Giải mã bí ẩn chiếc tai cụt của Vincent Van Gogh?

Thứ Hai, 28/12/2009 11:31 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Dường như bí ẩn vụ tự hủy hoại thân thể nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật cuối cùng đã được khai thông. Học giả Martin Bailey đã tìm được chứng cứ cho thấy danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh (1853-1890) trong lúc điên cuồng đã tự cắt tai sau khi hay tin người em trai Theo vốn là chỗ dựa cả về tài chính lẫn tình cảm của ông, sắp sửa lấy vợ.


 Bức chân dung tự họa với chiếc tai bị cắt được Vincent van Gogh vẽ năm 1889

Martin Bailey là người đã viết một cuốn sách về danh họa thuộc trường phái ấn tượng Van Gogh và tổ chức hai cuộc triển lãm về tranh của ông. Bailey đã đưa giả thuyết nói trên sau khi nghiên cứu tỉ mỉ lá thư ở trong bức tranh mà Van Gogh vẽ sau khi tự cắt tai.


Bailey kết luận rằng lá thư đó do Theo viết từ Paris vào tháng 12/1888 và báo tin ông đã đính hôn. Bailey tin rằng chính tin đó đã khiến Vincent Van Gogh vốn có vấn đề về tâm thần, tự làm tổn hại mình. “Vincent vô cùng sợ hãi rằng có thể ông sẽ mất đi sự hỗ trợ tài chính và tình cảm của người em trai”, Bailey cho biết.

Thực sự điều gì xảy ra với cái tai của Van Gogh ngay thời điểm trước lễ Giáng sinh năm 1888 là chủ đề tranh cãi trong nhiều năm qua. Nhiều người cho rằng sự việc đó xảy ra là do ông mắc bệnh thần kinh. Nhiều người lại giữ quan điểm rằng họa sĩ bị điên dưới tác động của chất chì trong các màu vẽ. Tan vỡ tình bạn với họa sĩ Paul Gauguin cũng được cho là nguyên nhân, mặc dù từng có tin rằng Gauguin đã bịa ra câu chuyện đó.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Hamburg (Đức) đưa ra giả thuyết rằng danh họa Gauguin, cùng ở với Van Gogh trong một ngôi nhà ở Arles, miền Nam nước Pháp, đã cắt tai bạn trong một cuộc cãi vã. Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (Hà Lan) và học giả Bailey bác bỏ. Căn bệnh thần kinh nặng đã bộc lộ rõ nhất khi Van Gogh tự bắn vào ngực và qua đời hai ngày sau đó, 19 tháng sau khi ông cắt tai.

Bailey đã thu thập chứng cứ một phần từ cuộc nghiên cứu bức tranh Still Life: Drawing Board With Onions của Van Gogh. Họa phẩm này được ông hoàn thành vào đầu năm 1889 chỉ một tháng sau khi ông bị thương. Bức tranh này sẽ là tâm điểm trong cuộc triển lãm mới mang chủ đề về Van Gogh và các bức thư của ông được khai trương vào tháng 1/2010 tại Viện Hàn lâm Hoàng gia.


Vincent Van Gogh (ảnh trái) và Theo Van Gogh

Triển lãm trưng bày cả một chiếc phong bì. Ông Bailey đã thẩm định nó bằng kính hiển vi và phát hiện ra con số 67 trong một vòng tròn. Đây là dấu bưu điện chính thức của bưu điện ở Place des Abbesses, gần với căn hộ của Theo, ông là nhà buôn nghệ thuật và thường cung cấp tiền cho Van Gogh - ở Montmartre. Chiếc phong bì này có một con dấu đặc biệt mang dòng chữ “New Year’s Day”. Bảo tàng bưu điện Paris đã khẳng định trong nửa cuối thế kỷ 19, người ta bắt đầu đóng con dấu như vậy trên phong bì từ giữa tháng 12 trở đi. Bailey tin rằng Van Gogh đã đặt chiếc phong bì một cách có chủ ý bên trong bức tranh vì ý nghĩa sâu sắc của nó.

Vincent thường nhận được tiền trợ cấp của Theo vào khoảng ngày 23 hàng tháng và đôi khi một tháng nhận tới hai lần. Người ta biết rõ điều này nhờ bức thư mà danh họa viết cho em trai vào tháng 1/1889, trong đó Van Gogh viết rằng ông đã nhận được những gì mà ông gọi là “khoản tiền vô cùng cần thiết” vào ngày 23/12.

Bailey cho rằng bức thư được đặt trong bức tranh có nói đến việc Theo đã cầu hôn cô bạn gái Johanna Bonger. Bức thư đề ngày 21/12 là do Theo viết cho mẹ để xin phép cưới vợ. “Vincent chắc chắn là người kế tiếp được thông báo tin đó”. Trong một bức thư khác mà Theo gửi cho vị hôn thê của mình có đề cập đến chuyến thăm người anh trai ngắn ngủi của ông vào ngày Giáng sinh, sau khi biết tin danh họa cắt tai. Theo viết: “Khi anh nhắc tới em với anh Vincent thì anh ấy tỏ ra là đã biết anh định nói chuyện gì và khi anh hỏi anh ấy có ủng hộ kế hoạch của chúng mình không thì Van Gogh nói rằng không nên coi hôn nhân là mục đích chính trong cuộc đời”.

Lương Tuấn Vĩ

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›