Hội nghị quốc tế 'Vai trò của nền kinh tế xanh trong bảo tồn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên'

Thứ Sáu, 07/10/2022 15:00 GMT+7

Google News

Ngày 10/10, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Tạp chí Ngày Nay tổ chức Hội nghị quốc tế “Vai trò của Nền kinh tế Xanh trong bảo tồn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên” tại Hà Nội.

UNESCO tổ chức hội nghị về chính sách văn hóa và phát triển bền vững

UNESCO tổ chức hội nghị về chính sách văn hóa và phát triển bền vững

Ngày 28/9, đại diện của khoảng 160 nước thành viên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tham dự "Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững".

Hội nghị quốc tế “Vai trò của Nền kinh tế Xanh trong bảo tồn Di sản Văn hóa và thiên nhiên” là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày Tạp chí Ngày Nay ra số đầu tiên (2002 - 2022), đồng thời nằm trong khuôn khổ Diễn đàn “Đạo đức toàn cầu vì sự phát triển bền vững”, coi đây là một đóng góp với UNESCO, với cộng đồng, đồng thời là trách nhiệm đối với đất nước và quốc tế.

Chú thích ảnh
Hòn Gà Chọi hay còn gọi là Hòn Trống Mái, nằm ở phía tây nam của vịnh Hạ Long trở thành một trong những biểu tượng của vịnh Hạ Long nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Mô hình “Kinh tế xanh” đã gõ cửa Việt Nam từ lâu nhưng vẫn còn là khái niệm mới mẻ. Định hướng về mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện thông qua “Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ 2021-2030. Nền kinh tế xanh đặt ra thách thức lớn cần giải quyết là làm sao để hài hòa giữa việc phát triển lợi ích kinh tế và việc bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đưa quan điểm, sự nghiệp bảo tồn các di sản lịch sử - văn hóa và các hoạt động khai thác tiềm năng văn hóa phục vụ cho các mục tiêu kinh tế là những hoạt động ngược nhau về động cơ, mục tiêu và hành vi. Trong bối cảnh đó không chỉ người dân mà đôi khi cả các cấp chính quyền tại các vùng lõi di sản phải tự đấu tranh để lựa chọn giữa các giá trị thiêng liêng, lâu dài với các mục đích vụ lợi trước mắt.

Chú thích ảnh
Cổng thành Cửa Bắc, một trong những dấu tích còn nguyên vẹn của Hoàng thành Thăng Long xưa. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là một mạng lưới xã hội phi chính phủ tại Việt Nam, có nhiệm vụ thúc đẩy việc truyền bá các mục tiêu, chương trình hoạt động của UNESCO, thông tin kiến thức về khoa học, giáo dục, văn hóa và thông tin – là những lĩnh vực hoạt động của UNESCO, thông qua đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển đất nước.

Chú thích ảnh
Thủy đình - một địa danh nổi tiếng trong Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Từ 2011 đến nay, hàng năm Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam liên tiếp đăng cai và tổ chức thành công các hội nghị và hội thảo quốc tế với các chủ đề xoay quanh diễn đàn “Đạo đức toàn cầu” do Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới đề xướng để hưởng ứng cuộc vận động giáo dục phát triển bền vững do UNESCO và Liên Hợp quốc kêu gọi.

Các hội nghị đó đều đạt được những thành công đáng kể về mặt lý luận, thực tiễn, góp phần tuyên truyền tư tưởng tiến bộ của UNESCO cho nhân dân Việt Nam, góp phần phát huy vị thế và uy tín quốc tế cho đất nước trên trường quốc tế, đóng góp thiết thực vào công tác UNESCO của Chính phủ.

Huyền Trang

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›