Học giả An Chi: Tự lập, tự học và tự trọng

Thứ Năm, 12/10/2017 20:14 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Lúc 8h30 ngày 14/10 tới đây tại Đường sách TP.HCM, học giả An Chi có buổi giao lưu với độc giả và ra mắt 3 cuốn sách Những tiếng trống qua cửa nhà sấm, Câu chữ truyện Kiều Chuyện Đông chuyện Tây tập 7.

Từ đầu những năm 1990 đến nay, tên tuổi học giả An Chi trong lĩnh vực “từ nguyên học” được nhiều người chú ý qua các bài viết “không ngại đụng chạm” đến các “cây đa cây đề” trong giới học thuật.

An Chi tức là “y chang”

Cuộc đời của học giả An Chi là một tấm gương tự học đáng kính trọng khi bằng cấp cao nhất của ông chỉ tốt nghiệp Trung cấp Trường Sư phạm Trung ương, sau đó ông đi dạy cấp hai ở Thái Bình.

An Chi tên thật Võ Thiện Hoa, sinh năm 1935 ở xã Bình Hòa, Gia Định nay thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM. Năm 1955 ông vượt tuyến ra Bắc với tài sản mang theo là thư tay của hai ông Phan Kiệm và Nguyễn Văn Linh. Hai nhà cách mạng này viết thư gửi gắm cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch để Võ Thiện Hoa có cuộc sống tốt hơn trên đất Bắc.

Chú thích ảnh
Học giả An Chi bên tủ sách gia đình. Ảnh: Lê Công Sơn

Thay vì tìm đến ông Phạm Ngọc Thạch để nhận được sự bao bọc, Võ Thiện Hoa lại đăng ký đi thanh niên xung phong, sau đó đi học sư phạm. Ông về hưu năm 49 tuổi lúc đang công tác trong ngành giáo dục quận 1, TP.HCM. Từ năm 1992, An Chi giữ mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tạp chí Kiến thức ngày nay với bút danh Huệ Thiên. Trong một bài viết trả lời về câu đối liên quan đến một địa danh ở TP.HCM, An Chi phải tạm thời không giữ mục này một thời gian và ông gọi đó là “tai nạn nghề nghiệp”.

Khi trở lại với “Chuyện Đông chuyện Tây”, ông đã lấy bút danh là An Chi - một cách nói lái là “y chang” (ngầm ý nói An Chi là Huệ Thiên). Dù là Huệ Thiên hay An Chi, thì công việc ông làm đã định nghĩa giá trị và tạo thành tên tuổi của ông như hiện nay. An Chi tức “y chang”, nhưng không phải lúc nào ông cũng đúng giữa “bể học vô bờ”. Nhiều lần An Chi đã công khai thừa nhận những sai lầm của mình và nhiều lần ông “phoọc phe” (bỏ cuộc) vì không muốn sa vào những tranh cãi vô ích. Trước khi “phoọc phe”, An Chi nói rất rõ lý do với độc giả nhưng nếu độc giả vẫn chưa hài lòng thì ông trở lại “hậu phoọc phe” để giải đáp tiếp những thắc mắc.

Thấu lý nhưng đạt tình

Chính thái độ làm việc cầu thị, cẩn trọng trên tinh thần khoa học này, An Chi được rất nhiều tờ báo, tạp chí mời giữ mục để giải đáp các yêu cầu của bạn đọc về từ nguyên.

Ngoài cái lý đầy thuyết phục bằng các dẫn chứng và lập luận, học giả An Chi còn dựa vào chữ tình trong các tranh luận. Chẳng hạn, vào năm 2006 GS Nguyễn Huệ Chi có bài “Đôi điều thưa lại cùng ông An Chi” in trên Kiến thức ngày nay số ra ngày 20/5. Lẽ ra, An Chi đã trả lời những vấn đề Nguyễn Huệ Chi đã nêu nhưng ông im lặng mãi đến năm 2011 mới “phúc đáp muộn màng”. Lý do, trong bài viết của Nguyễn Huệ Chi có viện dẫn ý kiến của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, mà khi đó GS Hạo đang lâm trọng bệnh và qua đời vào tháng 6/2007. Học giả An Chi không thể “xới lên” vấn đề khi người liên quan đang bệnh nặng và vừa qua đời; và vì cả hai ông tên Chi đều là bạn của nhau lâu ngày.

Dù bằng cấp chỉ là trung học sư phạm nhưng kiến thức trong sách vở được ông thâu tóm khá nhiều nhờ tinh thần tự học. Và khi tranh luận một vấn đề trong “cơn say bút chiến” dễ dẫn đến những sai lầm, ông sẵn sàng công khai nhìn nhận điều chưa đúng của mình; ấy là tinh thần tự trọng vậy. Có thể nói An Chi hội đủ nhiều yếu tố để trở thành một bậc trí thức trong thời buổi cơm áo gạo tiền hiện nay.

Ước mơ chưa thực hiện được

Ngoài các cuốn sách nêu trên, học giả An Chi đã in 3 tập Rong chơi miền chữ nghĩa và ông đang hoàn thành tập thứ 4. Uớc mơ của An Chi là thực hiện quyển Từ điển từ nguyên các từ Việt gốc Hán nhưng quỹ thời gian của ông không còn nhiều và tư liệu vẫn còn tản mát nên dù rất muốn ông vẫn không thực hiện được.

Học giả An Chi: Về hưu non để 'Rong chơi miền chữ nghĩa'

Học giả An Chi: Về hưu non để 'Rong chơi miền chữ nghĩa'

NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành cùng lúc 3 tập dày hơn 1.500 trang 'Rong chơi miền chữ nghĩa' của học giả An Chi.

Hoàng Nhân

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›