Khai trương một sân khấu cải lương mới

Thứ Sáu, 06/02/2009 15:32 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Tối nay (6/2), sân khấu cải lương Trung tâm Văn hóa quận 11 (179 Bình Thới, quận 11, TPHCM) sẽ chính thức khai trương với vở diễn Sau lũy tre làng (tác giả: Lam Tuyền, đạo diễn: Đăng Minh). Đây sẽ là một sân khấu cải lương mới của TP.HCM chủ trương diễn nguyên tuồng và khai thác những kịch bản mới gần gũi với đời sống xã hội hiện đại. TT&VH đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Nguyễn Châu Tú (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Hoàng Anh Tú), chủ đầu tư sân khấu mới này.

* Thưa ông, từ đâu ông có ý định thành lập sân khấu này?

- Từ nhiều năm qua, cả TP.HCM chỉ có mỗi một sân khấu cải lương của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang hoạt động. Thế là quá ít so với nhu cầu xem cải lương của người dân. Tôi vốn mê cải lương và đã ôm ấp việc tổ chức một sân khấu biểu diễn cải lương chuyên nghiệp từ lâu nhưng vẫn chỉ là ý tưởng và chưa dám thực hiện. Gần đây được sự cổ vũ của các anh em nghệ sĩ đã giúp tôi tự tin và mạnh dạn đầu tư cho sân khấu này.

* Vậy đâu sẽ là “bản sắc” của sân khấu cải lương này?

Sau lũy tre làng là vở cải lương về những cô gái lấy chồng ngoại được tác giả Lam Tuyền (tác giả nhiều kịch bản sân khấu ăn khách như: Ra giêng anh cưới em, Người nhà quê…) lấy cảm hứng từ những bài báo về việc nhiều cô gái ở nông thôn Nam bộ đi lấy chồng nước ngoài. Tham gia vở diễn gồm các nghệ sĩ: Trọng Phúc, Hoàng Nhất, Giang Bích Phượng, Cao Thúy Vy, Khánh Tuấn, Vương Cảnh…

- Ở đây, chúng tôi chủ trương dàn dựng và biểu diễn nguyên tuồng và tuồng phải có chất lượng cao. Chủ yếu sẽ khai thác những kịch bản mới mang hơi thở của xã hội hiện đại, gắn liền với tâm tư, tình cảm, cuộc sống của con người hiện nay chứ không chăm chăm hoài cổ.

Hiện trong tay chúng tôi có khá nhiều kịch bản mới chất lượng để khai thác. Những kịch bản này bên cạnh nội dung sẽ chú ý tới tính văn học, sự trau chuốt trong lời ca, lời thoại, chú trọng phần âm nhạc những bài bản cải lương, điều mà cải lương thời gian gần đây có phần lơi lỏng. Sân khấu này mở ra cũng nhằm để tạo “đất diễn” thường xuyên cho các nghệ sĩ trẻ. Nhiều bạn trẻ hát tốt, diễn hay và đã khẳng định được tài năng qua các giải thưởng như Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ nhưng lại không có cơ hội đứng trên một sân khấu thực thụ. Sân khấu này có tham vọng giúp các bạn phát triển xem như là để đào tạo thế hệ kế thừa cho nghệ thuật cải lương.

* Việc đầu tư một sân khấu diễn nguyên tuồng trong giai đoạn cải lương đang sa sút, lại tập hợp toàn nghệ sĩ trẻ mà thiếu vắng ngôi sao liệu có là mạo hiểm?

- Nghe có vẻ mạo hiểm nhưng chúng tôi cũng đã vạch ra kế hoạch hoạt động phát triển rõ ràng. Khán giả cải lương còn rất nhiều, quan trọng là có biết cách hút khán giả đến hay không. Hiện tại, tất cả anh em đều đang nỗ lực cùng nhau gây dựng một sân khấu cải lương thực thụ tồn tại được và tất nhiên phải bán vé được. Sau lũy tre làng là vở diễn tiên phong, chúng tôi cố gắng làm thật tròn trịa, chỉn chu, có thể chưa thật đặc sắc nhưng qua đó thăm dò phản ứng của khán giả, xem khán giả thích gì, cần gì để bổ sung hoàn chỉnh cho những kịch bản sau. Rất mong khán giả ủng hộ!

* Xin cám ơn ông, chúc sân khấu cải lương mới thành công!

Ngọc Tuyết

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›