'Hát Quốc ca như một nghi thức trang trọng của tâm hồn mỗi con người'

Thứ Ba, 03/11/2020 07:57 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Rất nhiều người thắc mắc với tôi là tại sao không tổ chức thi hát dân ca thay vì Quốc ca? Tất nhiên dân ca cũng có những nét đẹp riêng nhưng với Quốc ca, đó mới là kết tinh trí tuệ, tinh thần của cả dân tộc. Và không chỉ Tiến quân ca mới đẹp và hào hùng, các bài Quốc ca của các nước khác cũng đều là những giai điệu thật đẹp” - TS Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định.

Nhạc sĩ Giáng Son làm giám khảo Liên hoan hát quốc ca sinh viên quốc tế

Nhạc sĩ Giáng Son làm giám khảo Liên hoan hát quốc ca sinh viên quốc tế

Liên hoan hát quốc ca sinh viên quốc tế lần thứ II- 2020 do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI)-ĐHQGHN, tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Bộ Ngoại giao đồng tổ chức sẽ diễn ra vào 18h ngày 22/10 tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, Đại học Quốc Gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tiếp nối thành công từ mùa thi đầu tiên, cuối tháng 10 vừa qua, Liên hoan Hát Quốc ca sinh viên quốc tế lần thứ II diễn ra thành công với sự tham gia của 11 đội thi đến từ 11 quốc gia trên thế giới. Bằng sân khấu hoành tráng và ban giám khảo chất lượng, sự kiện thu hút đông đảo các bạn sinh viên và khán giả yêu mến Quốc ca tới tham dự.

Lần đầu tiên ra mắt vào năm 2019, Liên hoan đã đánh dấu một sân chơi mới dành riêng cho Quốc ca - nhạc phẩm đặc trưng nhất của mọi dân tộc. Với mục tiêu thúc đẩy giao lưu văn hóa và tăng cường kết nối của sinh viên quốc tế đang sống và học tập tại Việt Nam, cuộc thi ghi nhận 13 tiết mục đặc sắc từ 11 đội thi. Điều đặc biệt là có nhiều đội thi ở rất xa khu vực Hà Nội.

Chú thích ảnh
Liên hoan hát Quốc ca sinh viên quốc tế lần thứ II năm 2020

Với vai trò là Trưởng BTC Liên hoan, ông Ngô Tự Lập cho biết, năm nay có một khó khăn là do dịch Covid-19 nên số đội tham dự ít hơn năm ngoái, nhưng sự chuẩn bị, chất lượng các tiết mục lại tốt hơn rất nhiều. Thật xúc động khi các trường ở xa Hà Nội như Hạ Long (Quảng Ninh) hay Hùng Vương (Phú Thọ) đều nhiệt tình tham dự. Một điểm nổi bật nữa là 3 đội thi của Lào đều rất xuất sắc, nhiều giọng hát gây bất ngờ cùng những màn trình diễn đầy phong cách.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Chékou Oussouman - Trưởng đại diện văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đánh giá cao ý tưởng tổ chức cuộc thi: “Thật tuyệt vời khi tại Việt Nam, một cuộc thi hát Quốc ca sinh viên quốc tế được diễn ra và giành được nhiều tình cảm của người hâm mộ. Cảm ơn 11 đội thi, các bạn đều là những người chiến thắng - chiến thắng chính bản thân, chiến thắng trong việc đem hình ảnh đất nước, văn hóa dân tộc tới bạn bè 5 châu 4 biển”.

Chú thích ảnh
Các giám khảo từ trái sang: Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm, nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Trần Đức Minh và nhạc sĩ Nguyễn TIến Mạnh.

Không chỉ là nơi giao lưu âm nhạc, ngôn ngữ giữa các bạn trẻ, với TS Ngô Tự Lập, Liên hoan còn là nơi gìn giữ, phát triển, đưa Quốc ca gần hơn với thế hệ trẻ 4.0.

“Tôi nghĩ tất cả các bài Quốc ca đều rất hay, bởi Quốc ca không phải những bài hát thông thường, đó là tâm hồn, là khát vọng, là lịch sử văn hóa của mỗi dân tộc. Tôi cảm thấy xúc động, tự hào khi lắng nghe những giai điệu đó.

Chú thích ảnh
Viện trưởng IFI - Ông Ngô Tự Lập phát biểu khai mạc Liên hoan Hát quốc ca sinh viên quốc tế lần II - 2020

Rất nhiều người thắc mắc với tôi là tại sao không tổ chức thi hát dân ca thay vì Quốc ca? Tất nhiên dân ca cũng có những nét đẹp riêng nhưng với Quốc ca, đó mới là kết tinh trí tuệ, tinh thần của cả dân tộc. Và không chỉ Tiến quân ca mới đẹp và hào hùng, các bài Quốc ca khác đều là những giai điệu thật đẹp.

Cuối cùng, tôi rất mừng vì cuộc thi đã thay đổi một phần nhận thức của sinh viên - trong đó có những người trước đây thậm chí còn chưa bao giờ hát trọn vẹn Quốc ca, thì giờ đây lại rất nghiêm túc luyện tập và biểu diễn”.

Chú thích ảnh
Thí sinh biểu diễn Quốc ca Haiti

Trước thực trạng một số người không thuộc lời hay phải bật băng khi hát Quốc ca, TS Ngô Tự Lập thẳng thắn nhận định: “Tôi từng giảng dạy ở Mỹ 2 năm và nhận ra không một người Mỹ nào không biết hát Quốc ca của nước họ cả. Tất nhiên việc bật băng hát theo không có gì sai, nhưng tôi hy vọng, mỗi chúng ta hãy coi việc hát Quốc ca như một nghi thức trang trọng của tâm hồn”.

Kết quả Liên hoan

Liên hoan Hát Quốc ca sinh viên quốc tế lần thứ II khép lại với giải Nhất thuộc vềtiết mục Quốc ca CHDCND Lào, sinh viên trường Đại học Hạ Long; giải Nhì: Tiết mục Quốc ca Haiti, học viên Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN; giải Ba thuộc về 9 đội còn lại tham dự cuộc thi.Giải Phong cách: Tiết mục Quốc ca Hàn Quốc, sinh viên khoa Quốc tế, ĐHQGHN. Giải Ấn tượng: Tiết mục Quốc ca CHDCND Lào, sinh viên trường Đại học Hùng Vương.

Liên hoan giàu ý nghĩa

Liên hoan Hát Quốc ca sinh viên quốc tế lần thứ II - 2020 do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - ĐHQGHN, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Bộ Ngoại giao đồng tổ chức, với sự đồng hành của Trường Đại học FPT, Khoa Quốc tế - ĐHQGHN và Trường Đại học Hạ Long. Hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của diễn đàn Franconomics 2020 do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) phối hợp với Bộ ngoại giao và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức.

Đảm nhận vai trò Ban giám khảo là các nhạc sĩ, ca sĩ uy tín và giàu kinh nghiệm. Bao gồm: Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Trần Đức Minh, Nguyễn Lê Tâm và Nguyễn Tiến Mạnh.

Hiền Lương

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›