“Chúng tôi đến thăm nhà Đại tướng vào những ngày cuối tháng 12/2013. Vẫn ngôi nhà đó (số 30 Hoàng Diệu) nhưng giờ đây ông đã đi xa” - họa sĩ Văn Dương Thành xúc động chia sẻ - “Chúng tôi đã làm lễ dâng hương lên ông, kính tặng gia đình hai bức tranh Vị Đại tướng của hòa bình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuốn sách tuyển Báo nước ngoài và trong nước về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tháng 11/2013. Trong không gian ấm cúng bên chiếc bàn ăn giản dị này, tôi đã bao lần được dùng bữa cùng Đại tướng và phu nhân. Chuyến đi khiến lòng tôi dâng lên nỗi nhớ thương Đại tướng vô hạn”.
Bất ngờ được Đại tướng vẽ chân dung
Từ thời trẻ, nữ họa sĩ Văn Dương Thành đã có dịp diện kiến Đại tướng. Với tài năng hạn hẹp của mình, chị không có tham vọng khắc họa được hết vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của ông. Những gì chị muốn thể hiện là “thần thái” của ông trong những khoảnh khắc. Vậy mà chị luôn được ông động viên: “Vẽ chứ không phải chụp hình, chỉ cần một nét giống thôi đã là đẹp rồi”.
Và trong số gần chục bức vẽ Đại tướng, họa sĩ luôn nhắc đến một bức họa quý. Chị kể: "Đó là năm 1997, trong một lần tới nhà 30 Hoàng Diệu, sau khi tôi vẽ xong bức chân dung bằng sơn dầu, cỡ 90x70cm, Đại tướng cười vui, chơi đàn piano và ký tên ông lên 2 bức tranh. Bức sơn dầu này vẫn được giữ cẩn thận ở phòng thờ nhà tôi tại Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội. Cả chiếc cọ mà ông dùng để ký tên, tôi cũng ép vào phía sau khung tranh…".
Chị kể tiếp: “Một buổi chiều khác, sau khi tôi ký hoạ xong bức chân dung ông mặc quân phục, đeo quân hàm tướng, ông ký tên vào tranh. Và rồi, thật bất ngờ, ông cầm miếng phấn màu (oil pastel) phác họa rất nhanh 2 bức chân dung tôi, tóc dài bay bay, rất giống, chỉ trong 15 phút. Mọi người đều ngạc nhiên và vui thích”.
Đại tướng không chỉ là vị tướng tài, nhân đức mà còn là người hun đúc những tinh hoa của dân tộc, yêu mến văn học nghệ thuật. Hình ảnh những em bé đi câu cá trên dòng sông Lệ Thủy cũng gây ấn tượng đặc biệt khi tôi nhớ đến quê hương của ông. Với những suy nghĩ đó, tôi muốn vẽ ông thật tươi đẹp và bất tử. Trong bức chân dung, sau lưng ông là bầu trời xanh thăm thẳm, lộng lẫy với mây trắng như đưa ông về với tổ tiên nhưng cũng thể hiện vẻ đẹp của hòa bình, tình yêu thương và sự bất tử – những vẻ đẹp cao quý trong con người ông”.
Nhớ những cái Tết trong nhà Đại tướng
Những lần được đến thăm Đại tướng vào dịp Tết đã để lại trong tâm trí họa sĩ Văn Dương Thành những cảm xúc đặc biệt. Biết ông yêu thiên nhiên nên chị thường chúc Tết bằng một làn hoa lan Đà Lạt và món bánh Pateso. Trong vườn nhà ông luôn có quất và đào. Bên cạnh đó là những cây hoa mà người dân ở khắp nơi trong cả nước gửi về kính tặng.
Ngày thường, bữa cơm trong gia đình Đại tướng vốn giản dị, thanh đạm thì ngày Tết cũng không cầu kỳ. Ông vốn không uống rượu, không hút thuốc. Thực đơn ngày Tết của gia đình là một món canh, một món mặn, một món rau và chút súp. Sau bữa cơm, có thêm chút hoa quả. Ở phòng khách, ông và mọi người đón Tết với trà và chút mứt sen.
Tết là sum vầy, đoàn viên nên được thấy con cháu đông đủ trong nhà luôn là niềm hạnh phúc nhất của ông. Vì thế, nếu có cháu nào đi xa, ông rất thương nhớ và thường viết thư khá dài. Không khí Tết trong gia đình của Đại tướng luôn thể hiện ở những điều vô cùng giản dị nhưng tinh tế và ấm lòng như thế.
Khởi dựng bức tượng đá chân dung Đại tướng
Năm nay, năm đầu tiên đón Tết vắng ông với lòng biết ơn thành kính, họa sĩ Văn Dương Thành bắt tay vào thực hiện bức tượng đá chân dung Đại tướng (nhà điêu khắc đá Nguyễn Tiến Dũng là người sáng tác chính). Có lẽ đây sẽ là bức tượng đá có kích thước và khối lượng lớn đầu tiên về ông (tượng cao gấp rưỡi người thật).
Hiện nay, ba khối đá nặng hơn bốn tấn đang được chuyển từ tỉnh Thanh Hóa về xưởng 36 Nguyễn Hoàng Tôn, Hà Nội. Dự kiến sau khi hoàn thành, tượng sẽ được đặt tại Bảo tàng Võ Nguyên Giáp hoặc Nhà tưởng niệm Đại tướng tại Quảng Bình.
Lam Anh
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