Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2019: Giá trị tư liệu, tư tưởng nhân văn gây bất ngờ

Thứ Tư, 15/01/2020 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/1/2020, tại Bảo tàng Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên năm 2019.

Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Văn học năm 2019 cho 8 tác phẩm xuất sắc

Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Văn học năm 2019 cho 8 tác phẩm xuất sắc

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết trao Giải thưởng Văn học và kết nạp hội viên 2019.

Từ 188 tác phẩm của 62 tác giả, trong đó có 54 tác phẩm văn xuôi, 84 tác phẩm thơ, 28 tác phẩm lý luận phê bình, 22 tác phẩm dịch thuật, Hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn được 8 tác phẩm xuất sắc trao giải.

Đánh giá về mùa giải thưởng năm nay, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Hội đồng chuyên môn đặc biệt ấn tượng với các tác phẩm được giải thưởng năm nay, trong đó đặc biệt xuất sắc là 2 tác phẩm: Quán thủy thần của Nguyễn Hải Yến (Hải Dương) và tập ký sử Trụ lại của Hồ Duy Lệ (Đà Nẵng).

“Đây là những tác phẩm tập trung được những ưu điểm của một tiến trình văn học đang đổi mới, đang hội nhập và đang kết tinh hóa” - nhà thơ Hữu Thỉnh nói. “Nếu ai đọc Trụ lại thì đây là một bảo tàng văn học, có giá trị tư liệu rất quý về những con người và vùng đất cách mạng kiên cường, cụ thể là Quảng Nam - Đà Nẵng.

Chú thích ảnh
Trao giải thưởng Văn học 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam cho các tác giả đạt giải

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: “Tôi còn nhớ trong cuốn Dự báo thế kỷ 21 có một chương rất quan trọng về văn học thế kỷ 21 của một số cây bút đình đám thế giới khẳng định rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của văn học tư liệu; hồi ký hay ký sự là văn học. Và bởi thế, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho tác phẩm của Hồ Duy Lệ là trao giải cho một tác phẩm văn học! Tác phẩm văn học này nếu đọc nó, sẽ đi vào bộ nhớ, cần thiết cho tất cả những ai hiểu nhân dân mình, hiểu đất nước mình và cho những ai còn, muốn hiểu về truyền thống dân tộc, hiểu về giá trị của ngày hôm nay!”

Nói về tác tập truyện ngắn Quán thủy thần của Nguyễn Hải Yến, người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, đó là một phát hiện mới của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay, mặc dù Quán thủy thần mới chỉ là cuốn sách thứ hai, cây bút trẻ này cho ra mắt bạn đọc kể từ ngày đến với văn chương.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh,Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu chúc mừng các tác giả đạt giải và hội viên mới

“Viết ít, nhưng đóng góp của Nguyễn Hải Yến cho văn học là không hề nhỏ” - nhà thơ Hữu Thỉnh nói tiếp. “Chúng ta đã viết quá nhiều về cải cách ruộng đất, quá nhiều về những rạn nứt xã hội nhưng chưa ai viết về quá trình khâu lại sự rạn nứt đó, làm lành các vết thương xã hội. Nguyễn Hải Yến đã đi vào vấn đề đó, dù chỉ bằng một tập truyện ngắn nhưng đã tháo được một vách ngăn giữa âm - dương, sống - chết, trời - đất, giữa nhất thời - vĩnh cửu, giữa mất và còn… mang cái tâm của con người này thấu đến cõi của người bên kia. Tôi bắt gặp tư tưởng này, trước Nguyễn Hải Yến, không ai khác chính là đại thi hào Nguyễn Du.

Nguyễn Du viết Truyện Kiều là khóc cho những đau đớn của những người đang sống, nhưng Văn tế thập loại chúng sinh là khóc đau đớn cho cả những người đã chết rồi. Đại thi hào của chúng ta không chỉ khóc thương những người đang cùng sống với mình, mà thương đến lúc họ đã chết đi rồi và theo họ đến tận cõi xa xăm. Tất nhiên, Nguyễn Hải Yến không phải là Nguyễn Du, nhưng tôi cho rằng nữ tác giả này đang tiếp nối truyền thống của Nguyễn Du, tháo cái vách ngăn giữa âm và dương, giữa hữu hạn và vô hạn. Một cô giáo ở một trường THCS mà có những tìm tòi như vậy là một điều hết sức đáng trân trọng! ”.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2019

