(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Bên chiến hào vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, trưng bày 97 ký họa tiêu biểu của họa sĩ Huỳnh Phương Đông (22/4/1925-18/12/2015).
Một triển lãm gợi nhớ về các cuộc triển lãm bên chiến hào đã thực hiện trong thời kỳ kháng chiến, nhằm động viên tinh thần đồng đội ngoài mặt trận. Thời ấy, các họa sĩ của Phòng Hội họa Giải phóng (B11) vừa chiến đấu vừa sáng tác với tinh thần lạc quan, yêu đời, rồi triển lãm ngay bên chiến hào.
Đây cũng là những tác phẩm trong số 250 bức ký họa đã in trong cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông (NXB Mỹ thuật, 2022).
Chuyện “cậu Nhãn” trở thành họa sĩ
Huỳnh Công Nhãn sinh tại Bình Hòa, Gia Định. Nguyên quán Kế An, Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Thuở bé, Huỳnh Công Nhãn đã có khiếu, làm bài tập vẽ lúc nào cũng xuất sắc, thầy khuyến khích sau này nên theo học trường mỹ thuật.
Năm 1940, Trường Vẽ Gia Định (École de Dessin) đổi tên thành Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định (École des Arts Appliqués de Gia-dinh), Huỳnh Công Nhãn thi tuyển vào trường năm 1941 khi vừa 16 tuổi.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Trong khoảng thời gian này, Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định tạm ngưng hoạt động, nhiều học sinh của trường tham gia kháng chiến. Huỳnh Công Nhãn gia nhập Hội Thanh niên Tiền phong, là đoàn viên tuyên truyền ở tỉnh Sóc Trăng. Năm 1946, ông quay trở lại Sài Gòn và hoạt động bí mật với nhiệm vụ vẽ biểu ngữ, viết truyền đơn cổ động phong trào cách mạng của nhân dân tại nội thành. Sau đó, ông đảm trách nhiều nhiệm vụ tại các đơn vị: Chi đội số 21 bộ đội Bình Xuyên, Tiểu đoàn 300 Bà Rịa (1950-1951), Tiểu đoàn 300 Bà Rịa - Chợ Lớn (1952), Đoàn chuyển quân tập kết ra Bắc...
Năm 1954, Huỳnh Công Nhãn tập kết ra Bắc, công tác tại Phòng Tuyên huấn trực thuộc Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tại Hà Nội.
Năm 1955, nữ y tá Lê Thị Thu cùng bạn học lên thăm một người cậu cũng là họa sĩ quân đội, đang công tác trong quân ngũ ở Hà Nội và cơ duyên gặp họa sĩ Huỳnh Công Nhãn tại đây. Cuối năm, chàng họa sĩ đến gặp y tá Lê Thị Thu và ngỏ lời tìm hiểu…
Ngày 7/10/1957, ông khai kết hôn tại Ban đại điện hành chính khu phố 2, TP Hà Nội. Họ, tên người chồng: Huỳnh Công Nhãn. Nghề nghiệp: Cán bộ quân đội (họa sĩ). Họ, tên người vợ: Lê Thị Thu. Nghề nghiệp, chỗ ở người vợ: y tá, Ty Y tế Phú Thọ.
Sau khi kết hôn, ông bà không có điều kiện sống gần nhau. Ông vẫn tiếp tục công tác trong quân ngũ tại Hà Nội. Bà công tác tại Ty Y tế tỉnh Phú Thọ. Khi bà về thăm ông sẽ cùng ở Nhà hạnh phúc (gọi là Chiêu đãi sở, phố Đội Cấn, gần làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội). Ông bà có ba người con. Con gái đầu lòng Phương Mai sinh năm 1959. Người con thứ hai chào đời vào năm 1963, được đặt tên là Huỳnh Phương Đông, theo tên gọi tàu vũ trụ Phương Đông. Người con thứ ba là cô út Phương Lan.
“Thời kỳ ông Huỳnh Công Nhãn học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, ông Quang Phòng - bố tôi - có tham gia giảng dạy tại đó, vào cuối những năm 1950 của thế kỷ trước. Người đầu tiên nói cho tôi biết Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn chính là bố tôi. Ông Nhãn kém bố tôi một tuổi, học xong ông đi B, rồi kể từ sau hòa bình ông ở lại hẳn miền Nam quê hương ông, nên bố tôi và ông rất ít có dịp gặp nhau” - nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt viết.
Theo tài liệu đánh máy còn lưu giữ được thì những hội viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1957 gồm có 123 hội viên, xếp theo vần A-B-C, từ Phan Kế An, Nguyễn Bích, Nguyễn Văn Bình... cho đến Huỳnh Công Nhãn (dòng 20)...
