(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang chuẩn bị đón những ngày “Tết Covid” thứ 2 trong cuộc đời mình, kể từ khi những làn sóng dịch đầu tiên bắt đầu chạm tới Việt Nam vào năm năm 2020. Thế nhưng, cái Tết năm nay hẳn cũng khác nhiều so với năm trước, sau sự khốc liệt của đợt dịch thứ 4 vừa rồi.
Một năm gắn với sự khốc liệt ấy có nhiều chuyện đáng buồn. Nhưng không có nghĩa là đáng quên - khi trong dịch bệnh, những thay đổi đã xuất hiện và giúp cộng đồng chiêm nghiệm thêm về nhiều giá trị bất biến của văn hóa Việt.
Và cái Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 này là cơ hội nối dài những chiêm nghiệm ấy, với nhịp điệu có phần chậm hơn so với bình thường.
Hãy nhìn lại, những năm trước, cái Tết của chúng ta liệu có... nhanh?
Câu trả lời là có. Dòng chảy của nhịp sống hiện đại khiến cộng đồng phải vắt chân lên cổ, lo về nó từ rất sớm. Để rồi, mất cả tháng trời tất bật, cái Tết bỗng vèo trôi mấy ngày rồi... hết trong sự hụt hẫng và ngỡ ngàng vì nhiều khi chúng ta chưa thể dành đủ thời gian cho sở thích cá nhân, cho những người quan trọng, và cả cho những kế hoạch từng ấp ủ muốn làm.
Chẳng có gì lạ. Ở một xã hội đang phát triển, nhu cầu hưởng thụ và nhịp vận động trong ngày Tết liên tục được mở rộng, khiến mỗi người phải gồng mình tăng tốc để bắt kịp guồng quay chóng mặt của nó. Chúng ta vẫn chỉ có 24 giờ mỗi ngày trong dịp Tết, nhưng lại có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều kế hoạch, và quá nhiều thói quen được hình thành theo những cái Tết hiện đại bây giờ.
Đều đặn, Tết đến nhanh rồi qua nhanh. Một năm vèo trôi, nghĩa là những cột mốc tuổi tác cũng nhanh chóng vuột qua trước mắt. Nếu hay nghĩ ngợi, nhiều người hẳn sẽ lại có thêm chút hoang mang về sự hữu hạn của đời sống, hoặc về những kế hoạch dở dang mãi chưa thành.
***
Còn bây giờ, nhịp điệu chậm của Tết năm nay không hẳn chỉ đến từ những dư âm buồn trong dịch bệnh. Và, cũng không chỉ bởi tâm lý lo ngại dịch Covid-19 vốn vẫn đang hoành hành trong dịp cận Tết.
Xa hơn, từ một năm qua, chúng ta cũng đã phần nào quen với việc giảm bớt những gì quá cầu kỳ phức tạp trong dòng chảy thường nhật. Từ sự tự điều chỉnh để thích ứng với dịch bệnh, khái niệm “sống chậm”, “sống theo chiều sâu” bỗng được chia sẻ nhiều hơn, để mỗi người biết tận hưởng những giá trị từng có lúc bị che đi bởi lớp váng xô bồ, phù phiếm.
- Góc nhìn 365: Quẩn quanh đào Tết
- Góc nhìn 365: Tết xưa - Tết nay
- Góc nhìn 365: Ngày Tết, đi hay... ở?
Không phải tự dưng mà trong sự so sánh, nhiều người lớn tuổi vẫn có cảm giác rằng những cái Tết khi xưa vui và đáng nhớ hơn bây giờ. Không hẳn chỉ bởi chút lung linh của ký ức, mà rõ ràng, sự giản dị, thuần nhất và ít pha tạp trong điều kiện đón những cái Tết ấy luôn giúp chúng ta tận hưởng những giá trị của nó một cách trọn vẹn, đủ đầy nhất.
Không có cảnh đi ngắm pháo hoa trong đêm giao thừa, không có những chuyến du lịch “trốn Tết” như giới trẻ từng ưa chuộng, không có những đợt tiệc tùng liên miên từ nhà này qua nhà khác - một cái “Tết chậm” như thế liệu có khiến ta thấy xa lạ, hay chính là hình bóng của một cái Tết mà nhiều người vẫn nhớ của năm xưa?
Tết chậm, chắc chắn không phải là Tết nhạt. Và càng không phải là Tết buồn. Các nghi thức truyền thống theo phong tục đón Tết cổ truyền vẫn còn nguyên đó, khác chăng là ở quy mô và cách tổ chức. Và, hạt nhân bất biến của nó vẫn là sự sum họp đoàn viên, là việc tìm động lực và cảm hứng từ tình cảm gắn kết gia đình, dòng tộc cho một năm mới của mỗi người. Hãy nhẹ nhàng đón một cái Tết chậm - dù có thể là hiếm hoi - trong cuộc đời của bạn.
Trí Uẩn
Tags