Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 33): Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ và con cò đồng dao

Thứ Tư, 25/11/2020 19:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vào những năm 90 cuối thế kỷ trước, khi làm bộ giáo khoa tiếng Việt (bộ hiện hành, phát hành từ năm 2000) các nhà biên soạn đã đưa ca từ bài hát Mẹ có yêu không nào của Lê Xuân Thọ vào trang 131 sách Tiếng Việt 1 (tập 1) làm bài đọc, khi các cháu chưa học hết vần tiếng Việt, mới học tới các vần “um” và “im” có trong ca từ này: Khi đi em hỏi/ Khi về em chào/ Miệng em chúm chím/ Mẹ có yêu không nào.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 31): Từ 'nhịp hải hà' đến 'Cô giáo lớp em'

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 31): Từ 'nhịp hải hà' đến 'Cô giáo lớp em'

Ngày 9/11/2020, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ chúc mừng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tròn 100 tuổi. Với tôi, ông không chỉ là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, mà còn là tác giả của những vần thơ đã đi vào tiềm thức. Tôi “gặp” và yêu mến ông từ thời ấu thơ qua 2 bài thơ Nhớ dừa và Cô giáo lớp em trong sách Tập đọc...

Những người làm sách biết rằng, bài hát này đã phát trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam từ cuối những năm 1960, đã vang vang khắp miền Bắc và sau ngày đất nước thống nhất 1975 khi giọng ca hồn nhiên của bé Xuân Mai theo băng đĩa vào với rất nhiều mái ấm gia đình Việt Nam, thì “con cò bé bé” (tên chính thức là Mẹ có yêu không nào) của Lê Xuân Thọ đã là bài thuộc lòng của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.

“Con cò bé bé” gần gũi với ca dao

Việc dùng ca từ bài này làm ngữ liệu cho giáo khoa học Tiếng Việt là một thuận lợi. Đấy là chưa nói tới một thuận lợi khác, ngay từ khi mới ra đời, bài “con cò bé bé” đã là bài hát được dạy trong các nhà trẻ, các lớp mầm non.

Với trẻ đang vỡ lòng tiếng Việt, ca từ này thuận miệng vì nhiều vần, lại đăng đối cả vần bằng và vần trắc. Cận cảnh nổi bật trong bài thơ, khuôn mặt nhân vật trung tâm, thì đọng lại, lung linh trong một nhãn tự điệp phụ âm đầu nghe rất vui tai, “chúm chím”. Đấy là chiều thuận của bài đối với học sinh.

Đối với ông bà, cha mẹ học sinh, bài học lại có một chiều thuận khác. Nghe “con cò bé bé” nhà mình bi bô học bài ấy, những bậc dưỡng dục, sinh thành bé cò nhi đồng kia không khỏi vui vui, buồn buồn nhớ lại thời cò con của mình! Cái thời, “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”, “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” thời “Cái cò là cái cò quăm/ Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai”… trong nỗi nhớ này, gần gũi nhất với ca từ của Lê Xuân Thọ, là bài viết về con cò cùng thời với tác giả: Con cò mà đậu cành tre/ Thằng Tây bắn súng cò què một chân/ Hôm sau ra chợ Ðồng Xuân/ Chú khách mới hỏi: Sao chân cò què?/ Cò rằng: Cò đứng bụi tre/ Thằng Tây bắn súng, cò què một chân!”.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ

Với những người lớn, đã từng bảo ban, kèm cặp con cháu học bài “con cò bé bé” thì, hứng khởi giáo dục có được chính là niềm vui được che chở đùm bọc, bảo vệ con cháu mình. Rất gần với hứng khởi sáng tạo âm nhạc mà tác giả từng kể với báo chí. Đó là vào giữa năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn rất ác liệt, một chiều bên sông Cà Lồ (Vĩnh Phúc) tác giả thấy một người mẹ trẻ bế đứa con đang đưa tay vẫy những chú cò trắng đậu trên cành tre xanh. Bà mẹ cầm tay con vẫy theo. Cảnh tượng đẹp đã gợi hứng để anh kỹ sư cầu đường 27 tuổi Lê Xuân Thọ viết thành giai điệu ngay trong đêm ấy, rồi nhập tâm.

Tuần sau, trong một tiệm cà phê Hà Nội, Lê Xuân Thọ chép lại bài ca ấy trên vỏ bao thuốc lá, trao tay nhạc sĩ Mộng Lân, biên tập viên âm nhạc đài Tiếng nói Việt Nam, khi bất ngờ ông hỏi, “có bài mới viết không?”, để rồi sau ngày trao tay đó, cánh cò âm nhạc bay thật nhanh trên sóng phát thanh. Càng nhanh hơn khi sang năm 1967, bài hát nhận giải thưởng của của Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương.

“Liên khúc” những cánh cò…

Bài Ru cháu (thơ Cao Văn Giao) có thể coi như “tập hai” của bài “con cò bé bé”: “Con cò bé bé bay từ đồng quê/ bay qua Hà Nội chang chang nắng hè/ Bên khung cửa sổ/ cánh bàng nghiêng che/ Nắng chiều lấp lánh/ Ông đàn cháu nghe…”.

Có sự chuyển tiếp thú vị trong không gian nghệ thuật chung của 2 nhịp bay từ 2 thế hệ các nhân vật của Lê Xuân Thọ. “Con cò bé bé” ngày nào như được phép màu âm nhạc, theo nhịp 3/4 chuẩn Tây phương và thật quyến rũ, biến thành cậu bé Hà Nội đang ngon giấc bên bờ hồ Thiền Quang.

Nhìn toàn cảnh sự nghiệp âm nhạc gần 600 ca khúc của hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam Lê Xuân Thọ thì, từ bài Mẹ yêu không nào tới bài Ru cháu, thời gian lao động âm nhạc say mê và cần mẫn của người nghệ sĩ đã là thời “ngoan ngoan mau lớn chim non bay chuyền” đủ để trong cái kết mở của bài, nhịp cò bay dân dã ngày nào, đã thăng hoa uyển chuyện trong vũ điệu valse cổ điển, trong ca từ hội đủ 3 chữ quen thuộc với những ai yêu âm nhạc - Hồ Thiên nga: “Thiền Quang hồ nước trong xanh/ Vui sao ông cháu bơi thuyền Thiên nga…”.

Viết nhạc cho thiếu nhi mà biến được con cò sông Cà Lồ thành con thiên nga hồ Thiền Quang, viết thế thì hợp với tuổi thần tiên, tuổi thơ quá đi!

Chú thích ảnh
Ca từ bài hát “Mẹ có yêu không nào” trong sách “Tiếng Việt 1”

Từng trang sách tiếng Việt tiểu học, từ băng đĩa bài hát thiếu nhi, nhí nhảnh vui tươi, con cò đồng dao được tác giả Lê Xuân Thọ đưa vào khúc tình ca đằm thắm “Một mình trong mưa” (thơ Đỗ Bạch Mai), kể câu chuyện cảm động của một góa phụ trẻ, ở vậy nuôi con. “Con cò bé bé” ngày nào đã thành cò mẹ đơn thân, một mình dang cánh giữ nhịp đẩy võng: “Từ nay cò ơi/ Thân cò lăn lội/ Từ nay cò ơi/ Một mình nuôi con/Đằng đông chớp biển/ Đằng tây mưa nguồn/ Đồng dọc đồng ngang/ Đồng trên đồng dưới/Một mình một lối/ Một mình trong mưa/ Cò đừng mỏi cảnh/ Cò về với con”.

