy nhiên tôi tha thiết đề nghị giữ ngón cho tôi. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy da ở đùi cấy vào chỗ vết thương. Trong những ngày nằm viện tôi đã nhờ cậu bạn chăm sóc mình, mua giấy bút, thử viết truyện. Tôi gửi về NXB Kim Đồng, và thật may mắn, bản thảo viết tay của tôi đến tay nhà văn Lê Thanh Nga. Cô viết thư nhận xét khuyến khích, tác phẩm có không khí truyện, nhiều chi tiết hấp dẫn, đặc sắc nhưng cốt truyện mờ nhạt không rõ ràng. Nhà văn Lê Thanh Nga đã gợi ý, hướng dẫn tôi, giúp tôi xâu chuỗi diễn biến thành cốt truyện xuyên suốt, đẩy các tình huống truyện lên cao trào tạo kịch tính. Nhờ duyên may này, một năm sau, tác phẩm Lau lách ven sông của tôi ra đời”.
Người kể chuyện trên là nhà văn chuyên nghiệp Đinh Ngọc Hùng đang lao động nhà văn ở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương quê anh!
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nhà thơ Lệ Bình - Biết bao 'Tia nắng hạt mưa'
- Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK: Nguyễn Phan Khuê trẻ mãi với thiếu niên nhi đồng
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Cao Nguyệt Nguyên người giỏi nhập vai nhân vật
Rất nhiều trăng sáng tặng bạn đọc thiếu nhi
Trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn 2020) nhà văn Lê Thanh Nga, nêu quan niệm sáng tác của mình: “Viết về thiếu nhi luôn là một đề tài cần thiết đối với nhà văn. Với riêng tôi, luôn luôn là một sự yêu thích. Nhưng viết để cho các em yêu thích, lại là điều tôi hằng mong ước”. Để mong ước kia thành sự thật, sự nghiệp, để thiếu nhi yêu thích tác phẩm của mình Lê Thanh Nga năng động tìm đề tài mới cho bạn đọc thiếu nhi của mình.
Bé yêu khám phá là bộ sách gồm 5 tập, Lê Thanh Nga cùng làm với họa sĩ Vũ Xuân Hoàn. Gọi bộ sách là truyện thơ? Đúng vậy, mỗi tập đều kể một câu chuyện có diễn biến, có 2 nhân vật trung tâm là Bim và Ben. Các nhân vật phụ là ông bà, cha mẹ dẫn 2 nhân vật chính đi vào non sông đất nước mình, học hỏi tiếng Việt mình, “To và nhỏ”, “xa và gần”, “dài và ngắn”, “rộng và hẹp”. Gọi đấy là truyện tranh cũng đúng vì 12 khổ thơ mỗi khổ là lời dẫn vui như các bài vè dân gian. Đọc thơ ấy xem tranh ấy các em hiểu ra: “Núi cao vì đất thấp/ Tôn đất thành núi cao; Trong trái đất chúng ta/ Con người là cao nhất…”; hiểu ra cuộc sống sẽ trở nên tuyệt vời nhất là: “Khi có cả mẹ cha/ Quây quần với ông bà/ Đủ ngắn, dài, cao, thấp…”; hiểu ra quê hương xa cách sẽ chỉ là trong khoảng cách địa lý bởi “Tình quê hương sâu nặng/ Trong trái tim con người/ Dù xa xôi đến mấy/ Vẫn rất gần ta thôi”.
Để thiếu nhi yêu thích tác phẩm của mình Lê Thanh Nga luôn thay đổi góc nhìn vào hiện thực đời sống để có thể sáng tạo những tác phẩm mới từ các đề tài quen thuộc. Có “Vầng trăng của ngoại” ở góc nhà nửa thực nửa mơ rất trữ tình thì cũng có vầng trăng tinh nghịch nấp dưới đáy hồ, chơi trò trốn tìm với đứa cháu: “Trăng treo vằng vặc giữa trời/ Cớ sao trăng lại nằm nơi đáy hồ/ Nước lạnh khiến ánh trăng mờ/ Hay em lội xuống em mò trăng lên”.
Lê Thanh Nga đưa trăng đến với độc giả thiếu nhi như đưa một tuýp màu huyền ảo khiến “Hoa cũng thành xanh biếc/ Dưới ánh trăng sáng ngời…” lại như đưa đến một khúc hát ru 2 bè, hiện đại. Bè trầm rất dày, dày như nhung đêm, là câu chữ của con người. Bè cao lảnh lót giọng "gió thơm": “Ngủ đi mèo nhỏ dễ thương/ Cỏ xanh là một chiếc giường ấm êm/ Ánh trăng là chiếc chăn mềm/ Gió thơm hát khúc ru đêm ngọt ngào”.
(Còn tiếp)
Thái Thị Hữu Huy
Tags