Triển lãm Bóng chìm của họa sĩ Trần Văn Thảo đang diễn ra tại chi nhánh 2 của phòng tranh Quỳnh (151/3 Đồng Khởi, TP.HCM) là đánh dấu một bước đi mới của Trần Văn Thảo với kỹ thuật trừu tượng.
Họa sĩ Trần Văn Thảo
1. Từ năm 1987, thời Đổi mới, giới mỹ thuật TP.HCM nổi lên “Nhóm 10 người” gồm toàn những cây cọ có bản sắc là: Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Tấn Cương, Vũ Hà Nam, Nguyễn Trung Tín, Ca Lê Thắng, Đỗ Hoàng Tường và Trần Văn Thảo. Nhóm này tồn tại khoảng 15 năm, thực hiện nhiều triển lãm chung và riêng rất có dấu ấn, được sự ngưỡng mộ của giới mỹ thuật. Giai đoạn này, Trần Văn Thảo bán được khá nhiều tranh, vì nó để lại ấn tượng sâu cho người xem bằng cái nhìn tươi mới về đời sống tại các kênh rạch TP.HCM.
Trong suy nghĩ có tính kỳ thị của phần đông người xem tranh trừu tượng, ngay trong giới mỹ thuật, là “không biết vẽ “có hình” thì mới vẽ… “trừu tượng” hay “vô hình” cho nó dễ”. Thực ra, chỉ cần nắm chút xíu về lịch sử mỹ thuật, điều này hoàn toàn không phải như vậy, bởi trừu tượng (mới có mặt khoảng 100 năm nay) ra đời từ nhiều nguyên do, trong đó có “cơn thịnh nộ” của các họa sĩ chịu không nổi sự gò bó, tù túng của khuôn khổ đời sống công nghiệp.
Tác phẩm Bóng chìm 4, sơn dầu và acrylic trên bố, 120 x 160 cm, 2013.
Sở hữu kỹ thuật căn bản rất tốt, có thể nói Trần Văn Thảo thuộc tuýp họa sĩ thích vẽ gì cũng được, càng hữu hình càng sắc sảo. Nếu chỉ nhìn vào kỹ thuật, chọn trừu tượng có khi Trần Văn Thảo đang muốn rời bỏ lối mòn của sở trường hữu hình để sang một địa hạt khác, một thử nghiệm. Thế nhưng, thử nghiệm chuyên cần và có nhiều biến chuyển trong suốt 15 năm thì không còn là thử nghiệm nữa.
Sinh năm 1961 ở Sài Gòn, đến nay thì hội họa hữu hình và trừu tượng đã chia hai cuộc đời họa sĩ này. Lý do tại sao chọn trừu tượng khi đang thành công với tranh có hình, thì Trần Văn Thảo chỉ cười mà không phát biểu cụ thể. Anh chỉ tâm sự: “Muốn hiểu được tranh trừu tượng theo tôi cần phải học, nhưng muốn thưởng thức tác phẩm trừu tượng thì đơn giản hơn rất nhiều: chỉ cần yêu và cảm được nó bằng trái tim”.
2. Cũng xin nhắc lại, phòng tranh Quỳnh khai mạc Bóng chìm ngay trong lúc mà họ đang tổ chức triển lãm vinh danh 15 năm tranh trừu tượng của Trần Văn Thảo tại Sofitel Saigon Plaza (TP.HCM, từ ngày 26/9 đến 22/11/2013) cũng là điều rất đặc biệt. Vì dường như cả Quỳnh và Trần Văn Thảo đều ý thức được rằng Bóng chìm là một giai đoạn trừu tượng mới, nên không thể ghép chung với các tác phẩm, dù được tuyển lựa, của hành trình 15 năm đã qua.
Tranh trừu tượng có mặt tại Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, nhưng đến nay, ngay cả trong giới mỹ thuật vẫn chưa dễ tìm được tiếng nói sẻ chia và đồng thuận rộng rãi. Cho nên, việc một số họa sĩ tại TP.HCM như Nguyễn Trung, Đỗ Hoàng Tường… đặc biệt là Trần Văn Thảo đã dành trọn thời gian cho trừu tượng, quả là đáng khích lệ.
Tất nhiên, cũng xin nói thẳng, Trần Văn Thảo không phải là họa sĩ của cuộc “cách mạng” trừu tượng và dường như anh cũng không có tham vọng về điều này. Nếu tình cờ xem vài tác phẩm, ấn tượng nhận về có thể không nhiều, hoặc đôi khi hời hợt quy ghép anh vào nhóm ảnh hưởng người này người kia. Nhưng theo đuổi 15 năm và còn đi tiếp tục, rõ ràng anh không đến với trừu tượng theo kiểu tò mò, làm dáng hay vì sự khẳng định này kia. Hành trình đó vừa kế thừa vừa chậm rãi thay đổi, để qua năm tháng, lộ dần một ý niệm khá rõ ràng từ tâm thế đến tác phẩm của tác giả. Một hành trình cô độc, nhưng xứng đáng.
Loạt tranh “Bóng chìm” Từ loạt tranh có tên Bóng chìm được vẽ trong năm 2013, Trần Văn Thảo chỉ chọn ra 7 bức ưng ý nhất trưng bày tại triển lãm lần này. Trần Văn Thảo cho biết những lúc anh căng thẳng, thậm chí thần kinh thiếu ổn định, anh hay tìm đến những nơi có nước để xả stress và tìm kiếm sự cân bằng. Cảm hứng loạt tranh Bóng chìm đến từ những thứ “hữu hình” trong lòng nước như rong rêu, đá sỏi, cá tôm… mà thành “vô hình”. |
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa