(TT&VH) - Có lẽ hiếm khi Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM mới có được niềm vui như thế này. Vé của 2 đêm biểu diễn vở vũ kịch Kẹp hạt dẻ (12 và 13/11) đã bán hết trước cả tuần lễ. Vở vũ kịch sẽ hứa hẹn đem lại nhiều hấp dẫn thú vị cho công chúng.
Ballet cùng với nhạc giao hưởng, thính phòng được xem là những loại hình của nghệ thuật hàn lâm với các buổi biểu diễn thường có số lượng khán giả khiêm tốn và hầu như rất ít khi có tình trạng “sốt” vé. Nhưng vũ kịch Kẹp hạt dẻ là một trong những trường hợp đặc biệt.
Cháy vé vũ kịch Kẹp hạt dẻ
Vở vũ kịch Kẹp hạt dẻ dựa trên tác phẩm văn học Kẹp hạt dẻ và Vua Chuột của nhà văn E.T.A Hoffman, phần âm nhạc là của nhà soạn nhạc danh tiếng người Nga P.I.Tchaikovsky. Tác phẩm như một câu chuyện cổ tích thần tiên của thế giới tuổi thơ với nhiều tình tiết vui tươi, ly kỳ và hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi được biểu diễn lần đầu tiên vào năm 1891, Kẹp hạt dẻ đã hấp dẫn cả những người lớn tuổi, nó đã gây được tiếng vang ở Nga và không bao lâu sau, nó là vở vũ kịch hấp dẫn có mặt trong chương trình biểu diễn của nhiều đoàn vũ kịch nổi tiếng trên thế giới.
Các diễn viên Nhà hát GH NVK TP.HCM trên sàn tập Kẹp hạt dẻ
Trước đây, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM đã từng biểu diễn những trích đoạn từ vũ kịch này với phần biên đạo của nghệ sĩ người Nga. Và đây là lần đầu tiên Kẹp hạt dẻ được biểu diễn trọn vẹn. Đặc biệt đạo diễn người Na Uy - Johanne Jakhelln Constant - sẽ làm mới nó theo thế mạnh của diễn viên của nhà hát.
Bà Constant và các diễn viên đoàn vũ kịch đã làm việc miệt mài gần 2 tháng nay. Mới trên sàn tập nhưng Kẹp hạt dẻ đã có một sức lôi cuốn mạnh đối với công chúng.
Vở vũ kịch theo kế hoạch chỉ biểu diễn vào đêm 12/11, nhưng sau khi “cháy vé” và nhận được nhiều đề nghị của khán giả, nhà hát đã quyết định diễn thêm vào đêm 13/11. Vé của đêm diễn này cũng đã bán hết cách đây vài ngày.
15g30 ngày 10/11, nhà hát sẽ biểu diễn để “chiêu đãi” báo chí tại Nhà hát TP.HCM.
Một trong những vũ kịch nổi tiếng nhất thế giới
TT&VH có cuộc trò chuyện với biên đạo Constant để tìm hiểu thêm về vũ kịch được dàn dựng lần này...
Biên đạo Johanne Jakhelln Constant
* Theo bà Kẹp hạt dẻ có vị trí như thế nào trong nghệ thuật ballet của thế giới?
- Hầu hết các đoàn ballet trên thế giới đều có dàn dựng và biểu diễn Kẹp hạt dẻ. Đây là một trong những vũ kịch được yêu thích nhất và nổi tiếng nhất; ngay cả những người ít quan tâm đến ballet và chưa từng đi xem biểu diễn cũng đã từng nghe về nó. Có thể Kẹp hạt dẻ không có vị trí quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật ballet như Hồ thiên nga hay Giselle, nhưng nó có vị trí rất riêng trong việc lôi cuốn khán giả đến với thế giới của ballet.
* Để biểu diễn, nó đòi hỏi người nghệ sĩ những gì? Kỹ thuật, biểu cảm, hay điều gì khác nữa?
- Có rất nhiều phiên bản biên đạo của Kẹp hạt dẻ, có lẽ cũng nhiều như số lượng các đoàn ballet trên thế giới này, nên độ khó và yêu cầu kỹ thuật thể hiện đối với diễn viên cũng khác nhau trong từng phiên bản. Phiên bản biên đạo của tôi khá là khó, đòi hỏi cao ở diễn viên về tốc độ và kỹ thuật, sự tinh tế và tỉ mỉ trong từng động tác. Cũng như hầu hết các vũ kịch dài, có câu chuyện, Kẹp hạt dẻ đòi hỏi người diễn viên phải biết diễn, chứ không đơn thuần là múa. Phần diễn đặc biệt quan trọng để tạo không khí, khiến cho vở ballet trở nên sống động. Có rất nhiều đoạn mà nghệ sĩ múa phải diễn thực sự như kịch.
* Bà có cho rằng âm nhạc cho ballet này có điều gì đặc sắc so với âm nhạc các vở ballet khác?
- Phần âm nhạc mà tôi yêu thích nhất là cảnh khu rừng tuyết. Âm nhạc ở đây thể hiện nhiều dạng tuyết khác nhau, miêu tả những bông tuyết rơi khẽ khàng như: đảo xoay trên không trung, hay một cơn bão tuyết. Khi sáng tác phần biên đạo, tôi lấy cảm hứng từ âm nhạc hoặc từ câu chuyện (nếu có) và một phần lớn nữa là từ những diễn viên mà tôi cùng làm việc.
* Được biết lần này tại TP.HCM bà sẽ làm mới Kẹp hạt dẻ về biên đạo, dàn dựng, bà có thể cho biết lý do tại sao?
- Tôi điều chỉnh phần biên đạo cho phiên bản lần này để khoe được điểm mạnh của đoàn và để bù lại việc không có diễn viên nhỏ tuổi tham gia vào vũ kịch. Ở đây có nhiều diễn viên nam giỏi và tôi muốn phát huy họ tốt hơn. Tôi cũng muốn tạo ra những thử thách kỹ thuật để khuyến khích các diễn viên vươn lên.
* Về kỹ thuật nó khó hơn hay dễ hơn các lần dựng trước?
- Câu hỏi này thật khó trả lời. Theo tôi thì có những phần khó hơn, nhưng cũng có những phần khác dễ hơn, coi như bù qua sớt lại vậy.
* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.
Nữ biên đạo Johanne Jakhelln Constant từng là Giám đốc Nghệ thuật của đoàn múa ballet Quad Cities (Mỹ) từ năm 1997 đến 2006 và đã dàn dựng nhiều vở vũ kịch lớn tại đây, trong đó có Kẹp hạt dẻ. Hiện nay bà là Giám đốc Nghệ thuật và Biên đạo múa của đoàn múa Moving Art và giảng dạy ballet tại trường Bodo (Na Uy). Bà biên đạo vũ kịch Kẹp hạt dẻ lần đầu tiên là cho Ballet Quad Cities vào năm 1998, và từ đó vở vũ kịch này đã được biểu diễn lại nhiều lần. |
Bình Minh (thực hiện)