Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc 2009: Quá mới, chèo sẽ trở nên xa lạ

Thứ Bảy, 26/12/2009 09:49 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốcc 2009 đã khép lại. Có những vở diễn thành công và có không ít vở diễn thất bại. Có thể nói hội diễn lần này là cuộc chơi của những quan niệm trong sáng tạo nghệ thuật của những người làm chèo trong cơ chế thị trường.

* Vàng đã lộ diện

Thời gian qua sân khấu chèo nổi lên với nhiều hướng cách tân và cải biên, đó là lý do khiến nhiều người lo sợ rằng tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2009 sẽ phải xem những sản phẩm theo kịch chèo hoặc dân chèo gọi vui là “chèo sẽ thành chéo”.


Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê TiếnThọ trao HCV cho các diễn viên

Thực bất ngờ là 19 vở diễn của 17 đơn vị có mặt tại hội diễn đã khẳng định nghệ thuật chèo đã và đang giữ được bản sắc truyền thống. Đồng nghiệp ghi nhận sự thành công ở những vở diễn đạt chất lượng tốt từ cách khai thác đề tài cho tới hiệu quả về dàn dựng. Đó là: Linh khí Hoa Lư (Nhà hát Chèo Ninh Bình), Chiến trường không tiếng súng (Nhà hát chèo Nam Định) Mảnh gương nhân sự, Bà huyện trong mơ (Nhà hát Chèo Việt Nam), Đào Duy Từ (Đoàn Chèo Thanh Hóa), Hùng ca Bạch Đằng giang (Đoàn NT chèo Tổng cục Hậu cần). Sự thành công của các vở diễn này không chỉ được ghi nhận hiệu ứng từ những tràng pháo tay không dứt từ khán giả, của đồng nghiệp mà cả Ban giám khảo - những người cầm cân nảy mực cũng không cưỡng nổi niềm vui khi nhiều đơn vị vẫn giữ được chất chèo truyền thống và tìm ra được hướng phát triển chèo mới về mặt cấu trúc tác phẩm, về mặt dàn dựng, ca hát, biên đạo...

Còn nhớ, tại Hội diễn sân khấu chèo 2005, tác giả Trần Đình Ngôn có 8 vở nhưng sự trùng lặp về cấu trúc, tình huống đã khiến nhiều vở diễn trở nên nhàm chán. Thì tại hội diễn này ông đã xác lập lại thương hiệu của mình với các vở: Danh chiếm bảng vàng, Tam đức Phật Hoàng (Đề tài lịch sử), Bà huyện trong mơ (đề tài hiện đại)... Dẫu ở mảng đề tài nào nhưng sự chặt chẽ về cấu trúc kịch bản, ngôn ngữ văn chương trữ tình đậm chất chèo đã tạo nên phong cách riêng của Trần Đình Ngôn.

Điều ghi nhận đó là sự nhuần nhị, chắc tay và đầy bản lĩnh của các đạo diễn có nghề như : Lê Huệ, Bùi Đắc Sừ vẫn rất sung sức và đẩy bản lĩnh khi tạo nên những trò diễn đầy hấp dẫn cũng như giúp diễn viên bộc lộ được tài năng khi được tạo đất diễn. Các đạo diễn trẻ như Hà Quốc Minh với vở Mảnh gương nhân, Trương Hải Thọ với Đào Duy Từ, Hoàng Mai với Vùng sáng Dương Kinh cũng đã rất chắc tay thậm chí còn vượt một số đạo diễn đàn anh như Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng. Học người xưa để làm chèo hôm nay, kịch bản chèo Mảnh gương nhân sự của cụ Nguyễn Đình Nghị ra đời những năm 30 của thế kỷ 20 được Hà Quốc Minh dựng lại với phong cách chèo dân gian mang cấu trúc tự sự, lối cách điệu và ứng diễn của các nghệ sĩ đã thực sự khiến bạn nghề tâm phục khẩu phục. Những sáng tạo từ các đặc trưng của chèo truyền thống về cách điệu, ước lệ, tả ý, tả thần về không gian sân khấu, đạo cụ và cả những miếng hài tục và thanh vừa đủ của Trương Hải Thọ đã làm cho vở chèo lịch sử Đào Duy Từ trở nên hấp dẫn.


