(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Hùng Dingo (Lê Đức Hùng, Hà Nội) – với thâm niên hơn 20 năm cầm cọ lại tiếp tục ẵm giải Biếm họa Báo chí – Cúp Rồng tre lần V với chủ đề Ứng xử văn hoá; Xã hội văn minh do Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức.
Trước đó, ở giải Biếm họa Báo chí – Cúp Rồng tre lần 4 phát động cách đây 4 năm, Hùng Dingo là tác giả gửi tranh dự thi muộn nhất vì… không biết báo Thể thao & Văn hóa mở cuộc thi. Dù chỉ còn 1 ngày để “trổ tài”, nhưng anh đã vẽ liền 10 bức và mang đến nộp khi đã cuối ngày. Nhưng bức tranh Cây cưa của anh đã đoạt giải Khuyến khích.
Sẵn sàng gửi cả trăm bức để dự thi
Chia sẻ với Thể thao & Văn hóa, Hùng Dingo cho biết: “Lần đoạt giải cách đây 4 năm là do tình cờ và may mắn, nhưng đó cũng là động lực lớn khiến tôi quyết định dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và vẽ biếm họa”.
Chính vì thế, lần này, Hùng Dingo tham gia Cúp Rồng tre trong một sự chuẩn bị kỹ hơn và có tính toán, không phải để "ẵm" giải hay lí do gì khác mà vì “biếm họa xứng đáng để được trân trọng và tôn vinh vì những cống hiến của nó cho cuộc sống”.
“Tôi cũng như rất nhiều bậc đàn anh đi đều rất hiểu việc mình đang làm. Có thể xã hội, cũng như cách nghĩ của chúng chưa hoàn toàn chấp nhận việc ai đó "bị" mang ra làm đích ngắm của biếm họa, nhưng tôi tin thể loại này sẽ phát triển trong tương lai”, Hùng Dingo nhấn mạnh. “Bởi, sau sự phản biện, mổ xẻ hiện thực và cả chiều sâu của đời sống, mục đích của biếm họa vẫn là nỗi khao khát, mong muốn tất cả mọi người cùng hiểu, cùng sống tốt hơn”.
Như lời Hùng, lần tham gia này anh gửi dự thi 10 tác phẩm – số lượng tối đa mà BGK quy định. Còn nếu được gửi thoải mái, anh sẽ vẽ cả trăm bức. “ Đề tài của cuộc thi là Ứng xử văn hóa trong đời sống, nhưng tôi vẽ về văn hóa trên không gian mạng. Có rất nhiều câu chuyện ở đó, khi mà cuộc sống ảo hiện giờ còn diễn ra với tốc độ nhanh hơn và hàm chứa nhiều nguy hiểm hơn cuộc sống ngoài đời”, anh nói thêm.
Càng ít lời càng tốt
Nói về vẽ tranh biếm họa, Hùng Dingo bảo đây là một cái duyên rồi thành nghiệp. Anh vẽ biếm họa 1 cách tự nhiên, giống như cách người khác viết chữ, nghĩa là vẽ để giải tỏa hay giãi bày những suy nghĩ về một vấn đề, một sự việc nào đó mà mình chứng kiến, cảm nhận.
“Tôi không biết chính xác mình vẽ biếm họa từ lúc nào”, Hùng giãi bày. “Chỉ biết là tôi thích vẽ từ lúc bé và vẽ liên tục lúc nào cũng vẽ lăng nhăng lít nhít như một thú vui và vẽ bằng mọi chất liệu có trên tay. Có thể tạm coi cái mốc 1992 là năm tôi tham gia vào biếm họa, vì đó là năm tôi có tranh in trên báo Tiền phong lần đầu tiên”.
Từ sau năm đó, Hùng Dingo hay gửi tranh cho một số báo và dần trở thành một gương mặt được biết tới trong làng biếm sĩ. “Tôi quan niệm biếm họa phải kiệm lời, thậm chí không lời càng hay. Nhưng lượng thông tin trong đó phải nhiều và mạnh.
Bởi biếm họa là nghệ thuật không biên giới, có thể giúp người ở quốc gia khác hay người không biết chữ cũng có thể hiểu được ý tứ mà họa sĩ đưa vào tranh”, anh nói thêm. “Vì thế, biếm họa cần sự chiêm nghiệm về nhiều mặt của cuộc sống, sự từng trải hay và nắm bắt suy nghĩ của mọi tầng lớp của đời sống xã hội.”
Hùng Dingo cho biết, anh đang tập hợp những tác phẩm biếm họa của mình để làm triển lãm cá nhân. Tuy nhiên chuyện này chỉ có thể tiết lộ đến vậy: “Chắc chắn, tôi sẽ còn gắn bó lâu dài với tranh biếm”.
Vài nét về giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V - 2018 Với chủ đề Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh, giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V – 2018 được báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức nhằm tiếp tục khích lệ phong trào sáng tác biếm họa tồn ẩn trong những “nhà báo vẽ” ở khắp mọi nơi. Cuộc thi kêu gọi các tác giả sử dụng sức mạnh của biếm họa để phê phán những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử, cổ vũ những hành động văn hóa, văn minh trong các quan hệ ứng xử trong xã hội ngày nay, bày tỏ mong muốn về một môi trường xã hội (cả thực và ảo) thực sự văn minh trong ứng xử... Lễ trao giải và triển lãm giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V - 2018 sẽ diễn ra chiều 11/1 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). |
Hoài Thương
Tags