Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 31): Từ 'nhịp hải hà' đến 'Cô giáo lớp em'

Thứ Tư, 11/11/2020 20:22 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/11/2020, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ chúc mừng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tròn 100 tuổi. Với tôi, ông không chỉ là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, mà còn là tác giả của những vần thơ đã đi vào tiềm thức. Tôi “gặp” và yêu mến ông từ thời ấu thơ qua 2 bài thơ Nhớ dừaCô giáo lớp em trong sách Tập đọc...

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 30): Vũ Duy Chu - Nhà văn thân thiết của các em

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 30): Vũ Duy Chu - Nhà văn thân thiết của các em

Vũ Duy Chu là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đang sống tại TP.HCM. Ông mới ra tập thơ Vầng trăng trong nhà (NXB Hội Nhà Văn, 2020) với 81 bài, gồm thơ mới viết và thơ rút ra từ 5 tập thơ cho thiếu nhi đã ấn hành trước đây. Bài Đau có trong tập thơ mới, và đang là bài học của các lớp mầm non, tiểu học.

Phải khi lên đại học, tôi mới có điều kiện được học và nghiên cứu sâu hơn về ông cũng như nhóm Xuân Thu nhã tập. Ấn tượng khó quên với sinh viên Khoa Ngữ văn chúng tôi cách đây hơn 40 năm trước là điệu bộ “phiêu” của cố nhà giáo Phạm Đăng Dư (dạy môn lý luận văn học) khi đọc câu thơ “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” …

Cách mạng Tháng Tám không chỉ mang sức mạnh chuyển đổi to lớn thay đổi cuộc sống con người mà còn mang đến nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, đặc biệt là các nhà thơ trong Phong trào Thơ Mới (1930-1945) như: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân... Các nhà thơ trong Phong trào Thơ Mới đã bắt nhịp nhanh với cuộc sống cách mạng: Xuân Diệu hoàn thành hai trường ca Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông; Chế Lan Viên “Gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa”; Trần Huyền Trân (1913-1989) “toan ném bút, vùi thơ”, thì nay reo vui trước “Một sáng tung cờ đỏ”…

Nguyễn Xuân Sanh - tác giả của những câu thơ bí hiểm: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm/ Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa” (Buồn xưa) - thì chính sự nhập cuộc, bắt nhịp vào cuộc sống cách mạng đã viết nên những bài thơ chân thật, giản dị, bày tỏ cảm xúc hoan hỉ của mình trước niềm vui của dân tộc: “Ta khát vô biên ngọn sóng vang/ Ta mừng hội gió lúc lên đàng”.

Cũng như các nhà thơ trong Phong trào Thơ mới mỗi người có những cách chuyển hướng nhanh/chậm, sớm/muộn, đậm/nhạt… khác nhau và dần định hình phong cách sáng tác sau Cách mạng tháng Tám. Từ trường phái sáng tác theo tuyên ngôn của nhóm Xuân Thu nhã tập, Nguyễn Xuân Sanh đã bắt nhịp chuyển từ siêu thực sang phản ánh hiện thực. Các tập thơ Tiếng hát quê ta (1947-1954), Sáng thơ (1956-1960), Nghe bước vào Xuân (1956-1960), Đất nước và lời ca (1970-1977), Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh (1936-1990)… đã chứng minh cho nỗ lực chuyển mình một cách kiên trì, nhẫn nại làm nên một Nguyễn Xuân Sanh thơ và một Nguyễn Xuân Sanh từng đảm nhận trọng trách Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I)...

Chú thích ảnh
Bài thơ “Cô giáo lớp em” trong sách giáo khoa

Sự chuyển mình, nhập cuộc thơ của Nguyễn Xuân Sanh sau Cách mạng tháng Tám phải kể đến 2 bài thơ được đưa vào chương trình học tập, giảng dạy môn tiếng Việt phổ thông, gắn liền với nhiều thế hệ học sinh hơn 60 năm trước. Đó là Nhớ dừaCô giáo lớp em.

“Nhớ dừa” - nỗi nhớ từ ấu thơ

Lần đầu tiên gặp nhà thơ trong cuộc họp ở Hội Nhà văn Việt Nam, tôi cung kính chào nhà thơ: “Cháu chào bác! Cháu học thơ của bác từ khi là học sinh cấp 1, giờ cháu mới có may mắn được gặp bác. Cháu thuộc lòng 2 bài thơ của bác trong sách đến tận bây giờ: “Em sinh ở Tam Quan/ Giữa miền Nam ruột thịt”.