Vở Chiến trường không tiếng súng của NH Chèo Nam Định giành HCV

Cách tân quá hay cũ quá dễ thất bại

Bất ngờ hơn khi nhìn vào hiệu quả và chất lượng của các vở diễn trong chặng đầu thì thấy rõ hiệu quả của vở diễn không phụ thuộc vào mức độ đầu tư tiền nhiều hay ít, sân khấu hoành tráng hay sân khấu đơn giản. Quan trọng là đạo diễn có lựa chọn được một hình thức phù hợp với nội dung vở hay không cũng như phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngay từ khâu lựa chọn kịch bản, chọn ê-kíp sáng tạo, chọn vai phù hợp với sở trường của nghệ sĩ...

Bạn nghề thấy tiếc cho hai vở diễn Oan khuất một thời Bát nàn tướng quân khi đạo diễn đã có những xử lý không phù hợp trong một số chi tiết khiến vở diễn trở nên khiên cưỡng. Những câu nói rất mới như: “Cho xem mặt hàng đi” hoặc việc xử lý cho nhân vật nữ trèo lên bắt trói nhân vật nam vai giặc không phù hợp với quan niệm nặng nề nam nữ thụ thụ bất thân của thời phong kiến cũng như ngôn ngữ của thời điểm lịch sử lúc đó! Càng không thể chấp nhận việc để một nhân vật thời Hậu Lê đi ngâm thơ của Trần Huyền Trân - một Nhà thơ mới - trong Oan khuất một thời. PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã nhận thấy sự vô lý này khi tổng kết “một danh nhân văn hóa lại đọc thơ của tác giả thế kỷ 20”. Chưa kể sự mải mê tạo trò đã khiến tích chuyện của một số vở bị mờ nhạt, hình tượng nhân vật chính không được khắc họa tính cách rõ nét.

Có điều đặt ra là có vở đề tài lịch sử nhưng cách khai thác và đặt vấn đề lại rất mới, ngược lại có vở đề tài hiện đại nhưng cấu trúc kịch bản, cách khai thác vấn đề lại đi vào lối mòn.

Quan điểm của Ban giám khảo tại Hội diễn sân khấu chèo 2009 đã khẳng định rõ định hướng và chân lý của người làm chèo: Muốn chèo hấp dẫn người làm chèo phải đi từ cái gốc của truyền thống để sáng tạo mới thành công, nếu chỉ biết ăn theo truyền thống chạy theo cách viết, cách dựng cũ kỹ hay những cách tân quá mới lạ về hình thức đều dễ thất bại.

Kết quả Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009

     Giải vở diễn: 2 HCV cho các vở: Linh khí Hoa Lư (tác giả Bùi Vũ Minh, đạo diễn NSND Lê Hùng) thuộc Nhà hát Chèo Ninh Bình; Chiến trường không tiếng súng (Tác giả: Phạm Văn Quý - Đạo diễn Lê Huệ) thuộc Nhà hát chèo Nam Định. 5 HCB: Mảnh gương nhân sự (Nhà hát Chèo VN), Hùng ca Bạch Đằng giang (Đoàn NT Chèo Tổng cục Hậu cần), Danh chiếm bảng vàng (Đoàn chèo Bắc Giang), Ngọc Hân công chúa (Nhà hát Chèo Hà Nội), Bát nàn tướng quân (NH Chèo Thái Bình)

     Về cá nhân, trong số hơn 1.000 nghệ sĩ, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ tham gia hội diễn có 83 gương mặt đoạt giải thưởng. Trong đó, có 31 diễn viên đoạt HCV, 51 diễn viên đoạt HCB. Hội diễn không có giải thưởng cho họa sĩ, biên đạo múa xuất sắc, chỉ duy nhất giải thưởng nhạc sĩ xuất sắc cho nhạc sĩ Hạnh Nhân với vở Hùng ca Bạch Đằng giang của Đoàn NT Chèo Tổng cục Hậu cần.

     Ngoài ra 3 nghệ sĩ trẻ đã giành được giải thưởng sáng tạo nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Đạo diễn Hà Quốc Minh (NH Chèo Việt Nam), nghệ sĩ Quốc Phòng (NH Chèo Hà Nội), nghệ sĩ Thanh Tuyền (NH Chèo Ninh Bình)


Thạch Anh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›