(Thethaovanhoa.vn) - Với định vị là chuỗi chương trình hòa nhạc quốc gia, là "món ăn tinh thần" mỗi dịp Quốc khánh nhằm khơi dựng lại ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc, “Điều còn mãi 2017” đã không chỉ hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm cao cả đó.
- Hòa nhạc ‘Điều còn mãi’ năm 2017 có gì đặc biệt?
- Hòa nhạc Quốc gia 'Điều còn mãi': Linh thiêng gọi tên 'Tổ quốc'
- Nhạc sĩ Dương Thụ: 'Điều còn mãi' chắc chắn sẽ còn mãi
Cũng như các năm trước đây, Điều còn mãi 2017 được mở màn bằng tác phẩm Tiến quân ca, với 4 dàn bè vang lên cùng cả dàn nhạc giao hưởng. Đặc biệt, để kỷ niệm 20 năm ngày thành lập báo VietNamNet - đơn vị tổ chức chương trình, Hòa nhạc chọn trình diễn lại một số bản nhạc đã từng gây tiếng vang và được đông đảo công chúng mến mộ trong suốt 7 chương trình đã diễn ra.
Thiếu "bề nổi" nhưng đầy chiều sâu
Và nếu như mọi năm trước, hòa nhạc Điều còn mãi đều có sự góp mặt của ít nhất một giọng ca nhạc nhẹ như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam hay Tùng Dương, thì năm nay những cái tên ấy lại vắng bóng hoàn toàn.
Điều này đã khiến không ít khán giả “hụt hẫng”. Bởi nói gì thì nói, Điều còn mãi được trực tiếp trên VTV1 vẫn là chương trình hướng tới đại chúng, nên nếu mang nặng tính thính phòng, hàn lâm thì rất có thể sẽ giảm đi hứng thú với đa phần khán giả trẻ.
Không tạo được “bề nổi” bởi những cái tên, nhưng bù lại, chất lượng âm nhạc năm nay được đánh giá khá cao. Nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng hai nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Trần Mạnh Hùng tiếp tục cho thấy kinh nghiệm dày dặn thông qua các phần phối khí và dàn dựng với sự chỉn chu nhưng cũng không thiếu tính sáng tạo.
Khung chương trình cũng đã được đầu tư hơn, kết hợp hài hòa giữa thanh nhạc và khí nhạc, gồm đa dạng từ hợp xướng, trường ca, giao hưởng, hòa tấu, từ âm nhạc mang tính hàn lâm đến việc làm mới lại các bài hát đương đại.
Những cái tên được BTC “chọn mặt gửi vàng” đều là những gương mặt sáng giá trong từng dòng nhạc và cũng góp phần mang lại chất lượng cho chương trình.
Trong bối cảnh vắng bóng một liên hoan âm nhạc giao hưởng mang tầm cỡ quốc gia của Việt Nam, đây là cơ hội để khán giả đại chúng được tiếp cận gần hơn đến những giọng ca này.
Sức hút tự nhiên từ tính "thuần Việt"
Những cái tên nước ngoài vẫn thường được sử dụng làm yếu tố đảm bảo sức hút tin cậy cho phần lớn các chương trình hòa nhạc, trong bối cảnh nhạc giao hưởng, thính phòng Việt Nam vẫn chưa phải là “thương hiệu” có sức nặng trong tâm trí khán giả. Yếu tố ngoại quốc nếu không phải nhạc mục thì sẽ là nhạc trưởng, dàn nhạc, nghệ sĩ độc tấu hay ca sĩ.
Điều còn mãi có thể coi là trường hợp cá biệt duy nhất (trong số những chuỗi chương trình gây được tiếng vang tương đương khác). Yếu tố hơi “nước ngoài” chỉ nằm ở nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai nhạc sĩ Hoàng Vân, hiện đang sinh sống và thành danh tại trời Âu, còn lại thì “thuần Việt” từ nhạc mục cho đến con người.
Thế nhưng đó lại là điểm độc đáo làm nên sức hút bền vững tự nhiên cho Điều còn mãi, đồng thời phù hợp với mục đích chương trình nhất là lại được tổ chức vào đúng thời điểm cả nước hướng về Tháng Tám lịch sử.
Nhạc sĩ Văn Ký bày tỏ sự lạc quan: “Các nhạc sĩ Việt Nam hoàn toàn chứng minh được rằng họ có thể sáng tác âm nhạc ở trình độ chuyên nghiệp cao. Nhưng họ lại rất cần sự can thiệp của cơ quan truyền thông để đưa những giá trị đỉnh cao ấy đến với công chúng. Nếu không thì công chúng sẽ lầm tưởng rằng âm nhạc Việt Nam thiếu chất lượng, thiếu tính lịch sử và quay lưng. Thẩm mỹ công chúng sẽ bị hạ thấp!”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: “Đội ngũ các ca sĩ, nghệ sĩ đều nhập được vào tinh thần âm nhạc Việt Nam, vào dòng chảy chính thống và nâng lên một tầm cao mới. Điều đó khiến chúng tôi thấy rất tự hào vì đã tiếp bước được truyền thống mà các thế hệ đi trước để lại.”
Tín hiệu tích cực từ khán giả
Sự đón nhận của cộng đồng với Điều còn mãi qua các năm là một tín hiệu tích cực đối với thể loại nhạc giao hưởng, thính phòng Việt Nam.
Với một người gắn bó sâu sắc với thể loại này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lại càng cảm nhận rõ điều đó: “Tôi luôn luôn tin tưởng rằng với khán giả của chúng ta luôn có tình yêu với nhạc giao hưởng. Thước đo của khán giả rất nhạy cảm. Nếu chúng ta đưa ra 1 chương trình truyền cảm, có tính sáng tạo, tính nghệ thuật thì chắc chắn khán giả đón nhận một cách trân trọng."
"Để làm ra 1 chương trình như thế này phải mất đến hàng tháng trời, thậm chí hàng năm, khác với những chương trình lắp ghép hay dựa vào yếu tố kỹ thuật công nghệ khác. Đây coi như là một món quà dành tặng cho khán giả, đồng thời cũng là bệ đỡ để nghệ sĩ chúng tôi tiếp tục phát huy và cống hiến hơn nữa” - NS Đỗ Hồng Quân nói thêm.
Tín hiệu tích cực ấy phần nào khỏa lấp đi những hạn chế trong văn hóa nghe nhạc giao hưởng của người Việt Nam. Dù cho vẫn còn đó những bộ trang phục không phù hợp, những tiếng tách tách của máy ảnh, tiếng nói chuyện, tiếng loạt xoạt của quạt giấy, ánh sáng từ hàng loạt màn hình quay phim được giơ lên tầm mắt khi các nghệ sĩ đang say sưa tấu nhạc.
Hy vọng rằng với những tín hiệu tích cực trên, cùng sự nỗ lực của các nghệ sĩ, nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam sẽ cho thấy sự khởi sắc cả về chất và lượng trong tương lai.
Xem lại toàn bộ chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi - 2017" tại đây:
Hà My. Ảnh: BTC
Tags