Xâu chuỗi những bài hát viết về cánh cò của Lê Xuân Thọ, người nghe như được thưởng thức một liên khúc, một trường ca về hành trình, bé thơ cò đậu, trưởng thành cò bay, cò băng qua thử thách, để rồi đoàn tụ, sum vầy trong một kết thúc có hậu với bài Cánh cò quê mẹ viết năm 2012, được ca sĩ Bảo Oanh trình bày trên sóng truyền hình, Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, trong chương trình Khúc hát quê hương: “Bay lả bay la trong lời ru của mẹ/ Cánh đồng quê ta tươi xanh thảm lúa/ Đàn cò trắng muốt lướt trong nắng vàng/ Dù vui nơi đâu cò vẫn nhớ bay về// Nhộn nhịp đường quê / hương đồng ngát tỏa / Cánh cò lượn vòng trắng cả ven đê / Sáo diều gặp gió ngân xa / Bay lả bay la cò về với ta / Bay la bay lả cò về với ta!...

Chỉ với riêng với để tài này, tác giả Lê Xuân Thọ đã đeo đuổi, chung tình nhiều chục năm để cùng với người nghe, bay qua bối cảnh đất Việt, tìm kiếm, nhìn nhận tâm thức người Việt. Chính vì lẽ này, sinh thời, khi nhìn lại sự nghiệp âm nhạc của tác giả Lê Xuân Thọ, nhạc sĩ - nhà lý luận phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội (nhiệm kỳ 2010 - 2015) nhận xét “Lê Xuân Thọ viết bài hát để trải lòng mình. Tất cả, tất cả là tiếng lòng sâu thẳm cất lên thành nhạc thành lời”.

Cảm hứng từ đường sắt xuyên Việt

Ngoài đôi cánh cò khởi nghiệp âm nhạc cất cánh từ đường băng văn hóa dân gian, tác giả Lê Xuân Thọ còn một đường dẫn khác để tiến xa hơn trên đường sáng tạo âm nhạc của mình, đó là nghề đường sắt mà ông mẫn cán phục vụ từ ngày tóc xanh tới khi đầu bạc. Chính đường sắt xuyên Việt, từng vượt qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa tới cảm hứng sử thi giúp ông gộp được những nhịp tráng ca vào bài ca giữ nước.

Ca khúc Nhịp cầu sông Mã của Lê Xuân Thọ ngày ấy đã giúp những người thợ, những người lính “tiếng hát át tiếng bom”, nối liền giai điệu non sông: “Đồng lúa chín chào nhịp cầu sông Mã/ Khói bom tan xe ta lại băng qua/ Sông Mã ơi! Mai ngày vui thống nhất/ Đón tàu chúng ta băng vào đất thành đồng…”.

Vào năm 2009, ca khúc Có một con đường của Lê Xuân Thọ được dựng hoành tráng như một cao trào, một điểm nhấn, một tiết mục đinh của chương trình ca nhạc kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn tổ chức tại một quảng trường lớn thuộc tỉnh Quảng Bình. Đó là một hợp xướng với cả trăm người, hòa giọng ngợi ca: “Có một con đường, thời ta đánh Mỹ/ Có một con đường, đi suốt quê hương/ Có một con đường, đi qua thời đại/ Con đường kiên cường, con đường Trường Sơn//… Đất nước hôm nay, đường xa rộng mở/ Khúc hát tương lai, gọi ta đi xa/ Náo nức tàu xe, nối những công trường/ Mãi mãi lòng ta, vẫn còn nhắc nhớ/ Có một con đường, ngời ngời chiến công / có một con đường, đường Hồ Chí Minh ...”.

Đêm ấy, cả nghìn người xem cùng “nhớ” với người hát. Rất nhớ, dù không ai nhắc, ở một cung nào đó, trên đường Hồ Chí Minh, có Lê Xuân Thọ và “con cò bé bé” của ông!

Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ sinh ngày 5/5/1939 tại Thanh Liêm, Hà Nam. Hiện sống tại Hà Nội. Ông nguyên là kỹ sư làm việc tại ngành đường sắt và là tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng như: Con cò bé bé, Em yêu đường sắt quê em, Có một con đường, Cánh cò quê mẹ, Một mình trong mưa…

Trần Kim Hoàng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›