(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/6, bức thư mà 2 danh họa Vincent Van Gogh và Paul Gauguin viết chung để gửi cho một người bạn đã được hãng Drouot Estimations bán thành công trong một phiên đấu giá tại Paris và thu về số tiền 236.000 USD. Sự kiện này khiến người ta nhớ tới mối quan hệ ngắn ngủi nhưng rất đặc biệt giữa 2 thiên tài.
Bức thư viết chung gửi cho họa sĩ Emile Bernard được bắt đầu với những ấn tượng của Van Gogh về Gauguin, được mô tả là người “có bản năng của một con thú hoang”. Tiếp đó, Van Gogh mô tả những lần tới nhà thổ, nơi 2 họa sĩ đã cho ra đời một số bức tranh. Ông viết: “Chúng tôi tới đó thường xuyên để vẽ. Hiện tại Gauguin đang vẽ về một quán cà phê đêm. Tôi cũng vẽ chủ đề này, nhưng các nhân vật trong đó là những người tôi từng gặp trong các nhà thổ”.
Vào thời gian viết thư này, năm 1888, Van Gogh và Gauguin sống ở thành phố Arles của Pháp. 2 năm trước đó, họ gặp nhau lần đầu tiên ở Paris.
Lời đề nghị đặc biệt
Khi gặp nhau, 2 họa sĩ cùng với Emile Bernard, Toulouse Lautrec và Anquentin đã tập hợp thành “nhóm tiểu Avenue” - theo cách đặt tên của Van Gogh - để nhấn mạnh sự tương phản với “Đại lộ Grand”, một nhóm gồm những họa sĩ trường phái Ấn tượng nổi tiếng bấy giờ.
Cuộc sống ở Paris đầy cạnh tranh và căng thẳng, và đặc biệt là Van Gogh không bán được bất cứ bức tranh nào ở kinh đô ánh sáng. Ông quyết định chuyển đến Arles. Van Gogh hy vọng sẽ mời được nhiều thế hệ nghệ sĩ tới đây, biến Arles thành một cộng đồng của nghệ sĩ. Và ông tin Gauguin xứng đáng là người lãnh đạo của cộng đồng này.
Mặc dù chỉ hơn Van Gogh 5 tuổi nhưng họa sĩ người Pháp luôn được Van Gogh xem là người cố vấn quan trọng nhất. Và ông hi vọng thời gian sống cùng nhau sẽ giúp mình học hỏi được nhiều kỹ thuật vẽ từ Gauguin.
Tháng 10/1888, Gauguin, lúc ấy 40 tuổi, đã tới Arles sau nhiều tháng nhận được những lời mời nhiệt thành từ Van Gogh. Để thuyết phục Gauguin, Van Gogh viết thư cho anh trai mình, một nhà buôn nghệ thuật ở Paris, để yêu cầu chi cho Gauguin một khoản trợ cấp hàng tháng. Đề nghị này được chấp thuận, và anh trai ông hứa chi cho Gauguin 150 franc/tháng nếu chuyển đến Arles.
Thế nhưng, thực tế cho thấy Gauguin có những động lực riêng để tới Arles. Trong khi Van Gogh mong muốn ông làm cố vấn cho một nghệ sĩ đang phát triển như mình, thì Gauguin lại đặt mục tiêu kiếm đủ tiền để có thể trở lại đảo Martinique, nguồn cảm hứng thực sự của đời ông.
"Mối quan hệ ấy đã bị hủy hoại ngay từ đầu" - theo Bradley Collins, tác giả của cuốn Van Gogh And Gauguin: Electric Arguments And Utopian Dreams. Khi tới Arles, Gauguin đã nói rõ rằng ông không quan tâm nhiều đến thị trấn này, ông gọi “đây là hố bẩn nhất ở miền Nam” và tuyên bố ý định sẽ rời đến đảo Martinique.
“Với tuyên bố đó, Gauguin đã phá hủy hoàn toàn những kì vọng của Van Gogh về vị thủ lĩnh của một tập thể nghệ sĩ mới. Sau đó, Van Gogh giống như một loại bom chờ phát nổ, bởi ông luôn lo lắng Gauguin sẽ rời đi” - Collins viết.
