(TT&VH) - Năm con gì vẽ con đó là cách “khai bút” của giới họa sĩ Việt. Và họa sĩ Lê Trí Dũng cũng là một trong số những họa sĩ có thói quen như vậy. Năm ngoái ông vẽ cả trăm con mèo và trưng bày tại Ngôi nhà nghệ thuật 31A Văn Miếu trước Tết đúng một tuần.
Năm nay, đón năm con Rồng - Nhâm Thìn, cách đây cả tháng, họa sĩ Lê Trí Dũng lại nhẩn nha vẽ Rồng, nhẩn nha kể chuyện Rồng...
1. Họa sĩ Lê Trí Dũng cho biết: “Những đặc điểm như thân dài lượn sóng, cuộn theo hình mây xoáy trôn ốc, nửa hiện hình, nửa không đã khiến nhiều nghệ sĩ phương Đông xưa khi xử lý hình tượng Rồng luôn có ý thức về vẻ đẹp của đường nét và giá trị của mảng đặc - rỗng. Mỹ thuật truyền thống vì vậy đã sử dụng Rồng như một họa tiết trang trí phổ biến, chủ đạo trên công trình điêu khắc, kiến trúc, các đồ dùng sinh hoạt...”.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm có lẽ là số ít hoạ sĩ nước ta chẳng “hề hấn” gì khi vẽ con giáp, năm nào tới ông vẽ con đó đều hay. Thậm chí ông vẽ cả 12 con giáp trong một năm. Rồng trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm mang hơi thở của Rồng phù điêu trong chạm khắc đình làng, thường màu nâu đất, đệm đen trắng…
Nhiều nghệ sĩ cũng khao khát được thể hiện vẻ đẹp của Rồng. Nhiều khả năng hoàn hảo đều được gán cho Rồng, một trong tứ linh được người Á Đông tôn sùng và thờ phụng. Người ta tin Rồng có thể sống và vận động trong cả ba môi trường: nước, không khí và đất. Sự khôn ngoan và quyền lực của nó vượt trội nên rồng có thể biến hóa vô cùng, thu mình nhỏ như con tằm hoặc trải rộng che kín cả mặt đất. Và theo họa sĩ Lê Trí Dũng thì các hoạ sĩ đã, đang thả trí tưởng tượng tung hoành vẽ Rồng kiểu như thế.
Tranh Rồng của họa sĩ Lê Trí Dũng
2. Ở Việt Nam, con Rồng là một biểu tượng của quyền uy từ thời phong kiến của ba thời kỳ Lý, Lê, Nguyễn. Trong con mắt nghệ thuật của họa sĩ Lê Trí Dũng thì mỗi thời kỳ, hình tượng con Rồng lại có những nét khác nhau: “Rồng thời Lý uốn nhiều khúc, tỉa tót rất nhiều chi tiết. Rồng thời Lê đơn giản hơn, khỏe mạnh hơn với những nét thô mộc và đến con Rồng thời Nguyễn thì còn đơn giản hơn nữa” – họa sĩ Lê Trí Dũng nói.
Để không lặp lại những hình tượng Rồng của ba thời kỳ phong kiến kể trên, hay nói cho đúng hơn là trong sáng tạo nghệ thuật, sự lặp lại là tối kỵ nên Lê Trí Dũng đã kết hợp cả ba yếu tố về Rồng của ba thời kỳ trên để cho ra hàng trăm bức Rồng hiện đại, Rồng thời nay “made in” Lê Trí Dũng.
Đó là những con rồng với những gam màu tươi, sáng trong tư thế nghênh Xuân, đón mừng năm mới. Đặc điểm của toàn bộ những bức tranh Rồng mà Lê Trí Dũng đã vẽ đều “ngẩng cao đầu”, bay lên đầy khí thế, để lại tất cả sau “đuôi” mọi u ám của năm cũ, của quá khứ. Tránh đơn điệu, lặp lại, Lê Trí Dũng còn vẽ rồng hóa tứ quý, rồng hóa mây, rồng ngũ sắc. Kỳ diệu hơn, có những con Rồng ông chỉ vẽ 1 nét bằng bút... xóa, từ râu, sừng, lượn xuống đuôi, vòng vèo quay lại điểm đầu đã khai bút. Ngoài ra, Lê Trí Dũng còn vẽ Rồng hóa chữ đại tự. Nó có thể không rõ là chữ gì mà chỉ gợi lên một ý niệm nào đó về sự may mắn cho người xem tranh, chơi tranh... Tựu chung, dù vẽ bằng một nét hay nhiều nét, nhiều mầu hay đơn sắc thì Rồng của Lê Trí Dũng chỉ mang một thứ ngôn ngữ duy nhất: khỏe khoắn, khúc triết, thăng hoa và đầy sắc xuân.
