Gặp lại tác giả được đưa vào SGK: Đặng Hấn - Thơ hiền như ca dao

Thứ Tư, 17/03/2021 20:02 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hỏi nhà thơ Đặng Hấn nghĩ sao về những sai biệt giữa nguyên bản thơ ông in trong các tập thơ đã xuất bản với thơ ông được đưa vào các trang giáo khoa Tiếng Việt 2 đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt và sẽ được dùng từ tháng 9/2021 khi năm học mới bắt đầu, nhà thơ trả lời rất tích cực, “cứ tin vào các soạn giả”.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Khoa Đăng mải mê lao động nhà văn

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Khoa Đăng mải mê lao động nhà văn

Trong 3 cuốn giáo khoa "Tiếng Việt 2" được dùng cho năm học 2021 - 2022 mà Bộ GD&ĐT đã phê duyệt, thì "Tiếng Việt 2" - bộ "Cánh diều" và "Tiếng Việt 2" bộ "Chân trời sáng tạo" cùng chọn bài "Mùa lúa chín" của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng.

Các soạn giả sách Tiếng Việt 2 bộ Cánh diều chọn bài Các nhà toán học của mùa Xuân:

“Cánh én làm phép trừ

Trời bớt đi giá rét

Bầy chim làm phép chia

Niềm vui theo tiếng hót

Tia nắng làm phép nhân

Trời sáng cao rộng hẳn

Vườn hoa làm phép cộng

Thế là thành mùa Xuân”.

Giáo sư toán học hay thơ

Bài thơ thật vui! Thiên nhiên với đủ cây và con, với bầu trời ngày càng khoáng đạt cao rộng hơn… tất cả, cùng làm tính, làm toán với con người đang núp đâu đó trong không gian nghệ thuật của bài, núp trong chữ “nhân hóa”, của thao tác tu từ mà tác giả sử dụng thật nhất khí, thật nhuyễn. Nhân hóa mà như tả thực. Trẻ lớp 2 học được một bài thơ chặt chẽ, cấu tứ hoàn chỉnh, đủ cộng, trừ, nhân, chia mà dễ như xem một đoạn phim hoạt hình. Một thông điệp xanh được thảo bằng 4 thuật ngữ toán học vậy mà không khô khan. Vẫn xanh và rất tươi, rất Xuân!

Chú thích ảnh
Nhà thơ Đặng Hấn

Ở sách Tiếng Việt 2 bộ Chân trời sáng tạo, các soạn giả chọn bài Trái chín:

Xù xì da cóc

Mít chín trên cành

Dưa hấu chín xanh

Cà phê chín đỏ

Chín như ngọn lửa

Là ớt chỉ thiên

Chín tựa than đen

Ô môi, bồ kết

Chín như son điểm

Đích thị quả hồng

Cô bạn thanh long

Chín màu hồng phấn

Tàn nhang lấm chấm

Chín trái chuối tiêu

Trái cóc, trái điều

Chín màu cỏ úa

Mịn màng như lụa

Xoài chín ngon ghê

Trái sa-pô-chê

Chín ra màu đất

Từ nguyên bản 254 âm tiết in lần đầu năm 1988 trong tập Hoa thơm trái chín của NXB Trẻ, các soạn giả đã tạo được một bài tập đọc hoàn chỉnh, vừa sức, một bài thơ hay, với chỉ vỏn vẹn 79 âm tiết, cho dù, dưới tiêu đề vẫn chua chữ “trích” như một cẩn trọng khoa học.

Cách biên soạn, hướng tới học sinh cả nước, nhưng giữ trong phổ cập những gì đặc thù, người biên tập cắt nhiều và có cấy ghép (đưa dòng thơ “cà chua chín đỏ” từ dòng thứ 6 nguyên bản, xuống thay cho 2 dòng 11 và 12 bị cắt bỏ ở đoạn trích) đã góp phần giữ được bản sắc của văn mạch phương Nam mà các soạn giả muốn giữ cho học sinh vùng phương ngữ mênh mông, trù phú này. Qua đó góp phần làm phong phú hóa cách dạy, cách học như chủ trương một chương trình, nhiều bộ giáo khoa nhà nước đề ra!