Nghe tôi đọc câu thơ mở đầu bài Nhớ dừa, đôi mắt bác nheo nheo cười hiền hiền. Bác chậm rãi nói: “Ngày bé tôi theo cha học ở Trường Quốc học Quy Nhơn. Ra Huế, Hà Nội học trung học, lên Việt Bắc tham gia kháng chiến, rồi lại về Thủ đô, nhưng những ký ức tuổi thơ cứ nhắc nhớ tôi mãi, đặc biệt câu ca dao “Công đâu công uổng công thừa/Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”. Tam Quan là xứ dừa nổi tiếng nhất của tỉnh Bình Định. Dừa Tam Quan đã gợi cho tôi chủ đề viết bài thơ Nhớ dừa. Là Nhớ dừa mới đúng cảm xúc của tôi, chứ không đơn thuần là tả cây dừa”.

Bài thơ Nhớ dừa trong sách giáo khoa Tập đọc lớp 4 (tập 1, NXB Giáo dục, 1958, tr. 26-27) được các thế hệ học sinh thế hệ 5x, 6x, 7x đều nhớ và thuộc lòng. Tôi vẫn nhớ giờ tập đọc, cô giáo đọc trước, gõ thước “cạch” xuống bàn, và học trò chúng tôi đọc theo nhịp thước của cô. Tôi cùng nhiều thế hệ học sinh đã đọc và thuộc lòng bài thơ Nhớ dừa như thế. Khi tôi đưa bài thơ lên Facebook, bạn bè tôi vẫn nguyên cảm xúc và ai cũng nói đã thuộc bài thơ Nhớ dừa đến bây giờ. Bài thơ là dấu ấn tuổi thơ bền bỉ, da diết, khôn nguôi trong cảm xúc của ông về Bình Định một thời thơ ấu.

Chú thích ảnh
Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh

Bài thơ Nhớ dừa đầy đủ, gồm 7 khổ thơ 5 chữ:

“Em sinh ở Tam Quan
Giữa miền Nam ruột thịt
Quê em dù xa tít
Em vẫn nhớ vẫn thương

Nằm sát ở bên đường
Rừng dừa ngủ dưới nắng
Thân cây dừa mọc thẳng
Hắt bóng xuống đầy vườn

Cơm dừa trắng và ngon
Xa ba năm vẫn nhớ
Em nhớ gian nhà nhỏ
Sáng ngọn đèn dầu dừa

Nhớ cả sớm cả trưa
Mẹ đứng xe từng sợi
Em ngồi bên em đợi
Vòng dây dừa cuộn nhanh

Làng em toàn nhà tranh
Mưa rào dội sang sảng
Thân dừa cưa làm máng
Trút nước xuống bên đường

Khi mà nắng trưa tuôn
Ôm trái dừa em núc
Ngửa đầu uống ừng ực
Từng hớp nước dừa ngon

Em nhớ trái dừa tròn
Của quê em Bình Định
Lấy ngón tay em tính
Ngày trở lại vườn dừa”

Khi đưa vào sách giáo khoa Tập đọc lớp 4, các nhà biên soạn sách đã bớt đi khổ thơ thứ 5. Bài thơ để lại nhiều cảm xúc cho học sinh nói chung, nhất là những người con miền Nam tập kết ra Bắc. Bài thơ dẫu chỉ đích danh “Em sinh ở Tam Quan” - xã Tam Quan thuộc huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) - một vùng dừa nổi tiếng không của riêng Bình Định mà nằm ở vị trí trung tâm “Giữa miền Nam ruột thịt”.

Câu thơ đã gợi cảm xúc rất lớn cho những người con miền Nam xa quê. Bài thơ là cảm xúc nhớ “Em vẫn nhớ vẫn thương” vẹn nguyên đến từng chi tiết nhớ dừa, dẫu “Xa ba năm vẫn nhớ”, nhớ bất chấp thời gian “Nhớ cả sớm cả trưa”... Nỗi nhớ tổng thể cả “Rừng dừa ngủ dưới nắng”, nhớ dáng hình “Thân cây dừa mọc thẳng/ Hắt bóng xuống đầy vườn”, nhớ bát cơm thơm mẹ đơm “Cơm dừa trắng và ngon”, nhớ nước dừa mát “Ngửa đầu uống ừng ực/ Từng hớp nước dừa ngon”, nhớ ánh sáng từ “ngọn đèn dầu dừa” ấm thơm, nhớ hình ảnh mẹ tảo tần, đảm đang “Mẹ đứng xe từng sợi/ Em ngồi bên em đợi/ Vòng dây dừa cuộn nhanh”.

Kết lại bài thơ vẫn là nỗi về một vùng đất, về sự ân tình, thủy chung với miền Nam ruột thịt...

