(TT&VH) - Phòng tranh giấy dó mang tên Vùng cao đất Việt nằm trong triển lãm không gian Việt do Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris tổ chức khai mạc vào trung tuần tháng 4 vừa rồi đã gây một ấn tượng khá mạnh với công chúng đến xem.
Làm một Andersen kể chuyện đất Việt
Đây là 51 tranh trong bộ sưu tập của tác giả Đỗ Đức sau gần 20 năm vẽ về miền núi và đời sống của một số dân tộc phía Bắc. Trong một loạt bức tranh khổ 60x80cm được chia làm nhiều phần với những hình ảnh khác biệt, họa sĩ đã sáng tạo bằng cách nhìn của camera để mở rộng không gian (kể cả không gian tâm linh, không gian văn hóa), và đưa thêm được cả thời gian vào trong tranh, kết nối với nhau chặt chẽ và hài hòa. Với cách làm đó, tác giả đã đạt được ý đồ muốn làm một Andersen kể chuyện về quê hương đất Việt. Một không gian núi ẩn chứa sau nó cả một cuộc sống đa sắc của các tộc người với bao nhiêu đặc trưng riêng biệt.
“Bạn hãy nhìn chân dung một phụ nữ dân tộc và để ý đến váy áo của họ. Họ đang mang trên mình các kiểu thức áo quần khác nhau, nhưng sự độc đáo khác biệt không phải chỉ nằm ở đó. Hẳn rất ít người biết sau kiểu thức, hoa văn và y phục là những câu chuyện, là giáo lý, cùng những lời nhắn gửi của tổ tiên để lại. Nó gói ghém những ký ức cuộc sống của mỗi dân tộc, của đời mỗi con người, những niềm đam mê, day dứt, sự thống khổ và sự yên bình hạnh phúc” - tác giả tự bạch.
Có tìm hiểu kỹ, người xem mới thấy sự rung cảm thầm kín trong trái tim người nghệ sĩ dành cho họ. Cho nên triển lãm này không chỉ có mục đích tôn vinh khả năng biểu cảm của chất liệu giấy dó mà còn muốn nhiều hơn thế. Đó là cuộc sống của cả vùng đất họa sĩ đã lặn lội suốt một thời để tìm ra cách nhìn riêng biệt. Thêm vào đó, những phong cảnh mềm như sương ban mai đến gồ ghề của đá sắc nhọn được diễn đạt trên nền giấy mềm mại khiến người xem ngạc nhiên về khả năng biểu cảm phong phú của chất liệu này.
Sẽ được giới thiệu để triển lãm tại UNESCO?
Tranh giấy dó dù mới xuất hiện hơn 20 năm nay và trở thành một thể loại mới của hội họa Việt Nam, không còn xa lạ với công chúng yêu nghệ thuật trong nước, nhưng ở Paris lại là sự mới mẻ, mang đến sự hấp dẫn vì sự tinh tế của chất liệu. Ông Đại sứ Văn Nghĩa Dũng, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh UNESCO sau khi xem phòng tranh, lắng nghe dư luận và trò chuyện với họa sĩ đã tính đến việc đem phòng tranh này đi giới thiệu để triển lãm tại UNESCO.
Sự thành công của họa sĩ tại triển lãm ra mắt này cũng là sự thành công của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè Pháp.
Triển lãm mở cửa từ ngày 18/4/2009 đến 15/15/2009 tại 19bis phố Albert 75013 Paris
Hồng Ngọc