Với cách tạo từ, đặt vần rất linh hoạt, kịp với nhịp vè đồng dao nhanh như đọc “ráp” các chữ thơ của Đặng Hấn đã nối nhau tạo ra một cuộc diễu hành của các sản vật nông nghiệp Nam Bộ. Rất Nam Bộ, các chàng nàng mít, hồng, bồ kết, cà chua Việt Nam… đều mang họ “Trái” của các nhà vườn trong vùng đất mới Cửu Long đã ghi chung trên tiêu đề!

Nhưng, vẫn xin đưa ra vài thắc mắc của người đọc khó tính, khi đọc kỹ giáo khoa để chọn sách cho con em mình. Có nên biên tập kỹ hơn bài Trái chín để tránh đưa ra với học sinh lớp 2 chữ “xù xì” là chữ “lưỡng khả” về chính tả, khi ở tất cả các lần in nguyên bản từ trước, tác giả đều viết là “sù sì”? Và có nên xem xét nguyên bản bài Các nhà toán học của mùa Xuân đã chính sửa vào năm 2003 mà theo tác giả là “tốt hơn”:

“Đàn ong làm phép trừ

Trừ rét bằng mật ngọt

Bầy chim làm phép chia

Chia niềm vui tiếng hót

Tia nắng làm phép nhân

Trời sáng cao rộng dần

Vườn hoa làm phép cộng

Số thành là mùa Xuân”

(Thơ nhớ từ thơ - Nhiều tác giả, NXB Văn học, 2003)

Dù nhà thơ Đặng Hấn đã khiêm nhường “cứ tin vào các soạn giả” thì phụ huynh chúng tôi vẫn xin được nói, “đàn ong” thay cho “cánh én” danh từ số ít, thì thơ có toàn cảnh rộng hơn, đất trời cao xanh hơn. Thay “dần” cho “hẳn” vần thơ khít khao hơn. Và đặc biệt có “số thành” ở câu kết, thêm một thuật ngữ toán học, thơ sẽ Đặng Hấn hơn vì ông là một phó giáo sư toán học làm thơ!

Chú thích ảnh
Bài thơ “Các nhà toán học mùa Xuân” của Đặng Hấn trong sách “Tiếng Việt 2”

Một thầy giáo giỏi

Nhà thơ Đặng Hấn giỏi toán từ hồi còn là học sinh phổ thông. Tốt nghiệp đại học ngành toán, ông từng làm việc ở Viện Toán học Việt Nam, từng dạy toán ở bậc đại học và trở thành người bắc cầu rất giỏi, nối 2 miền toán văn nước Việt. Ông viết về dấu “vô cùng” trong toán học, vô cùng tình tứ:

“Khi chưa yêu hai đứa

Trống không có gì đâu

Niềm vui đã không có

Không cả nỗi âu sầu

Yêu rồi thành vô hạn

Trái đất hóa mênh mông

Một tiếng chim nho nhỏ

Cũng vang lừng không trung

Hai số không kết lại

Tạo nên dấu vô cùng! (∞)”

Viết về “tính chất bắc cầu” vẫn tình tứ lại thêm hóm hỉnh:

“Anh giảng cho em vế tính chất bắc cầu

Em hiểu rồi không khó đâu anh ạ

Ví dụ

Tiền của anh, anh lại của em

Vì thế em cầm chìa khóa”

Đặng Hấn có tập thơ mang tiêu đề rất thơ, nhưng tiêu đề ấy lại là một thuật ngữ toán học 100% - Không gian thương. Mở từ điển thuật ngữ toán học thì :… “không gian thương (quotient topology)… là mở, khi và chỉ khi tạo ảnh của nó là mở trong không gian ban đầu…”.

Thầy giáo toán Đặng Hấn còn soạn sách giúp học sinh học giỏi môn văn, đấy là cuốn Chân dung nhà văn - tập thơ câu đố (NXB Thanh niên, 2002) với 157 chân dung văn học viết bằng thơ, vừa như là tập sách giải trí với 157 trò chơi chữ, mỗi chân dung thơ đều là thơ đố, cất giấu những bí mật văn nhân mà người đọc cần tìm ra; vừa như là một từ điển nhân vật văn học đủ thông tin về tác giả và tác phẩm kèm theo ảnh chụp chân phương và ký họa chân dung bay bướm.