Giải đặc biệt: Tập ký sự Trụ lại của Hồ Duy Lệ

Văn: Tập truyện ngắn Quán thủy thần của Nguyễn Hải Yến

Thơ: Bay trong mơ của Trần Quang Đạo; Nguồn của Trần Quang Quý

Lý luận - Phê bình: Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học của Phan Trọng Thưởng; Những sinh thể văn chương Việt của Lý Hoài Thu; Tư tưởng và phong cách nhà văn những vấn đề lý luận và thực tiễn của Trần Đăng Suyền.

Văn học dịch: Tập thơ Kiếm Hồ hoài cổ (tập 2) do Nguyễn Hữu Thăng dịch.

Được mùa Lý luận - Phê bình và… số lượng hội viên

Trong một vài năm trở lại đây, thể loại Lý luận - Phê bình văn học, theo nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn thường bị “chỉ trích” là yếu, kém, không theo kịp tiến trình của văn học, nhưng năm nay có đến hơn 20 tập Lý luận - Phê bình văn học rất chững chạc dự xét giải.

“Viết được một tập Lý luận - Phê bình văn học ít nhất cũng mất khoảng… 10 năm. Năm nay, với số lượng hơn 20 tác phẩm, có thể nói Lý luận – Phê bình văn học đã được mùa!” - nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định - “Tất cả đều rất có chất lượng nhưng theo quy chế, chúng tôi chỉ chọn 3 tác giả trao giải, đó là Phan Trọng Thưởng, Trần Đăng Suyền và Lý Hoài Thu, tiêu biểu cho hai phương diện lý luận, phê bình của Hội”.

Về hội viên, nhà thơ Hữu Thỉnh nói vui: “Đội ngũ hội viên Hội Nhà văn trùng trùng điệp điệp. Năm nay, Hội kết nạp mới 56 hội viên, nhiều hơn so với mọi năm 10 hội viên (các năm trước chỉ kết nạp 46 hội viên cho tất cả các lĩnh vực - PV). Lý do là năm nào sau khi kết nạp rồi thì số lượng đơn xin gia nhập hội lại càng tăng lên, thậm chí theo báo cáo số hội viên và số đơn xin tham gia tương đương nhau (hơn 1.000). Lý do thứ hai dẫn đến việc số lượng hội viên mới được kết nạp tăng lên là do hơn 20 năm nay chúng ta không kết nạp được bất kỳ một hội viên nào thuộc mảng văn học thiếu nhi. Vì thế, năm nay chúng tôi đã kết nạp thêm hội viên của lĩnh vực này.

Ngoài ra còn một lý do khác, đấy là Hội kết nạp các hội viên trẻ. Ban Nhà văn Trẻ, các hội đồng chuyên môn giới thiệu lên bao nhiêu, Ban Chấp hành ủng hộ bấy nhiêu. Có thể bây giờ những người trẻ chưa thật sự nổi tiếng, nhưng trong thời gian tới, tôi tin những người được gọi là trẻ ngày hôm nay sẽ đảm đương một nhiệm vụ là chủ lực của nền văn học nước nhà. Thế nên, thái độ của Hội Nhà văn Việt Nam thu hút họ, bồi dưỡng họ, chăm sóc họ là điều cần thiết.

Ông Thỉnh cũng cho biết, nhiều người đã gọi điện đến Hội góp ý về việc kết nạp hội viên, tựu chung là một câu hỏi: Hội kết nạp người nổi tiếng hay kết nạp những người có đủ điều kiện? Trả lời câu hỏi này, người đứng đầu Hội nhấn mạnh: “Chúng tôi nghiêng về ý thứ hai: kết nạp những người có đủ điều kiện và đã trải qua một quá trình xem xét kỹ lưỡng từ Hội đồng chuyên môn đến Ban Chấp hành. Việc thu hút tài năng văn chương, đặc biệt là tài năng trẻ chính là Hội đang làm đúng với tiến trình của văn học, đó là cố gắng không không bỏ sót một tài năng nào, tên tuổi nào khi họ có đóng góp cho nền văn học của chúng ta”.

Phạm Huy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›