(Thethaovanhoa.vn) - Tối 6/8/2018 tại Vincom Center Landmark 81 (TP.HCM) phim hoạt hình Monta trong dải ngân hà kỳ cục (3 tập, tổng thời lượng 60 phút) đã chính thức xưng danh Hãng phim hoạt hình VinTaTa. Nhiều khán giả đã thật sự bất ngờ khi phim này mang lại một diện mạo khác cho hoạt hình Việt Nam.
- ‘Monta trong dải ngân hà kỳ cục’ và làn gió mới cho phim hoạt hình ‘made in Việt Nam’
- Vintata công chiếu series hoạt hình 'Monta trong dải ngân hà kỳ cục'
Đây là kết quả của hơn 70 họa sĩ đồ họa, làm việc trong 6 tháng liên tục, với tốc độ bình quân là 7.200 bức tranh/ tuần. Rõ ràng VinTaTa đã tiếp cận hoạt hình theo cách khác, với mức đầu tư cao hơn mặt bằng chung của Việt Nam rất nhiều.
Một bước tiến đáng kể
Trong một lần trao đổi, người có gần 50 năm kinh nghiệm làm phim hoạt hình, NSND Hà Bắc khẳng định: “Hoạt hình Việt thiếu tiền là rõ rồi, nhưng chưa chắc có nhiều tiền đã làm được phim hay, vì chúng ta còn yếu kém nhiều mặt, do tư duy và trình độ người làm phim, do thiếu thị trường đầu ra, do khán giả chưa quan tâm đúng mức…”.
Hiện nay, mức bình quân của một phim hoạt hình 20 phút tại Việt Nam là 200 triệu đồng. Một, hai năm trước, Việt Nam từng có phim hoạt hình Con Rồng cháu Tiên, 23 phút, do Red Cat Motion sản xuất, với chi phí gần 2 tỷ đồng - lúc ấy là một kỷ lục về chi phí.
Dù không tiết lộ con số, nhưng khi xem Monta trong dải ngân hà kỳ cục, có thể thấy mức đầu tư còn cao hơn rất nhiều. Với khâu tìm kịch bản, họ đã chi 1 tỷ đồng cho riêng giải Nhất, còn các giải khuyến khích là 100 triệu đồng/giải. Họ còn mời cả nhà biên kịch kỳ cựu Jeffrey Scott - người từng 5 lần nhận đề cử giải Emmy về hoạt hình - làm cố vấn, biên tập, nên mức đầu tư không hề đơn giản.
Rất may, chất lượng mà Monta trong dải ngân hà kỳ cục mang lại là xứng với đồng tiền bát gạo. Có lẽ tối 6/8/2018 là một suất chiếu rạp hiếm hoi mà nhiều khán giả cảm thấy hào hứng với một phim hoạt hình của Việt Nam. Về kịch bản, chất lượng và thời lượng nói chung, phim này vẫn còn một khoảng cách xa so với các nước có nền hoạt hình phát triển, nhưng so với nhiều nước trong khu vực châu Á - trừ Nhật Bản, Hàn Quốc - phim này đã bắt đầu có thể “sánh bước cùng nhau”.
Nhìn lại 7-8 năm qua, phim hoạt hình Việt có những dấu ấn mới, đặc biệt khu vực tư nhân rất khởi sắc. Những phim và dự án như Dưới bóng cây, Cô bé bán diêm, Loa thành rực lửa, Hào khí ngàn năm, Khát vọng non sông, Tử chiến thành Đa Bang… là những ví dụ thuyết phục và sinh động. Hòa vào dòng chảy đó, Monta trong dải ngân hà kỳ cục là một dấu son mới, nếu nhìn về tổng thể, đây là một bước tiến đáng khích lệ.
Mảnh đất hoang màu mỡ
Phim hoạt hình Đáng đời thằng Cáo (dài 300m, tương đương 12-13 phút) công chiếu cuối năm 1959. Nếu lấy đây làm cột mốc, thì Hoạt hình Việt Nam đã có lịch sử gần 60 năm không đứt quãng, chẳng hề ngắn ngủi. Trước đây, khi chưa có các nhà làm phim tư nhân, Xưởng phim hoạt hình Việt Nam (sau đổi tên thành Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) làm bình quân 12 - 15 phim ngắn về giáo dục và đề tài lịch sử, do Nhà nước đặt hàng. Quán tính này vẫn theo đến tận ngày nay, nên Việt Nam gần như chưa có một phim hoạt hình nào đủ tiêu chuẩn, thời lượng để chiếu rạp.
Khoảng 10 năm gần đây, khi các rạp chiếu phim nở rộ tại Việt Nam, các nhà phát hành đã nhập khá nhiều phim hoạt hình (thời lượng phổ biến từ 90 phút đến 120 phút/phim) về chiếu, thì Việt Nam vẫn chưa có phim để tham gia. Một khảo sát ngẫu nhiên, ngày 7/8/2018, trong 14 phim đang chiếu của cụm rạp CGV thì có đến 3 phim hoạt hình, nghĩa là có rất nhiều cơ hội. Về định dạng và kỹ thuật, Monta trong dải ngân hà kỳ cục có thể chiếu rạp, vấn đề còn lại là kịch bản, cách kể cần táo bạo hơn, thời lượng cần tương đương một suất chiếu quy chuẩn.
Nhìn về dân số, Việt Nam có hơn 1/3 trong độ tuổi xem hoạt hình, khó có thể loại phim nào giàu tiềm lực khán giả như vậy. Hơn 20 năm trước, bối cảnh phim hoạt hình tại Hàn Quốc chẳng khác Việt Nam hiện tại bao nhiêu, nhưng giờ đây họ đã có gần 300 công ty phim hoạt hình tư nhân, làm phim xuất khẩu khắp thế giới. Nếu xem các kênh chuyên phim hoạt hình trên truyền hình Việt Nam thì “Xuân Thu nhị kỳ” mới thấy một phim Việt, ở Hàn Quốc thì ngược lại, nhiều kênh hoạt hình thỉnh thoảng mới thấy một phim nhập khẩu.
Còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì, nhưng nhìn qua khâu sản xuất, đặc biệt là truyền thông, quảng bá, tìm lối ra rạp, lên truyền hình, lên mạng… cách làm của VinTaTa rất có hy vọng để đi xa.
Văn Bảy
Tags