Họa sĩ Lê Kinh Tài: Bán loạt tranh được 4,9 tỷ đồng

Thứ Sáu, 31/07/2009 14:14 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Trong bối cảnh kinh tế đang khủng hoảng, ngay đến các nhà đấu giá tranh tên tuổi trong khu vực Đông Nam Á như Larasati, Borobudur cũng đang gặp khó khăn…, thì việc họa sĩ Lê Kinh Tài (sinh 1967, TP.HCM) bán cùng lúc 37 tác phẩm với giá 4,9 tỷ đồng, vừa là một tin bất ngờ, vừa là một tín hiệu đáng được mổ xẻ. TT&VH có cuộc trò chuyện với Lê Kinh Tài về sự kiện này.

Mua tranh để giới thiệu tại các bảo tàng đương đại

* Lâu nay, anh vẫn được giới mỹ thuật công nhận là họa sĩ bán được tranh, nhưng bán dè chừng, và thậm chí còn có ý giữ lại những tác phẩm ưng ý để sau này làm nhà trưng bày cá nhân. Vậy mà mới đây, theo thông tin và dữ liệu do một nhà sưu tập nước ngoài cung cấp, anh đã bán hết tác phẩm ưng ý của mình, là vì sao?

- Thật vậy, thường thì tôi chỉ bán tranh trong những dịp triển lãm, nếu bán được lúc ấy thì có cái để khao bạn bè... Tôi không thích người khác đến nhà mua. Trong mỗi cuộc triển lãm, tôi thường chọn riêng cho mình những bức tâm đắc nhất để giữ lại, để thỉnh thoảng ngắm chúng và chiêm nghiệm về cuộc sống, về sự va đập trong cuộc đời của chính mình, qua tranh. Tôi luôn ao ước có một nhà trưng bày thật lớn để treo tất cả chúng. Nhưng mới đây, bà Chua G.Bee (Zen gallery, một nhà sưu tập đặc biệt yêu thích tác phẩm của tôi) đã đề nghị mua thêm 37 bức tranh trong số “của để dành” để thực hiện một dự án giới thiệu tác giả, tác phẩm tại các bảo tàng đương đại ở Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc), Chile và sau đó tại Singapore, Indonesia. Đây là cơ hội tốt cho tôi trên con đường chinh phục chính mình, cũng như giúp các tác phẩm của tôi bước ra thị trường quốc tế.


Họa sĩ Lê Kinh Tài

* Tôi biết anh ngại nói ra con số cụ thể, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, thì 37 bức tranh này anh đã bán với giá 4,9 tỷ đồng (có ký hợp đồng và giao kèo mua bán), tương đương một căn nhà mà anh muốn có để làm phòng trưng bày cá nhân. Là người trong cuộc, anh bình luận gì về cơ hội hi hữu này?

- Theo cá nhân tôi, giá trị vật chất do hội họa mang lại cho chính mình là hạnh phúc lớn, và là ước mơ chính đáng của người làm công việc sáng tạo. Nhưng hạnh phúc còn lớn hơn nữa khi con đường riêng cho hội họa mà mình đã chọn được giới chuyên môn đánh giá và công nhận. Tôi nghĩ sự kiện đáng kể nhất trong việc bán tranh lần này, không phải ở chuyện mua bán đơn thuần, mà là thái độ trân trọng tác phẩm và sự quảng bá tên tuổi của nghệ sĩ.

Cao su hóa 155x155cm, sơn dầu, 2007

* Như anh vừa nói, gallery đứng ra đại diện mua tranh - cũng là người đã cộng tác và theo dõi công việc sáng tạo của anh trong nhiều năm qua - tại sao đến lúc này người ta mới quyết định mua một lần 37 bức?

- Như tôi biết, để thực hiện những dự án đầu tư nghệ thuật, không đơn thuần là mua tranh đẹp mà họ “mua” quá trình tìm tòi sáng tạo của một nghệ sĩ, bất luận nghệ sĩ đó có tên tuổi hay không. Họ có thể chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu một loạt tác phẩm trong một giai đoạn nhất định nào đó.

Zen gallery là một trong số ít gallery tại Việt Nam làm nghệ thuật theo mô hình này. Trong khoảng thời gian từ 2005 đến nay, Zen gallery đã sưu tập khá nhiều các tác phẩm của tôi. Theo tôi, nhà sưu tập nghệ thuật khác với nhà kinh doanh nghệ thuật đơn thuần ở chỗ họ không đưa chuyện kinh doanh lên hàng đầu trong công việc của mình.

Tốc độ vẽ của tôi nhanh hơn người ta tưởng rất nhiều

* 37 tác phẩm này được xem là “tốt nhất” của anh, có phải nó chỉ nằm trong các sáng tác gần đây - một giai đoạn mà giới chuyên môn đánh giá cao, và hình như chính anh cũng thấy tự tin hơn với phong cách sáng tạo đặc dị của mình?

- Những tác phẩm này là một phần trong số tranh tôi chọn và lưu giữ từ năm 2005 đến nay, đây là giai đoạn tôi chuyển mình từ lối sáng tác theo phong cách ấn tượng sang phong cách của riêng mình. Với phong cách này, tôi “đọc” ra tôi rõ hơn, không còn thích thú trong việc chinh phục cái đẹp thị giác nữa, mà là phơi bày bản ngã của mình trên mặt tranh, với mong muốn người xem đối thoại trực tiếp với tôi qua tác phẩm. Tôi cũng đã làm chủ được mình trong ngôn ngữ tạo hình.

* 37 tác phẩm thì chưa phải là con số quá nhiều đối với công việc của một họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng về chuyện đẹp-xấu, trong sáng tạo không phải lúc nào cũng ổn định. Rủi mai kia, xin hỏi thật, lỡ như anh không còn hứng thú vẽ vời, hoặc vẽ không đẹp nữa thì sao?

- Câu hỏi của bạn thật thú vị, tôi sẽ có đề tài cho bức tranh về câu hỏi này! Nói thật lòng, tôi không biết mình đang vẽ đẹp hay xấu nữa, cái đẹp thật khó định nghĩa trong lĩnh vực hội họa. Nó tùy thuộc vào thẩm mỹ (hoàn toàn không phải thị hiếu) của từng người, thậm chí nó còn tùy thuộc vào văn hóa “nghe nhìn”. Song tôi biết từng khoảng thời gian nhất định, tôi luôn làm “đẹp” cho suy nghĩ của mình về cách sống chung với hội họa. Có người nói với bạn rằng tranh tôi đẹp sao? Nhưng chắc là bạn chưa nghe nhiều hơn số ấy nói rằng tôi vẽ kỳ cục, xấu đến kỳ quặc! Và với ý kiến nào tôi cũng đều nhận ra họ nói đúng cả!

Tôi vẽ tranh thật đơn giản, vẽ rất nhanh, nhanh hơn người ta tưởng rất nhiều! Tôi không toan tính nhưng thật chung thủy với quan điểm hội họa của mình. Từng bức tranh là từng khoảnh khắc phiêu hốt thật sự của tôi với sự cảm nhận về cái đẹp bên trong của riêng mình. Tôi không và sẽ không mài dũa để tạo ra cái vẽ đẹp mỹ miều bên ngoài mặt tranh, tôi yêu và hạnh phúc với từng tác phẩm mình tạo ra. Tôi tin rằng mình đã và đang chịu trách nhiệm với con đường đã chọn. Chính vậy tôi không sợ cái sự “rủi may kia...”!

Văn Bảy (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›