Khám phá lại Kim Dung (kỳ 1): Kim Dung và giấc mộng thái bình

Thứ Tư, 31/10/2018 15:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Giấc mộng thái bình ấy làm người ta ngạc nhiên trong một truyện võ hiệp. Nhưng có lẽ Kim Dung đã không sáng tạo ra một thứ võ hiệp mới như người ta đã tưởng. Ông sửa soạn đưa nó đến nơi yên nghỉ cuối cùng trong những cuộc sống tầm thường thi vị hóa. Ấy là sự kết thúc của một biến tình mà đã tới lúc người ta có thể tóm tắt lại trong một cái nhìn tổng quát.

Trước sự ra đi của nhà văn Kim Dung (6/2/1924 – 30/10/2018) báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trích giới thiệu một đoạn bình trong tập nghiên cứu Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân, NXB Đà Nẵng sắp tái bản. Các tiểu dẫn và xuống đoạn trong bài do chúng tôi đặt.

        ***

Thoạt tiên có một sự suy đốn đã xảy ra. Của cái đạo lý truyền thống không còn gì hơn là những giáo điều. Sự nghiệt ngã của chúng làm người ta ghét bỏ. Sự hẹp hòi của chúng làm người ta chê cười, sự giả tạo của chúng làm người ta ghê tởm. Những cá nhân lớn nổi lên để vượt qua những giới hạn giả tạo của chúng. Ấy là thời của sự đại ly khai, anh hùng xuất hiện ở khắp nơi, mỗi người xưng bá một phương, lập ra một môn phái riêng, theo đuổi một lý tưởng riêng và xâu xé lẫn nhau.

Kim Dung, Nhà văn Kim Dung, Tiểu thuyết Kim Dung, Kim Dung từ trần, truyện kim dung, tác phẩm kim dung, lộc đỉnh ký, tiếu ngạo giang hồ, thiên long bát bộ, kiếm hiệp
Đoàn Dự, tuy chẳng biết tí võ công nào, cũng mang đạo lý thánh hiền ra khuyên mọi người buông khí giới (cảnh trong phim Thiên Long Bát Bộ phiên bản 2003)

Từ sự phân hóa cùng cực

Sự thống nhất không còn nữa mà cũng không ai có đủ sức khuất phục cả võ lâm dưới uy quyền của họ. Kết quả là một cảnh phân hóa cùng cực. Những tiêu chuẩn đạo lý đều bị thủ tiêu. Tà và chính sau cùng đều như nhau và những xung đột của võ lâm chẳng có nghĩa gì hơn những cuộc tương tàn của thú dữ. Ấy là thế giới của tự nhiên mà vật lực làm chủ, và cũng là thế giới của ảo tưởng. Người ta giết nhau cho những danh từ. Không ai thắng được ai.

Nhưng trong cuộc xung đột không thể kết thúc ấy, mọi ý nghĩa đều sa đọa. Lý tưởng cũng viển vông như tham vọng. Người anh hùng giác ngộ sẽ tự phế võ công để đi tu. Không phải ngẫu nhiên mà ở chỗ cao nhất của võ lâm, Kim Dung lại để những đạo sĩ và những thiền sư và ông thường mô tả như một cảnh thần tiên những ngày thất lạc vào một vùng đất vắng người ta may mắn thoát được những truyện thị phi trong giang hồ.

Người anh hùng của Kim Dung sẽ là người chống bạo động. Giặc đánh nhau ở đâu là họ nhảy vào để can gián. Ấy là cái đam mê của họ. Súng sính trong bộ áo thư sinh, một Đoàn Dự, tuy chẳng biết tí võ công nào, cũng mang đạo lý thánh hiền ra khuyên mọi người buông khí giới.

Xa hơn nữa thì Không Kiến thiền sư sẽ đem mình ra để cứu Thành Khôn khỏi cơn giận của Tạ Tốn; và A Chu, để khỏi thấy những người thân yêu của mình giết lẫn nhau, đành chịu chết dưới chưởng của Kiều Phong.

Kim Dung, Nhà văn Kim Dung, Tiểu thuyết Kim Dung, Kim Dung từ trần, truyện kim dung, tác phẩm kim dung, lộc đỉnh ký, tiếu ngạo giang hồ, thiên long bát bộ, kiếm hiệp
Thành Khôn – kẻ thù không đội trời chung của Tạ Tốn (cảnh trong phim "Ỷ thiên Đồ long ký" phiên bản 2003)

Lẽ dĩ nhiên người ta cũng phải kể đến Vô Kỵ. Như tất cả những anh hùng của võ hiệp Vô Kỵ đã mang từ nhỏ ý chí trả thù cho cha mẹ chàng mà chàng đã thấy ngay dưới mắt những người tự xưng là của chính giáo bức tử. Khác là cái thù ấy chàng lại quên ngay đi. Có lẽ tại trúng trọng thương ngay từ lúc đầu tiên vào võ lâm chàng đã sống thường trực trong sự trông chờ cái chết và chẳng có mấy thì giờ để nghĩ đến trả thù.