“Em nhớ trái dừa tròn
Của quê em Bình Định
Lấy ngón tay em tính
Ngày trở lại vườn dừa”

“Cô giáo lớp em” - trong trẻo bài ca

Bài thơ Cô giáo lớp em trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 (Tiếng Việt 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002) gồm 3 khổ thơ xinh xắn với cảm xúc trong trẻo. Bài thơ làm theo thể thơ 5 chữ kết hợp cách tả thực với biện pháp nhân hóa, phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học, thể hiện cảm xúc thân thương với cô giáo của mình:

“Sáng nào em đến lớp
Cũng thấy cô đến rồi
Đáp lời “Chào cô ạ!”
Cô mỉm cười thật tươi

Cô dạy em tập viết
Gió đưa thoảng hương nhài
Nắng ghé vào cửa lớp
Xem chúng em học bài

Những lời cô giáo giảng
Ấm trang vở thơm tho
Yêu thương em ngắm mãi
Những điểm mười cô cho”

Trong bài thơ có 2 nhân vật là “cô giáo”, “em” và thiên nhiên. Em là nhân vật kể lại câu chuyện về cô giáo của mình. Cô giáo hiện lên với hình ảnh đẹp, nụ cười, sự tận tụy trong mỗi giờ giảng. Cô hiện lên trong cảm xúc yêu kính của trò qua từng quan sát: Cô đến lớp sớm “Sáng nào em đến lớp/ Cũng thấy cô đến rồi”; cô luôn đẹp trong mắt trò bởi “Cô mỉm cười thật tươi” hiền hiền, tươi tắn; cô cần mẫn dạy trò nét chữ, nét người “dạy em tập viết”, “những lời cô giáo giảng”.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Nhớ dừa” trong sách giáo khoa cũ

Nhân vật “em” luôn thể hiện tình cảm yêu kính cô “Chào cô ạ!” đến ngưỡng mộ “Yêu thương em ngắm mãi”. Cùng 2 nhân vật cô trò là thiên nhiên cùng chứng kiến: “Gió đưa thoảng hương nhài/ Nắng ghé vào cửa lớp/ Xem chúng em học bài”. Phép nhân hóa được tác giả sử dụng hiệu quả làm cả không gian bừng sáng, tươi tắn, quấn quện hương nhài theo gió bay vào lớp.

Bài thơ nhỏ nhắn, xinh xắn rất đẹp từ ngôn từ đến cảm xúc, tình cảm ẩn chứa trong đó. Thông điệp tình cảm cô trò cứ thủ thỉ, ấm áp mà thấm sâu trong tâm hồn, khắc ghi trong trái tim bao thế hệ học trò. Bài thơ Cô giáo lớp em viết năm 1948 đã được đưa vào chương trình môn Tiếng Việt phổ thông.

Nguyễn Xuân Sanh cho biết, ông viết bài thơ Cô giáo lớp em khi hai vợ chồng đã sinh con trai đầu lòng Nguyễn Việt Lưu. Ngày ở chiến khu Việt Bắc, Lưu thường được Bác Hồ dắt đi chơi và chụp ảnh với Bác. Hiện tấm ảnh treo trang trọng ở phòng khách nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh chính là ảnh Bác Hồ ôm bé Nguyễn Việt Lưu. Kể với tác giả Huy Thông trong một bài viết trên báo Thể thao và Văn hóa năm 2009, ông cho biết, hồi nhỏ, có một lần con trai ông hỏi cha về bài thơ học trong sách Tập đọc:

- Cô giáo trong bài thơ ba làm có phải là cô giáo của ba ngày xưa không ạ?

Ông cười hiền, chậm chãi nói với con:

- Thơ là ba làm. Còn cô giáo là cô giáo lớp con chứ.

- Nhưng sao cô giáo lớp con mà ba lại đặt tên “Cô giáo lớp em”?

- Là ba đứng ở vị trí của con viết, thể hiện tình cảm với cô giáo thì phải là cô giáo lớp em, chứ cô giáo lớp ba sao phù hợp được con!

Năm 1968, Nguyễn Việt Lưu đã hy sinh ở chiến trường Phú Yên… Mỗi lần kể lại câu chuyện về người con trai hy sinh vì đất nước, người cha ngân ngấn niềm xúc động. Năm 1976, thăm ngọn đồi nơi con từng chiến đấu, nỗi đau như hóa đá: “Đá hiện lên gương đồi xanh/ Nghe như ngan ngát hương lành cỏ tơ/ Ta đi cho đến bao giờ/ Mà trời cứ mở gió trưa, gió chiều”.

***

Sau lần thay sách giáo khoa thứ nhất (từ 1981 đến 1992 hoàn thành), tác giả Nguyễn Xuân Sanh chỉ còn bài thơ Cô giáo lớp em có mặt trong sách giáo khoa Tiếng Việt cấp tiểu học. Như vậy, bài thơ Cô giáo lớp em trong trẻo bài ca tình thầy trò - một thông điệp nhân văn, bài học đạo đức giản dị, sâu sắc đã bền bỉ có mặt trong sách giáo khoa qua những lần thay sách: Lần thứ nhất (1981-1992), lần 2 (1996-2008) và Đề án thay sách thực hiện Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đang được triển khai.

(Còn tiếp)

PGS-TS LÊ THỊ BÍCH HỒNG

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›