(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 tại Long An đã kết thúc vào tối qua 19/9. Và 32 vở diễn từ 25 đơn vị nghệ thuật (có 8 đơn vị xã hội hóa) cũng chính là bức tranh khái quát về diện mạo sân khấu cải lương hiện tại, sau 100 năm hình thành, phát triển với lắm thăng trầm.
- Vở 'Tổ quốc nơi cuối con đường': 'Bom tấn' cải lương mùa liên hoan
- Ra mắt 'Rạng ngọc Côn Sơn': Vở cải lương huyền thoại của gần 40 năm trước
- Liên hoan cải lương toàn quốc trên đất của thầy Ba Đợi
Đây là mùa liên hoan, mà theo BTC, gần với tiêu chí hội hè, họp mặt hơn là tính toán đua chen. Quả thật, LH để lại nhiều dư vị dễ chịu nhưng chừng đó liệu có đủ cho một cuộc “trở mình” để cải lương tiếp tục song hành cùng thời đại?
Lực lượng biểu diễn tiềm năng
Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 đã có cuộc biểu dương lực lượng vô cùng ấn tượng khi hội tụ “đủ mặt anh tài” qua các thế hệ. Trong đó, sự trở lại sau nhiều năm vắng bóng tại các kỳ liên hoan của những ngôi sao như NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Điền, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Phượng Loan, nghệ sĩ Vũ Luân, Trinh Trinh… đã tạo ra một sức hút đặc biệt. Nhưng, sức sống của nó lại đến từ những gương mặt trẻ - mà không ít người bước ra từ các cuộc thi, gameshow cải lương.
Mạnh dạn nhất là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, khi cả 3 vở dự Liên hoan là Hiu hiu gió bấc, Ngày đó họ đều còn trẻ, Tình yêu thời chiến gần như dành trọn đất diễn cho các diễn viên trẻ. Tương tự, những gương mặt quen của các kỳ hội diễn như Mạnh Hùng, Quang Khải, Thiên Hoa… của Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng lùi lại hỗ trợ những bạn trẻ Minh Hải, Văn Đáng, Thùy Dung, Mai Hoa… tỏa sáng. Các đơn vị xã hội hóa như Công ty Giải trí Kim Tử Long và Đoàn Cải lương Thanh Nga cũng không ngại dành đất diễn quan trọng cho các diễn viên chỉ mới được phát hiện từ các cuộc thi vọng cổ, chưa hề có kinh nghiệm trên sân khấu chuyên nghiệp, như: Trịnh Thị Ngọc Huyền, Văn Hậu (Rạng ngọc Côn Sơn), Văn Khởi (Lối về).
Thậm chí, lực lượng diễn viên trẻ ở các đoàn tỉnh còn có phần đồng đều và vượt trội hơn một số đơn vị danh tiếng truyền thống. Nhiều đơn vị đã giới thiệu lực lượng kế thừa triển vọng của mình rất bài bản qua việc “đo ni đóng giày” cho những vai diễn phù hợp hoặc những lớp diễn vừa đủ tạo điểm nhấn. Chẳng hạn, vở Phù sa đỏ (Đoàn Văn công Quân khu 9) không tập trung cho một vai chính nào mà tạo cơ hội để những Thanh Nhường, Ngọc Quyền, Anh Tuấn, Hoàng Thắng, Bảo Ngọc… khoe giọng. Vở cải lương Anh hùng di hận (hay Bão táp một vương triều) của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai với những vai diễn lịch sử ấn tượng đã trình làng một dàn diễn viên tươi mới, ca diễn nổi bật gồm Thành Vinh, Đông Nguyên, Việt Trang, Sang Sang, Mỹ Vân…
Hụt hẫng lực lượng sáng tạo
Nhưng, niềm vui tại Liên hoan chỉ đến từ sự dào sức trẻ của lực lượng biểu diễn. Ngược lại tác giả và đạo diễn - đội ngũ sáng tạo đầu tiên làm nên tác phẩm sân khấu – lại có sự hụt hẫng lớn. Ngoài những kịch bản đã hàng chục năm tuổi đời như: Rạng ngọc Côn Sơn, Thái hậu Dương Vân Nga, Thất trảm sớ, Hồn của đá (hay Hòn vọng phu), Cánh buồm ngược gió, Tiếng vọng hang Hòn (hay Chị Sứ)…, phần lớn những vở diễn mới của Liên hoan đều là kịch bản chuyển thể, thay vì trực tiếp viết cho cải lương. Bởi vậy, soạn giả Hoàng Song Việt, cây bút chuyển thể cải lương nổi bật nhiều năm qua, phải góp mặt ở 6 kịch bản khác nhau.
Tương tự, những tên tuổi đạo diễn uy tín như: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Triệu Trung Kiên… đều đảm nhận dàn dựng từ 3 tác phẩm. Kỷ lục, không chỉ đứng tên dàn dựng cho 5 vở diễn Tình yêu thời chiến, Cánh buồm ngược gió, Những con sóng vô hình, Bão dậy trời Long Hưng, Hồi sinh, NSND Trần Ngọc Giàu còn là cố vấn cho không ít vở diễn khác.
Sức sáng tạo của người nghệ sĩ dù có dồi dào đến đâu cũng không tránh khỏi lặp lại chính mình. Thực tế, tại Liên hoan, khán giả đã bắt gặp những mảng miếng rất quen được lặp lại ở nhiều vở diễn. Trong khi đósự xuất hiện của vài gương mặt đạo diễn trẻ như Lê Trung Thảo (Ngày đó họ đều còn trẻ), Trương Văn Trí (Hồn của đá), NSƯT Kim Tử Long (Rạng ngọc Côn Sơn) là quá ít cho một Liên hoan khát khao những dấu ấn mới.
Đáng buồn hơn, ngoài một Ngạ quỷ (Nhà hát Cải lương Việt Nam) mang tính thể nghiệm táo bạo, một Anh hùng di hận (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai) kể chuyện lịch sử một cách hiện đại và thời sự, một Cuộc đời của mẹ (Đoàn Cải lương Long An) dàn dựng ấn tượng, một Hồn của đá (Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc) rất thú vị khi đưa tranh cát làm bối cảnh vở diễn cải lương… thì nhiều tác phẩm lại phô bày sự cũ kỹ, sáo mòn đến khiêng cưỡng trong nội dung, sự phi lý trong tình huống kịch, sự minh họa thô sơ trong dàn dựng.
Khi người thương binh vẫn phải chết ở màn cuối sau bao hy sinh thầm lặng, khi vẫn còn những nhân vật ác chỉ vì “kịch bản bảo ác”, khi khán giả vẫn gồng mình nghe nghệ sĩ ca những lời ca cứng nhắc… và khi người nghệ sĩ vẫn chưa thực sự hiểu và tôn trọng vai diễn thì thật đáng lo ngại cho tuổi 100 của sân khấu cải lương!
Ninh Lộc
Tags