(Thethaovanhoa.vn) - 20 năm dành tâm huyết cho câu lạc bộ nhạc jazz, 50 năm say đắm với “tình yêu sét đánh” - nhạc jazz, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã bước đầu thực hiện được ước mơ đưa nhạc jazz về Hà Nội, đồng thời đưa “jazz bản sắc Việt” chinh phục các miền đất mới.
Vào lúc 20h ngày 27/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc kỷ niệm 20 năm Câu lạc bộ Nhạc jazz và 50 năm cuộc đời âm nhạc NSƯT Quyền Văn Minh.
Đêm nhạc jazz “chuyển giao thế hệ”
Sẽ có hơn 20 tác phẩm được biểu diễn trong chương trình, mở màn là tiết mục hòa tấu Giai điệu quê hương của Big Band với 50 cây kèn. Sau đó là các tác phẩm jazz Việt như: Giai điệu Sapa, Ngày hội mùa, Vấn vương, À ơi… và các tác phẩm jazz quốc tế nổi tiếng như: Now the time, All the thing you are, How in sensitive, I love you… do các nghệ sĩ đang dần tạo dựng được danh tiếng như Hồng Kiên, Bảo Long, Hùng Sơn, Bùi Xuân Hòa, Nguyễn Hoàng An, Lê Duy Mạnh... biểu diễn solo, hòa tấu cùng các ca sĩ Diệu Thúy, Thanh Thảo.
Dù đêm nhạc gắn với tên tuổi Quyền Văn Minh, nhưng nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh sẽ chỉ biểu diễn 3 tác phẩm trong đêm nhạc. Lý giải về điều này, nghệ sĩ Quyền Văn Minh cho biết: “20 năm lao tâm khổ tứ với Câu lạc bộ Nhạc jazz, tôi đã xây dựng được lực lượng các nghệ sĩ chơi jazz khá cơ bản nhưng tôi muốn lực lượng này tinh nhuệ hơn, đẳng cấp hơn. Quyền Thiện Đắc sẽ là “thuyền trưởng” mới với những điều đã học ở Mỹ, Thụy Điển, kết hợp với kinh nghiệm biểu diễn ở Việt Nam, tiếp tục giúp tôi lèo lái con thuyền jazz”.
Khi làm liveshow ở Nhà hát Lớn, tôi muốn các nghệ sĩ trẻ sẽ thay thế dần, tôi muốn đêm nhạc phải thật nhiều màu sắc và giới thiệu được một phong trào chứ không phải chỉ một cá nhân nghệ sĩ chơi jazz. Thế nên đêm nhạc ngày 27/10 tới có ý nghĩa rất lớn về sự chuyển giao thế hệ, từ các nghệ sĩ jazz kỳ cựu, đến những nghệ sĩ jazz trẻ, đương đại, và cả sự tham gia của các “nghệ sĩ nhí” tiếp bước chúng tôi như Tuệ Anh (9 tuổi), Bảo Lâm (11 tuổi), Minh Phú (13 tuổi).
20 năm, 50 năm và cả cuộc đời… dành hết cho jazz
Nghệ sĩ Quyền Văn Minh đến với jazz bằng thứ “tình yêu sét đánh”, bởi vô tình nghe được một bản nhạc trên radio, ông mới tìm kiếm, biết đến và say mê jazz. “14 tuổi, biết đến nhạc jazz, tôi tự thề với lòng mình, phải chơi bằng được loại nhạc này. Tôi đã thực hiện được lời thề đó, từ năm 1968 đến nay, cuộc đời tôi dành tất cả cho jazz” - nghệ sĩ Quyền Văn Minh trải lòng.
Từ chơi đàn guitar, tự học saxophone và tự tích lũy kiến thức âm nhạc, Quyền Văn Minh đã làm được những điều “xưa nay hiếm”. Không chỉ là người đầu tiên mang jazz về Hà Nội, ông còn là người khai phá, mở ra ngành saxophone tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (1989).
50 năm dành tình yêu và công sức cho jazz, điều khiến nghệ sĩ Quyền Văn Minh tâm đắc nhất là phối âm nhạc truyền thống Việt Nam theo phong cách jazz. “Khi diễn đối ngoại, mình thường đem nhạc cụ dân tộc để tạo sự độc đáo. Tôi thì khác, tôi dùng nhạc cụ phương Tây, kết hợp với jazz, để chuyển hóa những giai âm của Việt Nam. So về nhạc jazz, mình đi sau các nước hàng trăm năm, nếu không có cái riêng thì mình lấy gì để so bì với họ” - Quyền Văn Minh chia sẻ.
Mấy chục năm qua theo đuổi con đường jazz, nghệ sĩ Quyền Văn Minh ước mơ và từng bước đưa jazz bản sắc Việt chinh phục các miền đất mới. Ông rất vui mừng và hạnh phúc khi đến nay ông đã xây dựng được đội ngũ chơi jazz ở Việt Nam khá hùng hậu, thứ nữa là nhạc jazz đã có chỗ đứng nhất định trong xã hội, khán giả Việt tới Bình Minh Jazz Club nghe jazz giờ đã nhiều hơn khách Tây.
May mắn hơn là dù có khó khăn đến nhường nào, thì đến nay nhạc jazz vẫn không mất đi, ngày càng có thêm nhiều nghệ sĩ say đắm với jazz, nhạc jazz vẫn được nhiều khán giả Việt tìm hiểu và yêu thích.
Có thể nói, ở Việt Nam hiện nay, Quyền Thiện Đắc, con trai ông, là một trong những nghệ sĩ được đào tạo bài bản về jazz tại một trường đại học danh tiếng - Berklee ở Boston, Mỹ. Trao lại trọng trách lớn cho con trai, nghệ sĩ Quyền Văn Minh bày tỏ: “Tôi vẫn ước mơ, Quyền Thiện Đắc sẽ thực hiện được một điều ở câu lạc bộ jazz, mỗi tối chơi jazz khoảng 2 giờ đồng hồ, thì trong đó sẽ có 1 tiếng chơi những bản nhạc jazz kinh điển, nổi tiếng thế giới, còn 1 giờ sau sẽ dành cho âm nhạc dân gian Việt Nam với jazz. Quyền Thiện Đắc sẽ tiếp tục đưa jazz bản sắc Việt đi chinh phục các miền đất mới”.
Trăn trở với jazz đến lúc “nhắm mắt” “Tôi sẽ còn tiếp tục chơi jazz thật lâu. Các bạn thấy đấy, các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới hơn 80 tuổi vẫn chơi jazz tốt, huống chi tôi mới ngoài 60. Mong ước của tôi khi mở jazz club là để xã hội hóa jazz ở Việt Nam. Tôi muốn mọi người thích jazz, muốn nghe jazz không cần phải quá nhiều tiền, chỉ cần một ly cà phê và sự say mê với nhạc jazz. Tôi vẫn nói với với con trai rằng, sau này trước khi lìa đời, tôi chỉ hỏi con một câu: Câu lạc bộ jazz còn không? Nếu con trả lời còn, thì tôi sẽ nhắm mắt”. |
Tiểu Phong
Tags