Trở lại tín ngưỡng người Việt ta, có quá nhiều góc nhìn thời gian về một con Rồng trong tưởng tượng. Trong ký ức dân gian thần mưa và thần nước mang hình hài một con Rồng to thường xuyên ra biển Đông hút nước mang vào đất liền tưới tắm cho đất đai. Rồng là nguồn nước tưới cho ruộng đồng tốt tươi và giúp nhà nông hình thành kinh nghiệm dân gian: Rồng đen lấy nước thì nắng/ Rồng trắng lấy nước thì mưa…
Được xem là vua của tạo sinh động vật, nên dễ hiểu Rồng là biểu tượng của điềm lành, sự may mắn và tốt đẹp. Trong truyền thuyết, thần thoại phương Đông, Rồng bao giờ cũng ẩn chứa ý nghĩa là một biểu tượng cho sự cao quý tốt đẹp. Rồng còn hiện diện trong nhiều loại hình nghệ thuật như trong múa, kịch; trang trí trên điêu khắc, kiến trúc...
Tuy vẽ Rồng nhằm mục đích mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc ngày Xuân trong năm mới cho tất cả mọi người, nhưng theo “tiên lượng” của họa sĩ Lê Trí Dũng, năm Thìn là một năm cần phải nỗ lực rất nhiều mới có thể vươn tới những thành công. Ông giải thích: “Năm Rồng là một năm tốt lành, một năm thắng lợi cho mọi người và cho đất nước. Nhưng vì con Rồng không có được cái khí thế thẳng băng như con ngựa mà rất nhiều khúc, cho nên, để đạt được bất kỳ thắng lợi nào, bản thân mỗi người phải vượt qua được những “khúc trở ngại” chứ không thể trơn tru đạt được thắng lợi một cách dễ dàng”.
Bộ sưu tập Rồng của họa sĩ Lê Trí Dũng:
Các kỷ lục về Rồng ở Việt Nam 1. Rồng bằng phế liệu chiến tranh xuất hiện tại Festival Biển Nha Trang năm 2009. Đó là một tác phẩm điêu khắc kỷ lục lạ đời, con Rồng nặng tới hai tấn đó do nhà điêu khắc (NĐK) người Pháp Marc Morvan tạo ra làm bằng phế liệu inox và bom mìn chiến tranh. Từ những thứ bỏ đi đó đã ra đời một con Rồng đang ngẩng đầu nhả ngọc. Trong đêm, đôi mắt con Rồng tỏa sáng… NĐK Marc Morvan đã hoàn thành tác phẩm này cùng hai công sự là thợ hàn Việt Nam. 2. Kỷ lục Rồng thứ hai, là bức tranh Rồng bằng nghệ thuật Graffiti dài 400m, cao 5m được bày tại đường Hùng Vương, thành phố Mỹ Tho năm 2010, tôn vinh Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất và hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng long. 40 người thuộc nhóm GAS (Graffiti in Art School) Huế và nhóm họa sĩ trẻ thành phố Hồ Chí Minh sử dụng 350 thùng sơn xịt mầu các loại tạo hình Rồng bằng cách phun lên một khung sắt bên ngoài phủ bạt hiflex. Điểm thú vị của bức tranh là ở các chân Rồng tỏa ra các đám mây là nơi tổ chức hội thi vẽ tranh dành cho các em thiếu nhi vẽ về quê hương Tiền Giang thân thương. 3. Kỷ lục Rồng thứ ba là đôi Rồng gốm sứ lắp đặt tại Hồ Tây (đường Nguyễn Hoàng Tôn, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) chào đón Tết Nguyên đán 2012 được làm từ 6.000 chiếc đĩa, trên 4.000 chiếc cốc có nước men đặc biệt; mô phỏng theo mẫu Rồng thời Lý. Mình Rồng dài 15m (tính đường uốn khúc dài 35m), cao 8,2m (tính cả bệ) đường kính 90cm. Tổng trọng lượng của đôi Rồng lên tới trên 60 tấn. |
Huy Thông - Trí Lễ