Hơn thế nữa thì trên đường lưu vong, chàng đã thấy và đã phải chịu quá nhiều lừa đảo, bất công, oan uổng để cái chết của cha mẹ chàng còn có một ý nghĩa nặng nề giữa cái ác nghiệt mênh mông như biển của giang hồ. Người đời lên án mẹ chàng như một nữ ma đầu, nhưng cha chàng là người của truyền thống nghĩa hiệp và đứa con của mối tình trái đạo ấy như mang sẵn trong người những xung đột đang xâu xé võ lâm.

Kim Dung, Nhà văn Kim Dung, Tiểu thuyết Kim Dung, Kim Dung từ trần, truyện kim dung, tác phẩm kim dung, lộc đỉnh ký, tiếu ngạo giang hồ, thiên long bát bộ, kiếm hiệp
Vô Kỵ - Triệu Minh: mối tình đẹp từ  2 nhân vật vốn là kẻ thù của nhau

Trong tâm hồn chàng vừa là người của tà môn vừa là người của chính giáo. Cái lưỡng tính ấy tuy nhiên như cái tên Vô Kỵ mà Tạ Tốn đã tặng chàng khi mới ra đời, cái lưỡng tính ấy cho phép chàng nhìn tất cả dưới con mắt không thành kiến, không sợ hãi, và vô tư của trẻ thơ. Tất cả những môn phái chàng đều coi như nhau và một khi đã nhận bạo động như một định đề của đời sống võ lâm, ai chàng cũng thấy đáng yêu, đáng trọng và đầy nghĩa khí.

Những xung đột giữa họ, chàng thấy là một điều khó hiểu, vô lý và đau lòng. Nhưng cũng vì đã sống sự xung đột ấy như một xung đột giữa mình với mình mà chàng có thể vượt nó để giải hòa võ lâm.

Cho nên thực hiện được sự giải hòa ấy không phải là những lý thuyết suông của Đoàn Dự mà là Vô Kỵ, khi trên Quang Minh Đỉnh, chàng đứng ra lấy mạng mình đổi lấy mạng của những người của Minh giáo đang bị chúng anh hùng uy hiếp.

Vô Kỵ đã thành công, không những chàng đã giải hòa các môn phái, mà sau cùng lại đoàn kết họ trong công trình giải phóng võ lâm. Nhưng sự đoàn kết ấy cũng chỉ bắt đầu từ sau khi người ta đã xô sự xung đột tới cái độ cao nhất của nó. Và sự ngược đời là nó đã được thực hiện từ những nhân vật mà cả võ lâm đều nguyền rủa. Ấy là tại khác hẳn những truyện võ hiệp cổ điển trong ấy tà đạo chỉ có một ý nghĩa tiêu cực của một cái gì trái với chính nghĩa, thì trong Kim Dung, tà và chính chỉ là hai mặt của một thực tại duy nhất, như sai lầm là mặt trái của chân lý.

Kim Dung, Nhà văn Kim Dung, Tiểu thuyết Kim Dung, Kim Dung từ trần, truyện kim dung, tác phẩm kim dung, lộc đỉnh ký, tiếu ngạo giang hồ, thiên long bát bộ, kiếm hiệp
Nàng A Châu (trái) đã nguyện chấm dứt cuộc đời với hi vọng hóa giải nỗi căm hận của Kiều Phong (phải)

Đến một trật tự mới

Truyện Kim Dung dẫn người ta từ một sụp đổ đến một trật tự mới. Ấy là truyện của một cuộc giao thời: thời của phiêu lưu, của sáng tạo, của khám phá, nhưng cũng là thời của nghi vấn, của bất trắc, của lưu vong, thời của mâu thuẫn, của xung dột và của sự bùng nổ của tất cả những năng lực cá nhân.

Kỳ vọng của Kim Dung là cái trật tự mới sẽ duy trì trong nó tất cả những chinh phục của giai đoạn tổng ly khai và thực hiện sự thống nhất võ lâm trong sự tương kết giữa mọi khác biệt. Người ta hiểu tại sao Kim Dung đã lấy Minh giáo làm dụng cụ cho sự tương kết ấy. Tại Minh giáo - cũng gọi là Mani giáo - chính là một chi nhánh của cái truyền thống lưỡng nguyên mà gốc ở Ba Tư và chủ trương tà và chính là những nguyên lý căn bản muôn đời cùng có và cùng xung đột nhau của thế giới.

