Hữu Nghĩa: Tấu hài, công nhiều hơn tội

Thứ Sáu, 26/12/2008 13:37 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Đến với tôi (KB: Thanh Hoàng) - là vở kịch mới nhất mà Hữu Nghĩa làm đạo diễn (công diễn đêm 20/12 vừa rồi), và đây sẽ là một trong những vở Tết của Kịch Sài Gòn. Trước đây, cũng tại sân khấu này, người xem đã biết đến Hữu Nghĩa với các vở khá vui nhộn như Triệu đô-la, Chuyên gia tình yêu, Chọn mặt gởi vàng… nhưng khi xem Đến với tôi, thì gần như ở đây có một Hữu Nghĩa khác. TT&VH trò chuyện ngắn với danh hài này.

* Tên tuổi của Hữu Nghĩa lâu nay được gắn với các tiểu phẩm, các vở kịch châm biếm thói hư tật xấu, khi đạo diễn Đến với tôi - anh lại chọn một tông màu hoàn toàn khác, ý vị và trữ tình. Anh không sợ khán giả đánh giá rằng anh bị mất phong cách?

- Là nghệ sĩ, ai cũng muốn thử lửa chính mình với các vai trò khác nhau, chính sự thay đổi làm cho công việc thêm hứng thú, đa dạng - đây cũng là cách làm việc của tôi. Từ năm 1996, khi thi vào học khóa 1 lớp đạo diễn điện ảnh của trường SKĐA, tôi đã có ước mơ về một phim ý vị, trữ tình - có tinh thần như bạn vừa hỏi, nhưng do công việc đưa đẩy, đến nay vẫn chưa có điều kiện để làm. Thôi thì liệu hoàn cảnh mà ứng xử, tôi thể hiện nghề đạo diễn của mình trên sân khấu. Tôi như anh chàng đầu bếp, lúc nào cũng có ước mơ về một bữa đại tiệc, nhưng chưa có cơ hội, đành chọn nấu những món nho nhỏ, thức ăn ngon, có hương vị lạ. Còn việc khán giả đánh giá tôi mất phong cách, tôi nghĩ không có chuyện đó đâu, vì người ta cũng không muốn xem hoài một Hữu Nghĩa không có gì mới.

* Bắt đầu kịch bản Đến với tôi với cảnh những chàng trai cô gái mặc áo dài khăn đóng đi patin, rồi cảnh người nước ngoài dị ứng với việc ăn trầu của người Việt, rồi những cách trở trong lối sống – cách quan niệm của một cuộc sống hòa nhập. Mượn cớ miếng trầu, hình như anh muốn nói một điều gì đó lớn hơn với cuộc sống này?

- Tôi muốn nói về một đất nước đang hòa nhập, đang thay đổi, với rất nhiều bộn bề và khó khăn của nó. Tôi muốn nói về một thực tế, là dù mình có ngổn ngang thì người ta vẫn đến, vậy thì trong sự “chung sống” đó, mình phải thu xếp thế nào cho gọn gàng, văn minh. Mình cũng phải làm thế nào để tiếp đón người ta, có thông hiểu họ thì mới mong họ thông hiểu và chia sẻ với mình. Ông bà ta nói "miếng trầu là đầu câu chuyện", ấy là một mỹ tục, cần phát huy gìn giữ; nhưng cũng rất có thể "miếng trầu sẽ là cuối câu chuyện", nếu ta không biết cách ứng xử phù hợp với hoàn cảnh mới.

* Hơn 20 làm nghề, Hữu Nghĩa được khán giả yêu mến và xưng tụng như một danh hài với các tiểu phẩm gần gũi, nhiều ý nghĩa. Nếu con đường đạo diễn suốn sẻ, với toàn những vở có chất lượng như Đến với tôi, anh có định bỏ nghề diễn viên không?

- Năm 1986, khi mới tốt nghiệp lớp diễn viên ra trường, thế hệ chúng tôi đối diện với rất nhiều khó khăn chung, chính tấu hài đã là lối đi, nó dẫn nhiều người đến được với ước mơ và giữ được nghề nghiệp của mình. Chính thập niên 80, khi thế hệ chúng tôi trưởng thành, sân khấu Việt Nam mới định hình thêm một thể loại mới và độc lập, đó là tấu hài. Trước đó hài chỉ là một nhân vật trong vở diễn, như hề chèo, hề hát bội, hề cải lương… Vậy thì tấu hài đã có công nhiều hơn có tội, muốn phê phán nó, cần phải suy xét thiệt hơn, chứ không nên gán ghép vội vàng. Khi làm việc, tôi không chạy theo số lượng, mà chú trọng vào chất lượng, nên dù khi làm diễn viên hay đạo diễn, với tôi điều này vẫn là quan trọng nhất. Chính vì thế, tôi chỉ làm những gì mà bản thân thấy phù hợp, chứ không xem diễn viên và đạo diễn, bên nào quan trọng hơn.

Văn Bảy

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›