Hồ Hoàn Kiếm vẫn chưa chịu... 'đổi mới'

Chủ nhật, 17/11/2019 19:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp Hà Nội vừa được công nhận là thành phố sáng tạo của thế giới, UNESCO và tập đoàn Signify Việt Nam đã chung tay khởi động cuộc thi trực tuyến “Thành phố thông minh, lung linh văn hiến”.

Lễ hội Kanagawa Nhật Bản tại Phố đi bộ Hồ Gươm

Lễ hội Kanagawa Nhật Bản tại Phố đi bộ Hồ Gươm

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 7/11 cho biết: Lễ hội Kanagawa Nhật Bản sẽ diễn ra ngày 16-17/11 tại Công viên Lý Thái Tổ, thành phố Hà Nội.

Cuộc thi nhằm mục đích kêu gọi các bạn trẻ Việt Nam có sự đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, khuyến khích sự tìm tòi về giải pháp sáng tạo xanh và chiếu sáng thông minh. Đồng thời hỗ trợ các bạn trẻ phát triển ý tưởng này, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Hà Nội với danh hiệu Thủ đô văn hóa và sáng tạo. Thông qua việc sử dụng công nghệ chiếu sáng thông minh dưới nhiều hình thức khác nhau, cuộc thi sẽ tạo ra cơ hội để lớp trẻ hình dung hình ảnh của một Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Đây là cuộc thi cho phép thí sinh sử dụng trí tưởng tượng và chuyên môn của mình để xây dựng các giải pháp chiếu sáng thông minh, khai phá tiềm năng ánh sáng gắn với công tác bảo tồn di sản.

Chú thích ảnh
Theo đội “Trâm – Gia - Yến”, hồ Hoàn Kiếm cần được “hiện đại hóa” thành tấm màn chiếu sáng khổng lồ

Các đội chơi đã hiến kế sử dụng ánh sáng để thu hút sự chú ý của du khách trong nước và quốc tế với các di sản. Qua đây, ý thức về bảo tồn di sản trong công chúng cũng được nâng cao. Các thành viên Opera Smart House cho rằng trong xã hội hiện đại, con người với đầy đủ cơm áo gạo tiền sẽ có nhu cầu tìm đến các yếu tố giải trí nhiều hơn. Trong những năm vừa qua, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành điểm đến không thể thiếu của những người yêu thích nghệ thuật. Mặc dù là công trình tiêu biểu của thành phố nhưng dường như Nhà hát Lớn đang bị lu mờ do không được chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm.

Từ đây, Opera Smart House đã đề xuất giải pháp sử dụng các vật liệu phản quang, ứng dụng chiếu sáng thông minh xung quanh khu vực nhà hát để tôn vinh nét đẹp của nơi đây. Đồng thời, ý tưởng biến Nhà hát Lớn trở thành phông nền để chiếu những hình ảnh 3D về sự kiện liên quan bên trong nhà hát hoặc tư liệu lịch sử cũng đã được đề xuất nhằm giúp nơi đây thật sự phát huy giá trị của di sản của Thủ đô Hà Nội.

Nhận định về ý tưởng trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia cho biết: “Đây là cách làm sáng tạo để thổi hồn cho các di sản của quốc gia. Không chỉ riêng Nhà hát Lớn mà ngay cả các di sản khác cũng có thể làm theo để các biểu tượng di tích thật sự trở nên nổi bật, thu hút du khách. Dù vậy, ý tưởng cũng cần có tầm nhìn xa hơn, gắn chặt với tiết kiệm và bảo tồn công trình theo hướng bền vững”.

Nhóm Những người trồng sen với dự án đóa sen nở giữa lòng Hà Nội, các bạn trẻ mong muốn có thể đem ý tưởng về đèn đom đóm và đèn năng lượng từ tảo để thắp sáng cho ngôi chùa Một Cột. Cùng chung ý tưởng với Opera Smart House, Những người trồng sen cũng cho rằng chùa Một Cột cũng như phần mặt hồ Linh Chiểu quanh chùa sẽ là phông nền tuyệt đẹp để trình diễn ánh sáng, hình ảnh về lịch sử dân tộc Việt Nam.

“Đây là cách làm nhằm tôn vinh nét đẹp của những di sản có tuổi đời hàng trăm năm cũng như thông tin đến du khách trong nước và quốc tế những thước phim lịch sử về dân tộc ta. Du khách sẽ không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa mà còn hiểu thêm về một quốc gia có bề dày lịch sử”, đội chơi chia sẻ.

Sức sáng tạo của các bạn trẻ không dừng lại ở đó khi đội Trâm – Gia – Yến mong muốn biến mặt hồ rộng 120.000m2 của Hồ Hoàn Kiếm trở thành tấm màn chiếu sáng khổng lồ. Theo đội chơi, được coi là trái tim của Thủ đô nhưng trong suốt một thời gian dài, Hồ Hoàn Kiếm vẫn chưa “chịu” đổi mới mình khiến nơi đây chỉ trường tồn một vẻ đẹp. “10 năm, 20 năm thì có vẻ được nhưng nếu 50 năm nữa mà Hồ Hoàn Kiếm vẫn như vậy thì du khách sẽ không còn thiết tha. Việc “hiện đại hóa” không gian lòng hồ nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính là điều cần phải làm. Hãy thử tưởng tượng vào mỗi dịp Quốc khánh 2.9, lòng hồ trở thành tấm quốc kỳ khổng lồ sẽ khiến lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người dân được nâng cao đến nhường nào?”, các thành viên của đội khẳng định.

Trước những đề xuất về sử dụng ánh sáng thông minh để bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản Thủ đô, PGS.TS Đặng Văn Bài, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vui mừng khi lớp trẻ đã có ý thức về bảo tồn di sản. Ông Bài cho rằng, ý tưởng của các đội chơi sẽ giúp những công trình ý nghĩa của Hà Nội có tính kết nối giữa hiện tại và quá khứ, tạo sự quan tâm của đông đảo quần chúng. Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Văn Bài cũng lưu ý, mọi sự sáng tạo luôn luôn phải lưu ý đến lưu giữ tối đa những giá trị nguyên gốc của di sản. 

Theo Báo Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›