Có thể tìm trong những nét cọ có thần của các họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ, Lưu Công Nhân, Thy Ngọc, Huỳnh Phương Đông, Lương Xuân Đoàn, Bửu Chỉ, Thành Chương, Trần Tuy, Hải Chí - Chóe… chất văn của các tác giả hiện trên trang sách. Đây là chân dung số 133 ở trang 139:

“Sinh ra từ góc sân nhà

Lớn nhờ hạt gạo làng ta ngày ngày

Từng ra hải đảo đón mây

Phong trần kiếp lính, dạn dày đời văn

Tên, hình đài phát báo đăng

Đủ khoa văn võ, đủ bằng đồng tây

Ngồi bên của sổ máy bay

Tìm ma đối thoại, vẫy tay chào người?”

Thơ viết về ai nhỉ? Dễ quá! Có tên người ấy ở dòng thơ thứ 6 và xa, gần người viết nhắc tên tới 4 tác phẩm của nhà văn này.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Trái chín” của Đặng Hấn trong sách “Tiếng Việt 2”

Người viết ca dao ở thế kỷ 21

Người được vịnh trong bài thơ trên là Trần Đăng Khoa, tác giả bài Hạt gạo làng ta mà chúng tôi đã có bài viết trong chuyên mục này. Ông Trần Đăng Khoa nhận xét:

“Đặng Hấn là nhà thơ đích thực viết cho thiếu nhi. Tôi gọi ông là nhà thơ đích thực, để phân biệt ông với rất nhiều cây bút làm thơ cho thiếu nhi khác. Đặng Hấn có nhiều bài thơ vươn được tới con trẻ mà vẫn chinh phục được cả người lớn. Ông đã 2 lần được Hội Nhà văn trao giải thưởng cho mảng văn chương rất khó viết này. Việc trao giải thưởng văn học cho ông là chuẩn xác. Có thể nói, cùng với Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Hoàng Sơn, Đặng Hấn là nhà thơ đặc sắc của con trẻ”.

Đúng vậy! Đặng Hấn “vươn được tới con trẻ” nhờ là một giáo sư ở thế kỷ 21, ông vẫn giỏi hát đồng dao. Ngoài bài Trái chín đã dẫn trên kia, đồng dao kể thật hay câu chuyện về một ông đại dương mênh mông mà nhỏ xíu và dễ thương như một bé ngoan. Vào chuyện duyên tới mặn mà:

“Như chiếc chảo rất lớn

Ông trời định nấu canh

Lỡ tay bỏ nhiều muối

Nên thôi, lại để dành!

Uống bao nước vào lòng

Biển vẫn gào, vẫn thét

Ăn mặn quá phải không?

Nước nào cho đã khát”.

Thế rồi hồn nhiên con trẻ tới giải cứu khát ở thế giới thần thoại, con trẻ bằng vai với ông lớn biển:

“Biển vui reo ào ạt

Khi bãi có chúng em

Biển xô vai người lớn

Hắt sóng vào trẻ con…

Chiều, biển trở nên buồn

Khi chúng em rời bãi

Nước dâng tận bờ dương
Muốn cùng lên xe đấy!

Đã có công nghệ ô tô trong tay mình, nhưng nhân vật chính trong khúc đồng dao vẫn nào dám xem thường thiên nhiên, vẫn giữ lễ trong nhạc vui công nghiệp:

“Biển ơi, chờ chút nhé

Hình như còn chỗ ngồi

Nhưng… biển to lớn thế

Ta đành tạm biệt thôi!?

Bác tài xế nhìn biển

Nhấn vang một hồi còi

Thơ Đặng Hấn “vươn được tới con trẻ mà vẫn chinh phục được cả người lớn”. Đặng Hấn vẫn giữ cho mình cách viết chân quê, vẫn làm ra trong thơ mình, vẻ đẹp mộc mạc thiết tha các chuyện tình thôn dã ngày xưa:

“Bạn bè rủ đi chơi xa

Còn em trông nhà, có ngại ngần chi

Nhưng rồi anh lại không đi

Vì anh chợt nghĩ: Em thì ai trông?”

Thơ Đăng Hấn, hiền như ca dao, khôn như ca dao, tinh quái như ca dao!

Nhà thơ Đặng Hấn quê Thái Bình, sinh 1942. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1990, tác giả 16 tác phẩm văn chương và nhiều giáo trình toán học khác. Hiện ông sống ở TP.HCM.

(Còn tiếp)

Nguyễn Chơn Chất

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›