(Thethaovanhoa.vn) - “Có thể so sánh nhiều đơn vị sân khấu phía Bắc hôm nay như xe ô tô khách trước đây. Đủ khách mới chạy, thiếu khách thì chạy lòng vòng bắt khách cho đủ khiến công chúng quay lưng với xe khách” – nhà viết kịch Lê Quý Hiền thẳng thắn bày tỏ. TT&VH giới thiệu tới quý độc giả bài viết của ông.
Liên hoan Sân khấu Thủ đô do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức, vừa bế mạc tại Hà Nội cuối tuần qua với sự tham gia của 9 vở diễn. Nhưng câu chuyện số phận của sân khấu phía Bắc có lẽ không chỉ nằm ở cuộc LH này.
Xuất hiện nhiều gương mặt trẻ
Mừng nhất trong LHSK lần này thấy xuất hiện rất nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ trong diễn xuất, đạo diễn…chứng tỏ tre già đã có măng tiếp tục mọc !
Chất lượng nghệ thuật các vở diễn trong LH khá đồng đều với những tìm tòi và phong cách rất khác nhau. Về kịch nói có Những người con Hà Nội (NH Kịch HN), Đạo học (NH Kịch VN), Nhà có 3 chị em gái (NH Tuổi trẻ) và Bản danh sách điệp viên (Kịch CAND). Cả 4 vở diễn đứng cạnh nhau làm phong phú chương trình với đề tài lịch sử, cận đại và hiện đại. Về Chèo có Cánh chim trắng trong đêm (NH Chèo HN) và Lời nói dối cuối cùng (NH Chèo VN) cũng tạo ra hai gương mặt Chèo rất khác nhau. Cải lương có Đường đua trong bóng tối (NH Cải lương HN) và Hà Nội gió mùa (NH Cải lương TƯ) tìm về đề tài hiện đại là sự đáng trân trọng...
Mỗi vở diễn một vẻ nhưng điều chung nhất là thái độ lao động, tình yêu nghề của các nghệ sĩ và tập thể sáng tạo trong hoàn cảnh đời sống khó khăn hiện nay. Huy chương Vàng, Bạc đã được trao vào tay các nghệ sĩ nhưng tấm Huy chương Vàng xịn nhất nằm trong lòng công chúng Thủ đô dành cho tất cả các nghệ sĩ cũng như BTC qua thái độ khán giả và không khí khán phòng suốt 9 đêm diễn.
“Đánh thức” khán giả
Chuyện sân khấu phía Bắc bấy nay tối đèn dường như đã hé ra câu trả lời. Không phải khán giả quay lưng và cũng chả phải vì những vở diễn quá tồi. Trong suốt 9 đêm diễn, những hàng ghế kín hết chỗ và lối đi trong khán phòng cũng chật kín người đã chứng minh cho điều này!
Quả thật, khán giả phía Bắc có thơ ơ với sân khấu bởi biết bao chuyện mưu sinh thường nhật lôi kéo. Nhưng sân khấu cũng là một trong hàng trăm nhu cầu nếu được đánh thức nhu cầu ấy, khán giả sẽ tìm đến. Hiện các đơn vị nghệ thuật sân khấu phía Bắc thường khi ra vở diễn mới ít chú ý tới việc giới thiệu, quảng bá nên “khách” muốn “mua” chẳng biết mua ở đâu.
Hoạt động sân khấu đơn lẻ theo từng đơn vị nghệ thuật với việc mạnh ai nấy chạy… được hợp đồng càng làm khoảng cách sân khấu- khán giả thêm xa cách và tối đèn như một tất yếu. Khi khán giả không đến với sân khấu làm sao có thể đánh giá sân khấu có những vở diễn hay hoặc không hay mà vồ vập hoặc quay lưng!
Nắm bắt được điều này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN những năm gần đây đã tập hợp và liên kết các đơn vị, thổi vào đời sống sân khấu một không khí lễ hội, thành sự kiện để khán giả biết và tìm đến. Có ý kiến cho rằng, khán giả của LH xem bằng giấy mời nên sẽ không thấu đáo để nói sân khấu hút khách. Nhưng dẫn chứng là, LH Sân khấu hài tại Quảng Ninh vé bán 600.000 đồng/cặp (khán giả xem sân khấu thường ít đi một mình) vẫn chật kín rạp thì sao? Gần đây, LH Sân khấu Kịch Lưu Quang Vũ cũng đặc kín khán giả.
Không để vở diễn… xếp kho
So sánh sân khấu phía Bắc tối đèn với sân khấu phía Nam luôn sôi động, nhiều người đưa ra lý do như tâm lý, điều kiện kinh tế. Nhưng lý do đó đều thiếu tính thuyết phục.
Vấn đề là nằm ở phương thức hoạt động. Sân khấu phía Bắc dựng vở xong diễn một đợt là xếp kho. Sân khấu phía Nam đan xen nhiều vở diễn trong một tháng, một tuần, có kế hoạch diễn ổn định đã thiết lập được “đường dây” tới khán giả để họ tìm đến.
Có thể so sánh nhiều đơn vị sân khấu phía Bắc hôm nay như xe ô tô khách trước đây. Đủ khách mới chạy, thiếu khách thì chạy lòng vòng bắt khách cho đủ khiến công chúng quay lưng với xe khách. Chưa kể hàng hóa chất bừa bộn lên xe với giờ giấc tùy tiện đã biến xe khách thành xe hành hạ khách. Nay xe chạy đúng tuyến, đúng giờ, sạch sẽ, văn minh lịch sự đã khiến hành khách tìm đến. Khi sân khấu có khách mới diễn, “bắt khách” qua hợp đồng sẽ có một chương trình tùy tiện, thiếu ổn định, khán giả sao biết để tìm đến?
Thực tế, LH Sân khấu Thủ đô vừa qua rõ ràng có kế hoạch để công chúng biết thời gian, địa điểm để tìm đến. Nhà hát Tuổi trẻ thành một địa chỉ sân khấu trước hết cũng vì có chương trình theo kế hoạch cả tháng. Nếu Hà Nội có 1 – 2 điểm diễn cố định chắc sân khấu không ảm đạm như bấy nay.
*****
Sau những kỳ liên hoan này, đường dây sân khấu với khán giả được kết nối báo hiệu bước chuyển của một nền sân khấu đang sống và phải sống trong lòng công chúng! Giải thưởng tại LH Sân khấu Thủ đô
Ba vở diễn được trao giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” là: Những người con Hà Nội (Nhà hát Kịch Hà Nội), Hà Nội gió mùa (Nhà hát Cải lương Việt Nam) và Cánh chim trắng trong đêm (Nhà hát Chèo Hà Nội). Bên cạnh đó là 19 giải vàng và 23 giải bạc cho các nghệ sĩ: Xuân Bắc (vai Thái Giám trong vở Đạo học), NSƯT Tiến Đạt (vai Phán Tâm trong vở Những người con Hà Nội), NSƯT Minh Hằng (vai chị cả Tú trong Nhà có ba chị em gái), Việt Thắng (vai Mông Điê trong vở chèo Cánh chim trắng trong đêm), Hoài Thu (vai Duyên - Cánh chim trắng trong đêm)…
Lê Quý Hiền (Nhà viết kịch)
Thể thao & Văn hóa
Tags