Hirst tuyên bố anh đã bán tác phẩm này từ tháng 8/2007 cho một người giấu tên với giá 50 triệu bảng.
Ít được trưng bày do chi phí quá cao
Từ đó đến nay, tác phẩm điêu khắc gây tranh cãi này đã biến mất trước công chúng, do quá tốn kém nếu đem trưng bày. Người ta tin rằng For The Love Of God đã trở thành “tù nhân” trong một căn nhà có mái vòm và được bảo vệ tuyệt mật.
Tới đây, những người yêu nghệ thuật sẽ có cơ hội được chiêm ngắm tác phẩm điêu khắc này tại bảo tàng Vecchio ở Florence (Italia), tất nhiên là ở bên cạnh nó luôn có 3 nhân viên an ninh có vũ khí. Người quyết định đưa tác phẩm này tới Florence, ông Giuliano da Empoli, ủy viên hội đồng văn hóa thành phố. Tuy nhiên việc làm này đã vấp phải sự chỉ trích của giới phê bình.
Nhà phê bình Achille Bonito Oliva cho rằng chiếc hộp sọ này sẽ làm “hỏng thị hiếu của công chúng”. Song ông Empoli bảo vệ quyết định của mình và ca ngợi nghệ sĩ Hirst kèm theo lời khẳng định “triển lãm không tiêu tốn của thành phố một đồng nào”.
Thị trưởng Florence - Matteo Renzi - nói ông cũng không thấy có vấn đề gì khi đem tác phẩm điêu khắc đắt giá này tới trưng bày ở Florence. “Tôi chỉ biết rằng một trong những nơi đáng giá nhất mà chúng tôi sẽ trưng bày một trong những tác phẩm nghệ thuật đương đại quan trọng nhất. Có thể nhiều người không thích nhưng thị hiếu cá nhân không phải là vấn đề đem ra bàn cãi. Đây là nỗ lực quan trọng nhằm kết nối Florence với thế giới đương đại” - Thị trưởng Renzi khẳng định.
Mọi chi phí của triển lãm ở Florence, trong đó có phí bảo hiểm, an ninh, vận chuyển và lắp đặt các hệ thống, đều do Arthemisia Group chi trả. Arthemisia Group là công ty thương mại tổ chức các triển lãm ở Italia. Theo công ty này thì cả nghệ sĩ Hirst và phòng trưng bày của anh ở London là White Cube đều sẽ không nhận được khoản tiền nào, nhưng họ đã cam kết chi cho thành phố Florence 700.000 euro trích từ lượng vé bán ra.
Sắp được “giải thoát”
Cho đến nay, For The Love Of God mới chỉ được trưng bày 2 lần trước công chúng. Lần đầu là vào năm 2007 khi nó được giới thiệu tại phòng trưng bày White Cube ở London. Lần thứ 2 là năm 2008 khi được trưng bày tại bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam, Hà Lan. Trong cả 2 lần trưng bày trên For The Love Of God đều được bố trí an ninh chặt chẽ. Sau đó các kế hoạch đưa hộp sọ này chu du khắp toàn cầu, tới Hermitage ở St Petersburg (Nga), bảo tàng Anh ở London và vùng Viễn Đông đều bị hoãn. Bản thân nghệ sĩ Hirst cũng cảm thấy vô cùng bực bội khi tác phẩm của mình bị “giam” lâu đến vậy và khi nghe tin Florence thông báo sẽ trưng bày For The Love Of God, anh vô cùng mừng rỡ và cảm thấy như chính mình được “giải thoát”.
Nghệ sĩ giàu nhất thế giới này thừa nhận anh đã “điên khùng” khi làm một tác phẩm đắt giá đến vậy để không thể giữ nó trong ngôi nhà của mình. Hirst đã mua hộp sọ người tại một cửa hàng ở Islington. Đây được cho là hộp sọ của một người châu Âu sống vào khoảng năm 1720 - 1810. Hộp sọ được phủ bạch kim, chỉ có hàm răng là còn nguyên bản, và có gắn 8.601 viên kim cương nặng tổng cộng 1.106 carat. Giữa trán là viên kim cương hồng hình trái lê trị giá 4 triệu bảng. Hirst nói rằng anh nảy sinh ý tưởng làm tác phẩm này sau khi ngắm một hộp sọ ngọc lam Aztec trong bảo tàng Anh.
Cho đến nay ai là chủ sở hữu của tác phẩm điêu khắc này vẫn còn là một bí ẩn. Có nguồn tin nói rằng nhà sưu tầm nghệ thuật Alberto Mugrabi sống ở New York đã mua For the Love of God với giá 35 triệu USD. Gia đình ông đang sở hữu 110 tác phẩm độc đáo của Hirst. Nhưng cũng có nguồn tin nói siêu sao Anh George Michael và người bạn tình đồng giới Kenny Goss đã mua chiếc đầu lâu này với giá 50 triệu bảng.