Góc nhìn 365: Điều ấm áp trong mùa Giáng sinh

Thứ Năm, 23/12/2021 07:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Một Giáng sinh buồn - chúng ta đang thấy cụm từ ấy tràn ngập trên mặt báo và các mạng xã hội, ở thời điểm lễ Noel của năm 2022 đang đến gần.

Hà Nội: Hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh trực tuyến để phòng dịch Covid-19

Hà Nội: Hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh trực tuyến để phòng dịch Covid-19

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp lễ, Tết cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Tất nhiên, đó là câu chuyện chung của toàn thế giới, khi mà tại rất nhiều quốc gia, thay vì đi mua sắm, người dân đang xếp hàng để tiêm mũi vaccine bổ sung và thắt chặt các biện pháp phòng dịch.

Ở Việt Nam, sự trầm lắng trong không khí đón Giáng sinh cũng có thể nhận thấy phần nào. Khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không khó để tin rằng lượng người ra đường vào đêm Noel 24/12 năm nay sẽ giảm hơn nhiều so với trước.

Nhưng, với chúng ta, ngày lễ Noel có nhất thiết phải ra đường?

Không kể tới những giáo dân bên đạo, sự thực thì việc ra đường vào đêm Noel với một bộ phận cư dân đô thị Việt Nam được hình thành khá muộn.

Chú thích ảnh
Cây thông lớn được trang trí cầu kỳ cùng những dãy đèn ngôi sao tỏa sáng làm nổi bật Nhà thờ giáo xứ Cửa Bắc khi Giáng sinh đang đến. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Những ghi chép của học giả Hữu Ngọc cho biết: Vào những năm 20 - 30 của thế kỷ trước, trong dịp ấy, ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, chỉ có một số ít dân lương (những người không theo đạo) xuống phố. Đa phần, họ thuộc tầng lớp khá giả hoặc tiểu tư sản, coi Noel là một buổi lễ hội vui chơi để tới nhà thờ, dạo phố và gặp nhau ở các quán cà phê.

Để rồi, theo thời gian, dù có phát triển dần nhưng phải tới cuối thập niên 1990, lễ Noel mới thật sự trở thành một ngày hội có tính chất quần chúng rộng rãi, đặc biệt là ở các đô thị Việt Nam. Một mặt, điều ấy đến từ sự cởi mở trong truyền thống “Việt hóa” các yếu tố văn hóa du nhập, một mặt khác, đó cũng là kết quả tất yếu từ xu thế quốc tế hóa của chúng ta trong quá trình hội nhập.

Đặc biệt, từ hơn chục năm trở lại đây, khi chất lượng đời sống được nâng cao, hệ thống dịch vụ cung ứng phục vụ Giáng sinh đã phát triển rất mạnh, để biến sự kiện này thành một ngày lễ ở chốn vui chơi công cộng. Ở đó, bên cạnh những cây thông xanh đeo chiếc chuông bạc như truyền thống, hàng loạt cây thông trắng, đỏ vàng - những màu sắc vốn được người châu Á ưa chuộng - cũng mọc lên khắp phố phường.

Chú thích ảnh
Ông già Noel và những chú tuần lộc lung linh trước cửa một khách sạn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Ra đường, ăn uống, vui chơi - chẳng cứ trẻ em mà rất nhiều nam thanh nữ tú cũng hào hứng nhập cuộc trong những lễ hội Noel khổng lồ tại TP.HCM hay Hà Nội. Vào dịp đó, phố phường quán xá luôn ken đặc một biển người khổng lồ, với những mô hình cây thông, tuần lộc, ông già Noel và cả tuyết nhân tạo được dựng lên trong tiếng nhạc Giáng sinh rộn rã.

***

Nhưng chắc chắn, Giáng sinh không phải chỉ là ông già Noel, cây thông hay cảnh xuống đường nhộn nhịp. Nếu chỉ du nhập một ngày 24/12 trong năm với những kiểu trang trí bắt chước phương Tây, chúng ta mới chỉ dừng lại ở lớp vỏ của lễ Giáng sinh.

Như những gì được ghi lại, về bản chất, ngày lễ Noel cũng có rất nhiều điểm chung với ngày Tết âm lịch của phương Đông, khi các mối liên hệ giữa con người với con người được đề cao. Ở đó, những giá trị ấm áp của sự yêu thương được chia sẻ giữa người lớn với trẻ nhỏ, giữa các thành viên ruột thịt trong gia đình - và có cả những lời kêu gọi hướng tới những cá nhân cô đơn, yếu đuối trong xã hội.

Chính những giá trị cốt lõi ấy mới có thể giúp lễ Giáng sinh hội nhập và bén rễ lâu dài ở một quốc gia dù khác biệt với phương Tây về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển, truyền thống tôn giáo, phong tục tập quán... nhưng chưa bao giờ thiếu đi sự nhân văn.

Giống như trong những ngày này, hàng chục hội, nhóm của các bạn trẻ tình nguyện vẫn đang lên kế hoạch đi tặng quà Giáng sinh cho những người gặp khó khăn sau đại dịch - mà điển hình Khương Nhựt Minh, chàng trai Vĩnh Long đang được báo giới nhắc tới với câu chuyện hóa trang thành ông già Noel để mang bao lì xì và... gạo cho những người cao tuổi.

Nhìn từ câu chuyện ấy, cũng như từ việc chúng ta hoàn toàn đủ sức có một đêm Giáng sinh ấm áp, yêu thương với những thành viên trong gia đình, câu chuyện không xuống phố trong đêm Noel bỗng trở nên rất đơn giản và nhẹ nhàng.

Trí Uẩn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›