(Thethaovanhoa.vn) - Một bức ảnh đặc biệt đang được liên tục chia sẻ trên mặt báo và không gian mạng kể từ hôm qua 5/9 - thời điểm mà học sinh cả nước bước vào lễ khai giảng năm học mới.
Trong ảnh, với micro và bục giảng phát biểu, nữ Phó hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) chỉ có một mình. Trước cô là một sân trường hoàn toàn im lìm và vắng lặng, khi toàn bộ các học sinh tại Hà Nội đều tham dự khai giảng theo hình thức trực tuyến như nhiều đô thị khác trong mùa dịch.
Từ rất lâu, ngày khai giảng năm học mới vào 5/9 mỗi năm đã không còn là câu chuyện của riêng học sinh, phụ huynh hay các thầy cô giáo. Sự kiện thường niên ấy luôn nhận về sự quan tâm của toàn xã hội, khi các vấn đề về giáo dục và đào tạo con người đang ngày càng được đề cao trong một nền kinh tế hướng về tri thức như hiện nay.
Để rồi, những gì ghi lại trong bức ảnh kể trên gắn với một cột mốc đặc biệt trong lịch sử ngành giáo dục - khi hàng triệu học sinh tại Hà Nội bước vào năm học 2021 - 2022 với lễ khai giảng được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Và không chỉ riêng Hà Nội, nhiều đô thị tại Việt Nam cũng áp dụng hình thức này, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.
Hẳn, nếu được lựa chọn, rất nhiều người trong số chúng ta vẫn muốn những lễ khai giảng được diễn ra theo hình thức truyền thống, khi công nghệ hiện đại dù phát triển nhưng cũng không thể lấp đi những khoảng trống về cảm xúc trong cách giao tiếp giữa người với người. Nhưng, khi nghĩ tới sự an toàn của con em và của cả đô thị nơi mình đang sống, tất thảy chúng ta cũng đều thừa nhận: Những lễ khai giảng trực tuyến là lựa chọn tối ưu ở những tỉnh thành đang phải căng mình trong trận chiến chống Covid-19 hiện nay.
Chắc chắn, trong số các học sinh và giáo viên tham dự ngày khai trường vừa qua ở các tỉnh, thành có cả những người đã nếm trải nỗi đau khi người thân, bạn bè nằm xuống trong những ngày dịch bệnh bùng phát vừa rồi.
***
Nhưng, sự “đặc biệt” trong ngày khai giảng vừa qua không dừng ở đó. Những gì chúng ta được chứng kiến cho thấy: Đó không phải là chuỗi sự kiện mang tính “chữa cháy”, khi tất cả những người trong cuộc đều gắng sức xóa đi khoảng trống của hình thức trực tuyến bằng sự nghiêm túc và quyết tâm của mình.
Giống như, nửa sau của bức ảnh gây chú ý tại Trường Lương Thế Vinh là chia sẻ rất thật của Phó hiệu trưởng: Cô hoàn toàn có thể ngồi nhà và đọc diễn văn với phần phông nền chào mừng năm học mới phía sau. Nhưng thay vào đó, cô muốn hơn 2.000 học sinh không chỉ nghe bài diễn văn mà còn có cảm giác thật sự được đến trường, gặp lại những góc sân, mảnh vườn thân thuộc trong ngày khai giảng.
Giống như, chỉ ít phút sau những lễ khai giảng trực tuyến, không gian mạng đã tràn ngập những bức ảnh đủ màu sắc, ghi lại cảnh học sinh đủ mọi lứa tuổi, ăn mặc nghiêm túc và đứng nghiêm trước màn hình máy tính để thực hiện nghi thức chào cờ. Rồi, để cho lễ khai giảng thêm phần tươi vui và đáng nhớ, nhiều cô cậu học sinh thi nhau khoe những bức ảnh tạo dáng cạnh ti vi hoặc máy tính, với nụ cười rạng rỡ và những slogan bày tỏ nhiệt huyết của mình trong mùa dịch bệnh.
Và nếu những hình ảnh ấy chưa đủ, hãy nhớ tới phút đặc biệt mở đầu lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Ở đó, giáo viên, học sinh và người tham dự đã dành phút mặc niệm cho các nạn nhân và các chiến sĩ hy sinh trên tuyến đầu trong đại dịch Covid-19.
“Cuộc sống lúc nào cũng đặt ra thử thách để con người vượt qua đi tới, TP.HCM đang đối mặt thử thách lớn từ khi đất nước hòa bình nhưng chúng ta tin tưởng rằng thành phố sẽ vượt qua” - lời phát biểu của lãnh đạo thành phố trong lễ khai giảng ấy đã đủ nói thay cho tâm trạng và suy nghĩ của bao phụ huynh và thầy cô khắp cả nước, trong những ngày này.
Hẳn, những gì diễn ra trong ngày khai giảng vừa qua sẽ nằm trong hành trang vào tương lai của hàng triệu học sinh, như một bài học về sự tự tin và quyết tâm vượt qua nghịch cảnh.
Trí Uẩn
Tags