Năm 1963, họa sĩ Huỳnh Công Nhãn nhận quyết định đi B. Ông đã gửi thư về gia đình ở Phú Thọ, có đoạn ghi: “... báo tin cho em, anh đã lấy tên con H.P.Đông làm tên anh một thời gian hoạt động, em sẽ viết thư cho anh bằng tên mới. (ký tên) Nhãn/ Huỳnh Phương Đông”.
“Hơn mười năm đầu đời lớn lên ở miền Bắc, tôi nghĩ tên mình cũng bình thường như tên bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa và hoàn toàn chưa hiểu được ba tôi đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng với bút danh là cái tên mà tôi mang theo mình. Và vinh hạnh hơn khi tên của tôi, Huỳnh Phương Đông, được lấy làm bút danh của ba trong suốt hành trình lịch sử ông tham gia làm cách mạng cho đến khi thống nhất đất nước” - con trai Huỳnh Phương Đông chia sẻ.
Huỳnh Phương Đông là họa sĩ - chiến sĩ tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông lấy tên con trai làm bí danh từ năm 1963, khi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam bộ, công tác tại Phòng Hội họa Giải phóng (B11). Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975 đến 2015, ông vẫn dùng bí danh Huỳnh Phương Đông làm bút danh chính thức để hoạt động mỹ thuật. Ông đã đi thực tế qua nhiều chiến trường, ghi lại hình ảnh sự kiện lịch sử, chân dung đồng chí - đồng nghiệp - chiến sĩ cách mạng trung dũng kiên cường bằng những bức vẽ sinh động.
Một đời ký họa
Phần nhiều những tác phẩm vẽ trước năm 1963 của họa sĩ Huỳnh Công Nhãn đã bị thất lạc hoặc bị hủy hoại trong chiến tranh, phần còn sót lại và phần được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì chúng tôi chưa có dịp để tiếp cận. Trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1975, họa sĩ Huỳnh Công Nhãn đã sử dụng chữ ký Huỳnh Phương Đông (ký) trên những bức vẽ, hoặc những lá thư gửi về gia đình ở Phú Thọ.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông ký họa chân dung để ghi nhớ những khoảnh khắc của người bạn, đồng chí, đồng nghiệp… và lưu giữ kỷ niệm. Với khả năng thị giác nhạy bén, ông đã ký họa được các bức chân dung phản ánh trung thực đặc điểm, cũng như cá tính và tâm trạng nội tại của nhân vật. Ông có khả năng phân tách những chuỗi chuyển động ra thành từng khoảnh khắc, nắm bắt và giữ lại một khoảnh khắc ưng ý nhất để đặc tả trong tranh. Có lẽ năng lực thiên phú đặc biệt này đã làm nên tên tuổi của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, ông họa sĩ mà tôi ngưỡng mộ, yêu mến!
Theo nhận định riêng của chúng tôi, những bức vẽ ký tên Huỳnh Phương Đông được ký họa tại chiến trường là những trang sử bằng tranh vô giá, là một tập tài liệu mỹ thuật quý, hữu ích cho việc tìm hiểu nghệ thuật tạo hình trong kháng chiến - thời kỳ chống Mỹ cực kỳ anh dũng của nhân dân Việt Nam.
“Đã có rất nhiều họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ đi vào chiến trường miền Nam với những bí danh, bút danh khác nhau, và cũng phần nhiều trong số họ chỉ sử dụng chúng như một phương tiện tạm thời của thời chiến. Làm cho bí danh, bút danh của mình trở nên rực rỡ, vẻ vang bằng tài năng, tâm hồn và nhân cách của mình, gìn giữ nó xứng đáng trong suốt sự nghiệp của mình, những nghệ sĩ như thế không nhiều lắm, và họa sĩ Huỳnh Phương Đông là một trong những nghệ sĩ như thế”.
Bí danh Huỳnh Phương Đông Cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông mang sứ mệnh tiếp tục gìn giữ những tư liệu quý mà gia đình họa sĩ đã lưu giữ hơn 50 năm qua. 548 trang sách có nhiều thông tin và hình ảnh chưa từng công bố, những bức ảnh thời sự cũng như các bức tranh sống động, phản ảnh cuộc sống và sự nghiệp của họa sĩ Huỳnh Phương Đông trong các thời khắc lịch sử đáng ghi nhớ. Đặc biệt có những bức thư riêng của vợ chồng họa sĩ trong chiến tranh, chứa chan cảm xúc, nhưng vẫn không quên động viên nhau, học tập, phấn đấu, hẹn gặp lại nhau dù cách trở Bắc-Nam... Cuốn sách được viết và trình bày theo phong cách mới, sắp đặt các chương mục và các mảng chữ hợp lý bên cạnh hình ảnh, tranh vẽ, kèm thông tin ngắn gọn, cuốn hút người xem. |
Phạm Hoàng Việt (Asriel)
Tags