(Thethaovanhoa.vn) - Tết này chơi đâu, chơi gì ở Hà Nội? Cùng điểm lại những địa điểm chơi Tết Nguyên đán 2020 hấp dẫn nhất không thể bỏ qua...
Đón giao thừa tại hồ Gươm
- Chữ và nghĩa: 30 chưa phải là Tết
- Quỳnh Nga diện áo dài cách tân gợi cảm đón Tết
- Nhà thiết kế Ngô Nhật Huy giúp Lương Thuỳ Linh toả sáng trong những ngày Tết
Hằng năm, hồ Gươm luôn là địa điểm nằm trong danh sách địa điểm pháo hoa tại Hà Nội. Với người Hà Nội chính gốc, Hồ Gươm luôn là một địa điểm chơi tết Nguyên Đán 2020 quen thuộc không thể thiếu. Hàng nghìn người đổ về khu vực này khiến Hồ Gươm vô cùng đông vui nhộn nhịp.
Ngoài ra, đến hồ Gươm còn được đi bộ du xuân trên các con phố đi bộ, tham quan các trò chơi dân gian, ghé phố sách Đinh Lễ, tham quan đền Ngọc Sơn, đến khu phố cổ Hà Nội thưởng thức những ẩm thực độc đáo nhất Hà Nội như phở Bát Đàn, chả cá Lã Vọng, bún chả hàng Mành, bún ốc nguội Ô Quan Chưởng, mì vằn thắn Đinh Liệt…
Gần hồ Gươm, Nhà thờ Lớn Hà Nội không chỉ là một địa điểm quen thuộc của giới trẻ mà còn là một trong những địa điểm du xuân tuyệt vời và những bức hình sống ảo lung linh.
Gần hơn nữa là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang diễn ra sự kiện Xuân Canh Tý - Áo dài và hoa của NTK Lan Hương và nghệ nhân ưu tú ngành hoa nghệ thuật Nguyễn Mạnh Hùng mở cửa phục vụ khách trong dịp Tết Nguyên Đán hứa hẹn là một điểm đến thú vị cho du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm văn hóa Tết của người Việt.
Trong đó, bộ sưu tập áo dài được NTK Lan Hương phục dựng trên ý tưởng y phục đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Các loại áo Giao lãnh, Ngũ thân, Tứ thân, áo dài Le Mur - Cát Tường, áo dài Hà Nội thập niên 60, áo dài miền Nam thập niên 60…
Ngoài ra, đến đây công chúng còn bước vào một thế giới ảo trải nghiệm không khí lễ hội đặc sắc, rộn ràng của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam từ Tây Nguyên đại ngàn đến vùng Tây Bắc trắng hoa ban; Ngắm sắc hoa 3 miền từ hoa mai tết miền Nam, festival hoa Đà Lạt hay hoa đào tết Nhật Tân.
Văn Miếu, Hồ Tây, Bảo tàng Dân tộc học
Đây cũng được coi là những địa điểm chơi Tết hấp dẫn không thể bỏ qua. Trong đó, Văn Miếu là nơi có kiến trúc vô cùng độc lạ, là biểu tượng của tri thức, của nền giáo dục Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến, người người nô nức đổ về đây để cầu chúc cho bản thân, con cháu và xin chữ trong Hội chữ Xuân.
Năm nay, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 sẽ diễn ra từ ngày 18/1 đến ngày 5/2, mở cửa hàng ngày từ 8h đến 20h. Riêng 30 Tết, Hội chữ Xuân mở cửa đón giao thừa đến 2h sáng hôm sau. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách đến xin chữ đầu Xuân năm mới, các gian lều viết chữ của 52 ông đồ năm nay được bố trí tại khu vực phía trước của hồ Văn.
Còn nếu ở gần hồ Tây, bạn có thể ghé đến với Phủ Tây Hồ - chùa Trấn Quốc, dạo quanh một vòng hồ để cả nhận không khí Tết cận kề, hay ghé vào ăn kem Hồ Tây hoặc thưởng thức những món ăn dân dã khác như trà đá, chân gà nướng, bánh tôm Hồ Tây...
Hoặc cũng có thể đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trải nghiệm Tết Việt. Nơi đây luôn là địa chỉ để công chúng Thủ đô, đặc biệt là các em học sinh sẽ có cơ hội khám phá những nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc thông qua chương trình mang chủ đề Tết Việt.
Năm nay bảo tàng tổ chức một số số hoạt động như: Tìm hiểu ý nghĩa ngày Tết qua tục dụng cây nêu, xin chữ đầu năm, in tranh Đông Hồ, nặn tò he và tô vẽ tranh 12 con giáp. Ngoài ra, khách tham quan còn được tham gia chơi trò chơi ngày Tết của một số dân tộc như: Đánh đu, kéo co, bắt chạch trong chum, đẩy gậy, đi cà kheo, nhảy bao bố, ném pao, tung còn...
Hoài Thương (tổng hợp)
Tags