Hoạ sĩ Đào Hải Phong: Không 'bán' tranh mà 'bán' một phong cách nghệ thuật

Thứ Ba, 26/11/2019 11:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Được vẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây, 25 bức tranh sơn dầu ưng ý nhất của họa sĩ Đào Hải Phong đang trưng bày trong triển lãm mang tên Lối phong tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (49 Nguyễn Du, Hà Nội), mở cửa đến ngày 30/11.

Họa sĩ Đào Hải Phong và 'Lối Phong' được đúc kết sau 30 năm sự nghiệp

Họa sĩ Đào Hải Phong và 'Lối Phong' được đúc kết sau 30 năm sự nghiệp

28 bức họa đặc sắc nhất được sáng tác trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây cùng cuốn sách hội họa mang tên “Lối Phong” là những câu chuyện nghệ thuật mà họa sĩ Đào Hải Phong dành tặng công chúng nhân kỷ niệm 30 năm cầm cọ

1. Trong 25 tranh bày trong triển lãm, mỗi bức là một cách thể hiện cảm xúc rất riêng của họa sĩ Đào Hải Phong với ao quê, hoa sen, dòng sông, con đò, hay những ngôi nhà cổ nơi phố thị… Cảnh sắc trong những bức tranh của họa sĩ luôn "đỏ chói, vàng rực, xanh ngát, tím bầm”.

Xem tranh của Đào Hải Phong, công chúng thấy hóa ra những nhà cửa, ao hồ, sông suối, núi đồi… không còn quan trọng. Đó chỉ là cái cớ để họa sĩ thỏa mãn cơn khát màu đến “cực đoan”. Đào Hải Phong đặc biệt giỏi chơi màu tương phản, xanh, đỏ, tím, vàng… cứ gọi là đối nhau chan chát. Cho nên, mái ngói có thể xanh, bầu trời có thể vàng, dòng sông có khi tím ngắt… Họa sĩ dường như bất chấp hết, miễn là màu sắc phải rực rỡ, tưng bừng, hút mắt.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Đào Hải Phong bên một tác phẩm tại triển lãm

Có thể nói, 25 tác phẩm trong triển lãm thể hiện rõ độ “chín” trong sự nghiệp cầm cọ gần 30 năm của Đào Hải Phong. Lần triển lãm cá nhân trong nước gần nhất của họa sĩ cũng cách nay đã 20 năm.

Chú thích ảnh
"Bạch liên hồ" - tác phẩm trong triển lãm "Lối phong"

2. Nhân dịp này, họa sĩ cũng ra mắt cuốn tổng tập cùng tên về cuộc đời và sự nghiệp dày 500 trang do con trai (đang học và làm việc ở Mỹ) thiết kế. Ngoài Mở và Kết, cuốn Lối phong gồm 5 chương: Tranh (dạo), Tuổi thơ, Lối phong, Nhà, Bạn. Có 79 bức tranh được Đào Hải Phong chọn lựa, giới thiệu. Đó cũng có thể coi là những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Đào Hải Phong sau tròn một thập kỷ tiếp tục độc hành trên con đường “làm thơ bằng hội họa”.

Chú thích ảnh
"Sau mùa gặt" – tác phẩm trong triển lãm "Lối phong"

Tuy nhiên, họa sĩ chỉ in đúng 600 cuốn sách với giấy được nhập về từ Mỹ và được thiết kế công phu. Anh nói muốn bán sách cho những người yêu sách chứ không phải làm để kiếm tiền. “Ai không có giá sách ở nhà, tôi cũng khuyến khích không nên mua” - họa sĩ cho hay.

Đào Hải Phong chia sẻ: “Tôi nghĩ, khi một người được nghệ thuật chọn thì đó vừa là đặc ân, vừa là thách đố. Bản thân tôi luôn quan niệm nghệ thuật là vô đích. Sau nhiều năm làm việc, tôi luôn cảm thấy những bức tranh chưa vẽ có thể chạm tới đích của mình chăng? Rồi bất chợt ngoảnh lại nhìn điểm xuất phát cũng chẳng thấy đâu nữa. Cuộc sống quả thật trôi nhanh khi ta theo đuổi một điều gì đó”.

“Cuốn Lối phong được ra đời khi các con tôi đi du học và trở về. Tôi thấy chúng lớn, đã trưởng thành. Với tôi, Lối phong cũng chỉ là một cuộc chơi, một kỷ niệm, một phương tiện - để qua đó chúng ta hiểu lẫn nhau. Cuốn sách này có tranh. Nhưng cuốn sách này cũng là đời. Cuốn sách này có bạn. Và sau tất cả, cuốn sách này là tôi” - họa sĩ giãi bày thêm.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Lối phong"

3. Đào Hải Phong là một trong những tên tuổi nổi bật của thế hệ họa sĩ sau thời kỳ Đổi mới. Người yêu tranh có thế nhận ra tranh của anh ở bất cứ đâu, bởi mỗi tác phẩm đều đậm dấu ấn riêng biệt. Chính vì thế, tranh của anh luôn nằm trong nhóm những tác phẩm hội họa bị “đạo” (sao chép) nhiều. Sau nhiều năm bực tức, giờ Đào Hải Phong ở tâm thế an nhiên. Họa sĩ suy ngẫm “20 năm nữa người ta vẫn còn chép tranh của mình thì mình vẫn sống, vẫn là hiện tượng”.

Đào Hải Phong cũng nghiệm ra rằng: “Những bức tranh mình vẽ hoàn toàn không căng thẳng là những bức tranh đẹp nhất. Bởi vậy người ta mới nói, nghệ thuật là cảm xúc. Một áp lực nặng nề hay một mâm cỗ với những đòi hỏi cư xử chuẩn mực phép tắc chưa bao giờ là điều có ích trong hội họa hay bất kỳ con đường sáng tạo nào”.

Họa sĩ Đào Hải Phong tự hào không phải tranh của mình đẹp hơn người khác mà bản thân anh là một con đường, một phong cách, nhìn ra phong cảnh Việt Nam theo suy nghĩ của mình. Họa sĩ cũng tự nhận tranh mình "không đắt" và anh cũng không bán giá quá cao. "Đến một tuổi nào đó người ta không bán tranh mà bán một phong cách nghệ thuật, cụ thể hơn là bán cái tên của họ" - anh nhận xét.

Vài nét về họa sĩ Đào Hải Phong

Họa sĩ Đào Hải Phong sinh năm 1965 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh và làm thiết kế chính tại Xưởng phim Việt Nam. Cũng từ đây anh bắt đầu sự nghiệp họa sĩ độc lập.

Các sáng tác của Đào Hải Phong được triển lãm, trưng bày và nằm trong các bộ sưu tập nghệ thuật của Việt Nam, Singapore, Anh, Thụy Sĩ và nhiều nước khác.

An Đạt

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›