(Thethaovanhoa.vn)- Một chương trình giàu ngôn ngữ biểu cảm, đến từ những giai điệu đẹp, trữ tình là những ấn tượng về buổi Hòa nhạc đặc biệt Toyota 2018 diễn ra tối 13/7 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
- NSƯT Đăng Dương lần đầu trình diễn tại Hòa nhạc Toyota
- Tùng Dương hát không nhạc đệm trong họp báo Hòa nhạc Toyota 2016
1. Lần đầu tiên chương trình ra mắt công chúng nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, mang tinh thần của một buổi hòa nhạc hữu nghị nhưng không có những nghi thức rườm rà thường thấy, Hòa nhạc đặc biệt Toyota 2018 được bắt đầu với sự trang nghiêm của cả khán phòng khi dàn nhạc trực tiếp chơi Quốc ca Việt Nam và Nhật Bản trên sân khấu. Đây cũng là những giây phút thiêng liêng và tự hào về Tổ quốc đối với mỗi khán giả có mặt tại phòng hòa nhạc.
Chương trình chính chỉ có 3 tác phẩm, đến từ 2 tác giả: Giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui của NSND Trọng Bằng, bản Cello Concerto cung Si thứ, Op. 104 và giao hưởng số 9 cung Mi thứ “Từ thế giới mới” – From the new world của Antonin Dvorak nhưng toàn bộ phần trình diễn của các nghệ sĩ (bao gồm cả các bản trình diễn thêm) đã mở rộng biên độ thưởng thức của khán giả, đưa họ đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, làm nên một đêm diễn ấn tượng và nhận được thật nhiều tràng vỗ tay ngưỡng mộ của khán giả dành cho các nghệ sỹ sau từng chương nhạc.
2. Ra đời từ cảm hứng với một câu hát của cố nhạc sĩ Văn Cao, cho đến nay giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui của NSND Trọng Bằng đã trở thành một tác phẩm khí nhạc gần gũi với công chúng trong và ngoài nước. Từ Thái Lan, Lào, Nhật Bản đến Đan Mạch, tác phẩm đã có một cuộc hành trình vô cùng thú vị cùng nhiều vị nhạc trưởng quốc tế. Trong đó, phải kể đến Honna Tesuji – vị thuyền trưởng của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Và lần này, giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui một lần nữa đã được trình diễn với sự hào sảng, niềm tự hào cũng như nỗi lòng da diết về đất nước và chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, hai tác phẩm Cello Concerto cung Si thứ, Op. 104 và giao hưởng số 9 cung Mi thứ “Từ thế giới mới” – From the new world lại chứa đựng ngôn ngữ cá tính riêng của nhà soạn nhạc Antonin Dvorak. Đồng thời, những khán giả am hiểu âm nhạc cổ điễn cũng vẫn nhận ra, bản giao hưởng số 9 Từ thế giới mới – khi có dịp đi khắp thế giới trong nhiều năm qua, còn đem theo cả những chất liệu từ quê hương của tác giả – âm nhạc nước cộng hòa Séc.
Vẻ đẹp của tình hữu nghị giữa các quốc gia - sợi chỉ đỏ xuyên suốt chương trình, đã được toát lên bởi tính dân tộc trong từng tác phẩm.Đó là một sự lựa chọn khéo léo và tinh tế của nhạc trưởng Honna Tesuji dành cho buổi Hòa nhạc đặc biệt Toyota 2018. Chưa kể đến, phong cách biểu diễn đầy sáng tạo của ông cùng các nghệ sĩ trong chương trình. Nhìn cách Honna Tetsuji vừa dùng đôi tay để chỉ huy dàn nhạc vừa dùng đôi mắt để giao tiếp và kết nối dàn nhạc với nghệ sĩ soloist một cách sinh động, thoáng đạt và say sưa, thấy ông như hình tượng một “sứ giả” âm nhạc thực thụ. Honna Tetsuji thực sự đã hoàn thành nhiệm vụ lèo lái của mình một cách xuất sắc.
3. Góp mặt trong đêm nhạc là sự xuất hiện của một tài năng cello đến từ Nhật Bản – Dai Miyata.
Là con nhà nòi, Dai Miyata theo học cello từ năm 3 tuổi. Anh là nghệ sĩ đầu tiên của Nhật Bản được trao giải thưởng Grand Prix trong cuộc thi có uy tín thế giới - Cello Rostropovich, năm 2009. Nghe Dai Miyata chơi trong đêm Hòa nhạc đặc biệt Toyota 2018, khán giả phần nào hiểu vì sao Dai Miyata đang là “tâm điểm” của truyền thông quốc tế ở thời điểm này.
