Trong buổi bế mạc, đại diện của những đơn vị xuất bản lớn trên thị trường như Đông A, Nhã Nam, Alpha Books, NXB Trẻ... đều khẳng định với TT&VH: lượng sách bán ra những ngày qua là tốt, thậm chí là khá tốt so với sự trông đợi ban đầu. Một vài thống kê tạm thời: phía NXB Trẻ thu về khoảng 250 triệu tiền sách, phía Nhã Nam bán được khoảng 40% lượng sách mang theo (ước chừng 5.000 cuốn), phía Alpha Books gần như “tiêu thụ” hết 2000 bộ sách Trò chơi vương quyền và Tinh hoa bóng đá hiện đại – vốn được coi là “điểm nhấn” của công ty này tại hội chợ.
|
Có thể thấy rõ điều này qua trường hợp của nhà sách Alpha Books. Có giá bán không rẻ, bộ sách Tinh hoa bóng đá hiện đại của họ được đưa ra “chào hàng” vào đúng những ngày hội chợ, kèm theo những hoạt động phụ trợ khá độc đáo như mời các BLV bóng đá tới kí tặng và giao lưu, tổ chức để người mua chụp ảnh với hình mẫu là 2 “ông kễnh” Ronadlo và Messi của làng túc cầu thế giới. Thậm chí, Alpha Books cũng là một trong số ít những đơn vị... chơi sang tại hội chợ bằng cách đăng kí hẳn 2 gian hàng với tổng mức giá 12 triệu đồng để bày hết số ấn phẩm của mình.
“Vấn đề không chỉ là nằm ở truyền thông. Chúng ta quá lo lắng về suy thoái kinh tế mà quên rằng bản thân văn hóa luôn có sự vận động và chuyển mình theo thời gian. So với những hội chợ trước đây, tất yếu cả những người làm sách chúng tôi và độc giả đều có sự trưởng thành hơn: kể từ việc thực hiện bản thảo cho tới lựa chọn và tìm lại văn hóa đọc” - ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Alpha Books nói thêm. “Tôi thấy bản thân cơ quan tham gia tổ chức là Cục Xuất bản cũng đã có những thay đổi nhất định về nhận thức. Trước đây, giới làm sách tư nhân vẫn tủi thân với thân phận... con nuôi khi nhìn vào cách đối xử mà các đơn vị xuất bản nhà nước đang nhận được”.
Ông Bình chia sẻ khá thẳng thắn. “Còn trước hội chợ này, các nhà sách tư nhân đã được Cục Xuất bản mời tham dự một buổi gặp mặt riêng, thậm chí đề nghị được hỗ trợ thêm trong điều kiện có thể. Rõ ràng, sự trọng thị như vậy cũng phần nào liên quan tới việc các nhà sách tư nhân đang từng bước khẳng định vai trò của mình trên thị trường”.
2. Tuy nhiên, nếu đặt trong sự so sánh với mức tổng doanh thu 20 tỷ đồng tại Hội chợ sách TP.HCM lần 7 vào đầu năm 2012, có thể tin rằng Hội chợ sách quốc tế lần thứ 4 vẫn chưa phải là sự kiện “lý tưởng” theo bài toán kinh tế đơn thuần. Câu hỏi đặt ra: việc tổ chức một hội chợ sách quốc tế như những lần vừa qua còn thiếu những gì để trở nên... hoàn hảo?
Một loạt vấn đề được đại diện các đơn vị xuất bản chỉ ra: Hội chợ không diễn ra vào 2 ngày cuối tuần nên thiếu vắng một lượng lớn độc giả, địa điểm nhà Triển lãm Giảng Võ bị “cách biệt” với trục giao thông nên gây tâm lý ngại... rẽ vào cho người mua, nhiều bất cập nhỏ lẻ trong khâu tổ chức... Tuy nhiên, lời khẳng định chung nhất là “khó có thể đơn thuần chỉ so sánh mức doanh thu của 2 thị trường sách khá khác nhau này”.
“Bên cạnh những khác biệt về dân số và mặt bằng thu nhập, sự khác biệt phần nào còn đến từ tính cách của độc giả mỗi vùng. Nhìn chung, độc giả TP.HCM thường thoải mái trong chuyện lựa chọn, còn độc giả phía Bắc thì... kĩ tính và chọn lựa cẩn thận hơn”.
TS Đoàn Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản VN, đưa ra lời giải của mình. “Độc giả phía Bắc có thói quen mua sách khá đều đặn hằng ngày. Những dịp cuối tuần, khu vực “ phố sách” quanh hồ Gươm luôn có một dòng chảy ngầm những người quan tâm tới văn hóa đọc”, ông Trần Đại Thắng chia sẻ thêm. “Trong khi đó, với TP.HCM, độc giả thường chọn những ngày hội sách để thỏa mãn nhu cầu đọc của mình với số lượng lớn. Do vậy, tôi nghĩ rằng cũng rất khó so sánh 2 thị trường với nhau” Phải chăng, như nhận xét của ông Nguyễn Cảnh Bình, bản thân kết quả tương đối tích cực tại hội chợ quốc tế lần này đã đủ là một tín hiệu vui để đánh dấu sự chuyển mình từng bước của thị trường sách phía Bắc?
Sơn Tùng