(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 27/7 năm nay, chúng ta kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh Liệt sĩ. Đó là ngày để toàn xã hội cùng nhau tổ chức, tiến hành những hành động tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng.
Nhớ hồi năm 1985, trong khu tập thể chúng tôi lan truyền tin anh em trong khu nhập ngũ chiến đấu ở biên giới Vị Xuyên bị thương đã trở về. Bọn tôi lúc bấy giờ mới 16 tuổi, cũng ngấp nghé cái tuổi nhập ngũ, không ai bảo ai buổi tối đều tập trung đến chơi thăm hỏi các anh. Có đứa còn đòi anh thương binh nặng cụt cả hai chân cho phép sờ tay vào chỗ bị thương vẫn còn quấn băng xem cảm giác thế nào…
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết được thế nào là thương binh ngoài đời thực, còn trước đó chỉ xem trên phim ảnh. Thực sự thì cũng chưa cảm nhận được hết sự tàn khốc của chiến tranh nhưng tình cảm dành cho các anh lúc đó là có thật. Các bà mẹ sang thăm thậm chí nước mắt sụt sùi mặc dù đó không phải là con ruột của mình.
Đến khi nhập ngũ vào quân đội, năm 1990,tôi chuyển đơn vị vào tỉnh Bình Dương. Trong một lần học chiến thuật, một cậu bạn quê Thái Bình đã không may vấp phải đầu đạn M79 từ thời chống Mỹ còn sót lại, một tiếng nổ gây nên một vết cắt ngang mắt cá chân phải làm tất cả giật nảy người. Anh em cõng đi viện cấp cứu, rồi cậu bạn trở thành bệnh binh phải trở về quê với cái chân bị thương.
Chính vì vậy, sau khi xuất ngũ trở về, khi gặp những anh thương binh hoặc đến chơi những gia đình có thân nhân là liệt sĩ, gia đình thương bệnh binh, tôi luôn luôn bày tỏ sự tôn kính, sự sẻ chia, quan tâm tận đáy lòng. Họ đã đóng góp xương máu vào công cuộc giải phóng đất nước, giành lại hòa bình cho mọi người, và góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Một điều mà tôi nhận thấy trong rất nhiều lần tiếp xúc với các anh thương binh, đó là các anh luôn luôn yêu mến cuộc sống. Rất nhiều người tâm sự rằng họ phải sống cho cả những người đồng đội đã mãi mãi ra đi không trở về. Các anh dường như ý thức được sự may mắn của bản thân cũng như thấu hiểu mức độ ác liệt của chiến tranh cho nên luôn nhìn thấy giá trị của cuộc sống đời thường.
Tôi nhớ những năm 1980, tạp chí Văn nghệ quân đội có đăng truyện ngắn Người không có tên trong từ điển mà bây giờ tôi cũng không nhớ tác giả. Đại ý câu chuyện kể về một người lính có tên là Trần Trọng Chình (Chình viết là “Ch” chứ không phải là “Tr”). Anh đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh.
Khi giấy báo tử chuyển về địa phương, anh cán bộ chính sách thấy tên như vậy bèn sửa lại thành Trình và ghi vào tấm bằng Tổ quốc ghi công. Anh cán bộ lý giải rằng trong từ điển không có từ “chình”, chỉ có “trình bày”. Ông bố của Chình dứt khoát không nhận tấm bằng đó và đề nghị đổi lại. Ông nói rằng, các anh phải ghi đúng tên con tôi để mọi người biết đúng con tôi là liệt sĩ, vợ tôi sinh nó khi đang “chình” lại cái hồi nhà.
Lời qua tiếng lại, ông chủ tịch huyện sau khi biết chuyện đã gọi anh cán bộ chính sách lên và mắng: Con trai bác ấy hy sinh cả tính mạng để bảo vệ Tổ quốc, bác ấy còn không tính toán, có mỗi cái việc viết lại cho đúng tên mà các anh cũng hạch sách bà con. Như thế còn ra thể thống gì nữa…như thế liệu có ai còn yên tâm ra trận?!
Kể lại câu chuyện trên để nói rằng, các chính sách của Nhà nước và các hoạt động tri ân mà chúng ta làm vào dịp 27/7 hàng năm dù có tốt hơn so với trước đây nhưng cá nhân tôi cho rằng…vẫn không thể bù đắp được hết sự hy sinh, mất mát của các gia đình có thân nhân là liệt sĩ, thương bệnh binh. Hãy thực sự chia sẻ không chỉ là vật chất mà phải cả về mặt tinh thần, không chỉ có riêng ngày 27/7 mà có thể là bất kỳ dịp nào trong năm chứ không cố định. Và trên hết hãy thể hiện thái độ trân trọng, biết ơn đối với các liệt sĩ, các thương bệnh binh đúng với tinh thần đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.
Đào Quốc Thắng
Tags