(TT&VH) - “Tên thật của tôi là Dương Thị Lượt, còn cả khu Phúc Tân thì chỉ biết tên gọi ở nhà của tôi là Bé. Đó cũng là nguyên nhân của việc thất lạc nhau suốt mấy chục năm khi bác Vũ Ba, tác giả bức ảnh, cứ theo tên ấy mà đi tìm tôi” - nguyên mẫu của bức ảnh Phúc Tân kêu gọi trả thù kể với TT&VH.
Tháng 11/2010, cuốn sách Vietnam Life Behind The Front Line (Việt Nam - cuộc sống sau chiến tuyến, NXB Lao động & Art Book) đã được phát hành với bìa là tấm ảnh đặc biệt của Vũ Ba. Nay đã 81 tuổi, nghề nhiếp ảnh cũng đã gác lại từ lâu, nhưng với nhiếp ảnh gia Vũ Ba, có lẽ đây là nhân vật và tác phẩm ám ảnh và “ảnh hưởng” đến cuộc đời ông nhiều nhất. Vậy nhân vật và bức ảnh này có gì đặc biệt?
Bức ảnh nổi tiếng
Nhiếp ảnh gia Vũ Ba kể: “Ngày 13/12/1966, khi đang làm việc tại tòa soạn báo Quân Đội Nhân Dân, vào khoảng 15h thì còi báo động. Mỹ ném bom rải thảm cầu Long Biên nhưng rơi vào khu dân cư Phúc Tân. Tôi liền đạp xe ra đó, cảnh bom đạn, lửa cháy rực trời. Bỗng nhiên một cháu bé từ đám nhà cháy chạy ra kêu mẹ thảm thiết. Đó là bối cảnh tôi chụp bức ảnh này”.
Bức ảnh không thật nổi tiếng trong nước, nhưng ở nước ngoài thì ngược lại, khi nhiều nơi xem đây là một biểu tượng để phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam thời bấy giờ. Năm 1967, khi Liên Xô làm triển lãm kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, nước bạn đã nhận được tác phẩm này và sau đó đã sửa tên thành Không thể để thế này được và trao giải thưởng lớn cho tác giả.
Chị Bé và tác giả Vũ Ba ngày gặp lại nhau năm 2007
Sau này, Vũ Ba đã đổi tên tác phẩm thành Phúc Tân kêu gọi trả thù, tiếp theo đó, năm 2007, tác phẩm này đã nằm trong cụm tác phẩm của ông được trao Giải thưởng Nhà nước.
Đáng tiếc là phim của bức hình không còn, ngay cả cái hình rửa ưng ý cũng mất, chỉ còn lại tấm hình rửa bị lỗi ánh sáng, do bạn bè chụp lại từ kho tư liệu cũ. Chính vì vậy, tấm hình mà Vũ Ba giữ cho đến hôm nay, được in trên nhiều sách báo, là “ảnh của ảnh”, tuy ánh sáng không đúng, nhưng câu chuyện mà nó đề cập thì “sáng hơn” các yêu cầu về chất liệu, kỹ thuật.
Cuộc đời bên ngoài bức ảnh
Cô bé có cặp mắt rất sáng trong bức ảnh của Vũ Ba bây giờ đã 56 tuổi và vừa lên chức bà ngoại. Hai cô con gái lần lượt đi lấy chồng, căn nhà nằm khuất trong ngõ Tân Mai giờ chỉ còn chồng chị và cậu con trai út đang đi học.
Hằng sáng, sau khi đi chợ về, một bịch lớn vó bò, tai lợn, rau sống... được chị đưa vào bếp với nồi nước sôi. Buổi chiều, những món ấy sẽ theo chị tới ngõ Lò Lợn cách nhà vài km để bán cho dân nhậu. Đều đặn như thế, suốt mấy chục năm nay.