2 nghệ sĩ sống trong một ngôi nhà nhỏ ở trung tâm của Arles - mà Van Gogh đã vẽ trong bức tranh Yellow House (1888) - với mâu thuẫn treo lơ lửng trong mối quan hệ của họ. Nhưng Van Gogh đã một mùa Hè cực kỳ năng suất và đã cho ra đời một số kiệt tác của mình, bao gồm cả Still Life: Vase With 15 Sunflowers (1888) và Starry Night Over The Rhone (1888).
Đáng nói, dù Gauguin được xem là cố vấn và Van Gogh là học trò nhưng theo Collins, giữa họ luôn có sự cạnh tranh ngầm. Chẳng hạn, Gauguin, đã chọn vẽ một số đề tài giống Van Gogh. Để “đáp lại” với bức tranh The Night Cafe In The Place Lamartine In Arles (1888) của Van Gogh, Gauguin đã vẽ Night Cafe In Arles, Madame Ginoux (1888).
Hai họa sĩ cũng vẽ chân dung của nhau, nổi tiếng nhất là The Painter Of Sunflowers (1888) được Gauguin vẽ Van Gogh khi họa sĩ Hà Lan đang vẽ hoa hướng dương. Bức chân dung này thể hiện được sự mải mê của Van Gogh khi ông vẽ, với ánh mắt ngây dại. Khi Van Gogh nhìn thấy bức chân dung này, ông đã bình luận: “Đó là tôi, nhưng là tôi đang phát điên”.
Trong thời gian ấy, 2 thiên tài đã có một cuộc sống khó khăn khi ở bên nhau. Họ liên tục phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe bên cạnh những khó khăn về tài chính. Họ từng vẽ đến khi kiệt sức, từng có những lần bùng nổ sáng tạo thực sự, và từng bỏ bê giá vẽ trong nhiều ngày.
Cái kết đáng buồn
Sống bên nhau, 2 người càng bộc lộ rõ sự khác biệt. Van Gogh là người bốc đồng và sống với thế giới giả tưởng, trong khi Gauguin là người duy lý. Trong một thời gian, Van Gogh chấp nhận các lý thuyết của Gauguin và không làm việc theo bản năng nữa. Thay vào đó, ông áp dụng lối vẽ trừu tượng. Tuy nhiên, các ý tưởng của Gauguin đã không gần gũi với Van Gogh, do đó ông đã đi chệch hướng.
Gauguin đã viết trong hồi ký của mình: “Giữa hai con người, tôi và Van Gogh, một người giống như ngọn núi lửa và người kia cũng sôi sục. Có thể nói đó là một trận chiến”.
Có điều, Gauguin là một người tính toán và nghiêm ngặt về tiền bạc. Van Gogh lại không chấp nhận như vậy. Còn điều khiến Gauguin bị sốc là Van Gogh sống cực kỳ lộn xộn, bẩn thỉu.
Khi nảy sinh xung đột trong cuộc sống chung, các cuộc thảo luận giữa Van Gogh và Gauguin thường trở nên căng thẳng đến mức giữa hai người không còn tồn tại bất kỳ sự gần gũi hay tình bạn nào. Trong khi Van Gogh cần một người bạn dịu dàng và chu đáo, thì Gauguin đối xử với ông một cách thô bạo.
Sự xung đột ấy đã được đẩy lên tới mức Van Gogh từng cố gắng đuổi bạn mình đi, bằng cách tận dụng mọi cơ hội để lớn tiếng và xúc phạm Gauguin. Mối quan hệ giữa hai người nhạt lần sau những lần nổi xung của Van Gogh. Họa sĩ Hà Lan từng ném ly rượu absinthe vào Gauguin khi họ đang ở trong quán cà phê, sau đó tấn công ông bằng một lưỡi dao cạo khi họ đang ở trong xưởng vẽ. Bực tức, Gauguin thông báo với anh trai Van Gogh, người chu cấp cho ông, rằng ông muốn rời đi.
Tình bạn giữa hai người cuối cùng đã kết thúc bằng một hành động kỳ quái bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật - Van Gogh tự cắt đứt tai mình. Sau đó, Gauguin từ chối không liên quan gì nữa với một “người điên khùng”. Để rồi, tách rời nhau, mỗi người trong số 2 thiên tài đều trở lại phong cách cũ: Van Gogh vẽ cảnh ngoài trời một cách tự phát còn tác phẩm của Gauguin thì cho thấy chiều sâu của suy tư.
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags