Chiều 7/9 tại Cung văn hoá Thiếu Nhi Hà Nội đã diễn ra buổi toạ đàm "Tết Trung thu cổ truyền - gìn giữ, phát huy và lan toả" với mong muốn những giá trị tốt đẹp của Tết Trung thu cổ truyền ngày càng được thế hệ trẻ biết đến và gìn giữ.
Sứ mệnh phát huy nét đẹp của Tết Trung thu cổ truyền
Xã hội ngày càng phát triển, những văn hoá mới được du nhập vào Việt Nam đã làm giảm đi sức hút của các loại hình văn hoá truyền thống mà Tết Trung thu là một trong số đó. Buổi toạ đàm Tết Trung thu cổ truyền – gìn giữ, phát huy và lan toả không chỉ là nơi khơi dậy trong mỗi người hình ảnh Tết Trung thu xưa mà còn là "sứ giả" truyền đi thông điệp về những điều tốt đẹp mà Tết Trung thu mang lại.
Buổi toạ đàm với sự có mặt của Nhà sử học Dương Trung Quốc; Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi - Phó Trưởng phòng Truyền thông giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; TS Vũ Thế Long - chuyên ngành nghiên cứu môi trường và lịch sử văn hóa; Nhà văn Lê Phương Liên; TS Phan Đăng Long - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Nhà báo Vũ Tuyết Nhung; Nhà thơ Nguyễn Thị Bích Ngọc - Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng…
Buổi toạ đàm còn có sự góp mặt của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền – người đã giành hơn 60 năm "giữ hồn Trung thu" bằng chiếc đèn kéo quân và bà Phạm Nguyệt Ánh người miệt mài ngày đêm làm ra các con giống, đĩa hoa quả bằng bột.
Không chỉ dừng lại trong khuôn khổ một buổi toạ đàm, đây còn là nơi trưng bày 30 bức ảnh về Trung thu Hà Nội xưa do Tạp chí Xưa và Nay sưu tầm. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về cách đón Trung thu của người Hà Nội sau năm 1945.
Tết Trung thu cổ truyền – trăn trở để gìn giữ
"Người lớn gìn giữ nét văn hoá Trung thu cổ truyền để nhắc nhở bản thân rằng chúng ta cũng từng có một tuổi thơ bên mâm cỗ, bên những chiếc đèn ông sao. Trẻ em chơi Trung thu để làm giàu thêm kỉ niệm của tuổi thơ" - Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.
Tết Trung thu hay còn được biết đến với tên gọi Tết Đoàn viên, là nơi mà mỗi thành viên trong gia đình có dịp quây quần đoàn tụ bên nhau. Mỗi đứa trẻ lớn lên đều mang trong mình hành trang là những "mùa trăng rằm" được phá cỗ bên gia đình, bạn bè, được rước đèn ông sao, được ăn bánh trung thu và nghe những câu chuyện của ông bà, bố, mẹ.
Nhưng có lẽ hành trang đó đang dần được thay thế. Chia sẻ nỗi trăn trở về việc giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của Tết Trung thu, nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu: "Xã hội luôn có sự thay đổi, đó là điều tất yếu, chúng ta buộc phải thích ứng với sự thay đổi đấy. Phải làm sao để khích lệ con trẻ, để đứa trẻ đó luôn biết về nguồn cội, về những giá trị đẹp đẽ của dân tộc. Tôi cho đây là một trách nhiệm của xã hội và đặc biệt vai trò của các nhà giáo dục cho đến những nhà nghiên cứu về đời sống vật chất tinh thần là vô cùng quan trọng".
- 'Vũ trụ' Vincom: Điểm hẹn lý tưởng của mọi gia đình dịp 2/9 và Trung thu
- Nghệ thuật 'bù đắp' cho các em dịp Trung Thu
- Trung thu phá cỗ tranh
"Đứa trẻ nào rồi cũng sẽ trở thành người lớn, khi ý thức được trách nhiệm với thế hệ tiếp theo thì các bạn trẻ đó sẽ trở thành những người sáng tạo trên tiền đề những điều đã có. Chúng ta có thể lo lắng nhưng vẫn hãy luôn tin tưởng rằng những giá trị truyền thống sẽ có sự phát triển nếu chúng ta tạo ra một môi trường đủ tốt" - Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ thêm.
Tháng 9, một mùa Trung thu nữa lại về, những chiếc đèn ông sao rực rỡ lại toả sáng khắp các con phố. Hi vọng rằng với tâm huyết của những người vẫn miệt mài giữ ngọn lửa tình yêu với giá trị truyền thống của Tết Trung thu, các thế hệ trẻ sẽ luôn biết cách để gìn giữ và phát huy tiếp những giá trị đẹp đẽ đó.
Ý nghĩa Tết Trung thu theo quan niệm của người xưa. Theo phong tục tập quán của người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên. Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị. |
Hoài Thương
Tags