Góc nhìn 365: 'Đánh thức' bảo vật quốc gia

Thứ Ba, 28/12/2021 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định công nhận 23 bảo vật quốc gia (đợt 10), qua đó nâng số bảo vật quốc gia của Việt Nam lên con số 238 hiện vật, nhóm hiện vật.

Xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt và công nhận 24 bảo vật quốc gia

Xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt và công nhận 24 bảo vật quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 11, năm 2020) đối với 7 di tích.

Tròn 10 năm với 10 đợt vinh danh (kể từ 2012), khái niệm bảo vật quốc gia hiện đã không còn xa lạ với cộng đồng. Vắn tắt, đó là những hiện vật độc bản được lưu giữ lại, mang giá trị đặc biệt quý hiếm và tiêu biểu cho các giai đoạn, khuynh hướng phát triển của đất nước về lịch sử, văn hóa khoa học.

Và, mỗi trường hợp trong số bảo vật được công nhận lại có những câu chuyện rất riêng của nó.

Đơn cử, trong đợt công nhận này, dư luận đặc biệt quan tâm tới bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước, hiện lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia. Đó là minh chứng về hành trình lao động sáng tạo công phu của người họa sĩ đã làm ra 112 bản nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chì chi tiết về Quốc huy Việt Nam - để rồi luôn được nhớ tới bởi phẩm giá cao quý và cả những lận đận cá nhân trong quá trình công nhận vai trò này.

Chú thích ảnh
Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước, được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia năm 2021. Ảnh: TTXVN

Hoặc, bộ mặt nạ vàng Giồng Lớn (Bà Rịa - Vũng Tàu) mang niên đại hơn 2.000 năm được tìm thấy trong các di chỉ mộ táng, đều làm bằng vàng nguyên chất và chạm nổi các đôi mắt rất tinh xảo. Chúng được cho là những chiếc mặt nạ để đặt lên mặt người chết trước khi mai táng và cho thấy những tập tục riêng của cư dân thời kỳ tiền Óc Eo tại phía Nam trong quá khứ.

Rồi, bộ mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh tại Bắc Ninh lại có một lịch sử đặc biệt. Ghi lại những kiến thức vô giá của Hải Thượng Lãn Ông cho nền y học cổ truyền Việt Nam, bộ mộc bản này được một nhà sư cho khắc vào cuối thế kỷ 19 để lưu truyền tới hậu thế, rồi được lưu giữ trong chùa qua nhiều biến động lịch sử trước khi tới tay giới bảo tàng.

Có nghĩa, nếu được trưng bày, bổ chú và giới thiệu chi tiết, hàng trăm bảo vật quốc gia ấy sẽ mang lại những giá trị đặc biệt cho đời sống hiện tại, khi chúng là biểu tượng và kết tinh của văn hóa Việt Nam.

***

Nhưng, cũng cần nhắc lại, việc khai thác giá trị của các bảo vật quốc gia một cách xứng tầm cho đến giờ vẫn là một câu chuyện dài, khi rất nhiều trong số này được phân bố ở các bảo tàng tỉnh, các khu di tích hoặc các cơ sở tôn giáo.

Cụ thể, theo đánh giá của các chuyên gia, trừ một số bảo tàng lớn trực thuộc Trung ương, nhiều địa phương vẫn giữ 2 cách tiếp cận phổ biến với các bảo vật quốc gia của mình: Hoặc để nguyên trạng như trước khi được công nhận, hoặc bảo tồn chúng theo kiểu “phong kín”, đưa vào kho lưu giữ cẩn thận.

Và, cả 2 cách tiếp cận này đều cho thấy nhược điểm: Lựa chọn đầu giúp bảo vật giữ nguyên được đời sống vốn có nhưng lại đặt ra những lo ngại về sự xuống cấp theo thời gian và cả nguy cơ bị đánh cắp sau khi gây chú ý từ việc “gắn mác” cấp quốc gia. Ngược lại, lựa chọn thứ 2 có thể giúp bảo vật được an toàn hơn, nhưng lại tước đi không gian và thời gian của nó.

Trong khi đó, với những giá trị khác biệt, rõ ràng các bảo vật quốc gia cần cách tiếp cận và ứng xử riêng, so với những hiện vật thông thường. Và thực tế, vào tháng 3 năm nay, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cũng như phát huy di tích của các bảo vật quốc gia.

Tuy nhiên, ai cũng hiểu, để làm tốt điều này, những khoảng trống về kinh phí, hạ tầng, nhân lực... tại các đơn vị lưu giữ bảo vật cấp địa phương cần được sớm lấp đầy.

Trước mắt, việc tìm sự hỗ trợ và liên kết trưng bày với các bảo tàng lớn trên cả nước vẫn được xem là một giải pháp hợp lý để những bảo vật quốc gia phát huy giá trị. Còn về lâu dài, với nhiều địa phương chắc chắn đó phải là con đường tìm thêm nguồn lực xã hội hóa, liên kết với các tour du lịch và cả bảo tàng tư nhân để “đánh thức” cổ vật, khi mà trên thực tế, các bảo vật quốc gia thuộc bộ sưu tập tư nhân chỉ chiếm một số lượng vô cùng ít, nhưng lại hứa hẹn nhiều tiềm năng phát huy bởi sự nhạy bén của các chủ sở hữu.

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›