Cello Concerto cung Si thứ, Op. 104 là tác phẩm cello cuối cùng và cũng là một trong những tác phẩm khó nhất về cello, của nhà soạn nhạc Antonin Dvorak. Để trình diễn tác phẩm này thành công, tác giả đã thử thách nghệ sĩ biểu diễn không chỉ bằng kỹ thuật (đặc biệt là ở coda, chơi quãng tám với nhiều điểm nghỉ trước chuyển giọng; những sắc thái đa dạng thay đổi liên tục) mà còn đòi hỏi ở độ sâu của tâm hồn.
Dai Miyata chơi hết sức thuyết phục người nghe bằng cả lý trí và cảm xúc. Không trật một nốt nào, cũng không đuối một nốt nào, anh đem đến một sự hoàn hảo về âm thanh từ cây đàn của mình. Từ những sắc thái nhỏ, rất nhỏ, cho đến mạnh mẽ, Dai Miyata chơi đầy nhiệt huyết khiến cho từng nốt nhạc vang lên một cách tròn đầy, đến độ căng tràn nhưng vẫn thể hiện rõ tất cả các yêu cầu về sắc thái: mượt mà, day dứt, trầm bổng…
Dai Miyata chơi tác phẩm sâu sắc nhất ở chương 2, chương chậm. Người ta thường ví âm thanh của cây đàn cello như một giọng nam trầm, ấm, đầy tình cảm. Và với chương thể hiện nội tâm nhất của người nghệ sĩ, Dai Miyata đã bộc bạch tâm hồn mình bằng cả sự trầm ấm và khoảng lặng vô cùng tinh tế. GS. Vũ Hướng – một trong những bậc thầy giảng dạy về cello tại học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, phải thốt lên: “Chơi hay quá. Tôi đã từng tốt nghiệp tác phẩm này tại Bulgaria. Dai Miyata đã đưa tôi “một vé” trở về thời sinh viên, rất xúc động !”.
Phải nói thêm rằng, rất may mắn, ở những phần solo giàu cảm xúc của Dai Miyata, cả khán phòng đã giữ được sự tĩnh lặng đến “nín thở” để nghe tiếng đàn của anh.
Đáp lại những tràng pháo tay kèm tiếng hô “bravo” của khán giả dành cho mình, Dai Miyata chào tạm biệt đêm diễn bằng trích đoạn Tổ khúc số 1 của Bach.
4. Trong đêm diễn, ngoài Dai Miyata, có lẽ cũng cần nhắc đến sự xuất hiện của hai tài năng âm nhạc Việt Nam. Đó là Hoàng Tùng chơi oboe – người từng được Dàn nhạc trẻ châu Á chọn trong 5 mùa diễn liên tiếp. Đảm nhiệm vị trí bè trưởng oboe, Hoàng Tùng đã có phần trình diễn nổi bật ở những đoạn solo và anh là một trong những điểm nhấn làm nên thành công cho chương trình. Và người thứ hai là violinist Đỗ Phương Nhi – gương mặt tài năng trẻ đã từng có mặt trong hòa nhạc Toyota 2011, 2013. Tuy nhiên, lần này, Phương Nhi “ẩn mình”, làm bạn diễn đồng hành cùng bố (violinist Đỗ Xuân Thắng) và mẹ (bè trưởng violon Lê Hoàng Lan) trong dàn nhạc.
Sau đêm diễn duy nhất tại Hà Nội, Hòa nhạc đặc biệt Toyota 2018 sẽ tiếp tục ra mắt công chúng Nhật Bản vào 19h ngày 18/7 tại The Symphony Hall, Osaka và 19h ngày 20/7 tại Suntory Hall, Tokyo.
Kể từ khi thành lập, với mục tiêu trở thành “công dân tốt trong cộng đồng sở tại” qua nhiều hoạt động văn hóa xã hội, công ty Toyota đã mang tới cho công chúng yêu nhạc cổ điển Việt Nam những cơ hội quý hiểm thưởng thức âm nhạc đỉnh cao với các chương trình Toyota Classics, Toyota Concert và lần này là Toyota Special Concert trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. |
Ngọc Minh