Tác phẩm Phúc Tân kêu gọi trả thù
Chị Bé thong thả kể tiếp về hoàn cảnh gia đình mình: “Chồng tôi chạy xe ôm. Có tuổi rồi, chắc cũng chỉ cố thêm vài năm nữa. Tôi cũng thế thôi, cố gắng bán hàng thêm vài năm để trả hết nợ từ khi xây nhà”. Nhà chị xây từ năm 2000, lúc đầu chỉ có 28 m2 rồi mở thành 40m2. Để dựng được 2 tầng nhà, vợ chồng chị Bé cũng phải vất vả vay mượn từ dịp đó tới giờ.
Mảnh đất con ấy, nơi chị làm nhà, được UBND Hà Nội đền bù cho gia đình khi xây cầu Chương Dương vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Bãi Phúc Tân ngày xưa, nơi nhiếp ảnh gia Vũ Ba chụp chị vào năm 1966, giờ nằm ngay dưới mố cầu. Ngày chụp ảnh cũng là thời điểm ngôi nhà của mẹ chị cháy rụi vì bom Mỹ. Suốt mấy năm sau, một mảnh lều tạm được dựng lên làm nơi trú ngụ của gia đình.
Chuyện về bức ảnh Phúc Tân kêu gọi trả thù vẫn in trong trí nhớ của chị: “Khi ấy, bom rơi, tôi đang ở nhà cô bạn. Cả hai chui vội xuống gầm giường. Rồi lửa bốc cao, trong tiếng la hoảng của dân phố. Chạy về căn nhà đang cháy đùng đùng, tôi chỉ kịp vớ vội mấy thứ sổ hộ khẩu, sổ gạo, tem phiếu... rồi phóng lên đê. Cứ ngồi đó mà khóc nức nở, cho tới khi bác Vũ Ba xuất hiện, chụp ảnh rồi ôm lấy dỗ dành...”
Gặp gỡ và thất lạc
Có một chi tiết mà ít người biết: Vài năm sau khi chụp bức ảnh, nhà báo Vũ Ba cũng đã quay lại bãi Phúc Tân và trò chuyện cùng chị Bé. Chị kể: “Bác ấy tặng tôi một tờ báo cũ có in bức ảnh, rồi hỏi có khỏe không, định đi làm ở đâu, bao giờ lấy chồng... Bẵng đi vài chục năm, tới những năm 1980, bác Ba trở lại thì nhà tôi đã chuyển đi. Từ đó, liên lạc không còn giữ được...”
Nhiều lần hỏi thăm không được, nhà nhiếp ảnh Vũ Ba gửi lại một lá thư cho chị tại phường Phúc Tân. Hồ sơ quá cũ từ những năm 1980, cán bộ phường phải rất lâu mới tìm ra địa chỉ của mảnh đất cấp cho nhà chị Bé khi giải tỏa đất cũ. Năm 2006, thư đến nơi, chị Bé liên lạc lại với ông Vũ Ba qua điện thoại. Biết chị vất vả, tác giả của Phúc Tân kêu gọi trả thù chủ động gửi chút tiền nhỏ để hỗ trợ hai vợ chồng mua cặp vé tàu vào Nam thăm ông.
Chị Bé kể: “Bố chồng tôi mất năm 2007 ở Bình Dương. Hai vợ chồng vào, rồi tiện đường qua nhà bác Ba chơi vài hôm. Bác yếu lắm, nằm nhà cả ngày. Cũng tiện lúc nhà bác đang sửa lại, hai vợ chồng lại giúp bác dọn nhà.
Trận lụt năm 2008 tại Hà Nội khiến gia đình chị Bé mất toàn bộ số điện thoại của tác giả Vũ Ba cũng như tờ báo kỉ niệm năm xưa. Bởi thế, gặp TT&VH, chị liên tục hỏi thăm về sức khỏe của người mới gặp mình 3 lần trong đời. Rồi cứ vậy, chị xót ông tuổi cao sức yếu, ánh mắt âu lo như nói về một người thân trong gia đình.