Một chủ trương như thế không thể nào không dẫn đến một chính sách độc tôn. Nhưng sang Trung Hoa, trở nên một thiểu số và môn phái bị truy bức, đương nhiên là Minh giáo, trong sự đảo lộn ấy của những vai trò, khi nó tập trung tất cả những môn phái chống lại mình, sẽ là một cơ hội để biến sự xung đột giữa tà và chính ra một thế đồng minh và tương đối hóa những tiêu chuẩn cổ truyền của đạo lý võ lâm. Cái người ta gọi là tội ác khi ấy lại xuất hiện như một cách độ thế, sự lưu vong như con đường về tổ quốc, sự ly khai như một cơ hội cho thống nhất. Không còn tà và chính nữa, mà những vai trò khác nhau trong cái trật tự của thế giới, những mãnh lực tự nhiên mà sự trường tồn của toàn thể đòi hỏi sự tương kết.

Cuộc đời của nhà văn kiếm hiệp Kim Dung qua con số

Cuộc đời của nhà văn kiếm hiệp Kim Dung qua con số

Nhà văn Kim Dung đã qua đời hôm 30/10, để lại niềm thương tiếc lớn trong lòng người hâm mộ dòng tiểu thuyết võ hiệp.

Cái nên thơ của trật tự mới là cái nên thơ của một cơ cấu. Và người ta có thể coi truyện Kim Dung, khi nó tập trung trong một truyện kể vô cùng phức tạp, không biết bao nhiêu định mệnh cá nhân mà chẳng định mệnh nào giống định mệnh nào. Là cái mẫu tương xứng của cái nên thơ ấy mà Kim Dung đề cao trong truyện ông: trong quan niệm bách khoa về võ học, trong tổ chức phức tạp của những môn phái lớn, trong mối tình của những nhân vật thuộc những trường phái đối lập: giữa Dương Tiêu và Kỷ Hiểu Phù, giữa Vô Kỵ và Triệu Minh, giữa Quách Tĩnh và Hoàng Dung, đứa con của sa mạc và đứa con của biển xanh.

Và lẽ dĩ nhiên phải kể đến Vương Nạn Cô chuyên môn chế độc dược bỏ cho những nhân vật giang hồ để chồng nàng là Hồ Thanh Ngưu mang cái y học uyên thâm của mình ra cứu chữa. Nhưng thực hiện được sự tương kết giữa những đối cực ấy để trở thành nơi giao hội của tất cả những xu hướng của võ lâm, người ta hiểu tại sao không thể làm một nhân vật của một truyền thống nào sẵn có, mà là một người như bất cứ ai, mình là ai không biết nhưng mà cái vô định tính giống như sự có thể và sự ngây thơ tựa hồ một trí thức uyên thâm.

Đỗ Long Vân như Vô Kỵ giữa chúng ta

Sau hơn nửa thế kỷ, những trước tác của Đỗ Long Vân (1934 - 1997) - một tài năng đặc biệt nhưng rất lặng lẽ - vừa được tái bản. Đầu tiên là cuốn Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương (NXB Đà Nẵng và Domino) vừa tái bản, tiếp đến sẽ là Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung (in lần đầu năm 1967). Đỗ Long Vân được đánh giá là tinh hoa của văn phê bình nghị luận ở miền Nam trước 1975.

Ngoài hai tác phẩm vừa kể, Đỗ Long Vân còn có một số phê bình tiêu biểu như Truyện Kiều ABC, Thanh Quan hay ám ảnh hoàng hôn, Nhân một kinh nghiệm thơ, Thơ trong cõi người ta, Kỹ thuật tả chân của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ…

Danh sách 15 tác phẩm (và các nhân vật chính ) của Kim Dung

1.Thư kiếm ân cừu lục (1955) Trần Gia Lạc, Văn Thái Lai, Hoắc Thanh Đồng…

2.Bích huyết kiếm (1956): Viên Thừa Chí, Hạ Thanh Thanh, Hạ Tuyết Nghi…

3.Xạ điêu anh hùng truyện (1957): Quách Tĩnh, Hoàng Dung

4.Thần điêu hiệp lữ (1959): Dương Quá, Tiểu Long Nữ

5.Tuyết sơn phi hồ (1959): Hồ Phỉ, Miêu Nhân Phượng

6.Phi hồ ngoại truyện (1960): Hồ Phỉ

7.Bạch mã khiếu tây phong (1961): Lý Văn Tú

8.Uyên Ương đao (1961): Viên Quán Nam, Tiêu Trung Tuệ

9.Ỷ thiên Đồ long ký (1961): Trương Vô Kỵ

10.Liên thành quyết (1963): Địch Vân

11.Thiên long bát bộ (1963): Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc

12.Hiệp khách hành (1965): Thạch Phá Thiên

13.Tiếu ngạo giang hồ (1967): Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh

14.Lộc Đỉnh ký (1972): Vi Tiểu Bảo    

15.Việt nữ kiếm (1970): A Thanh

(Trích từ tập nghiên cứu Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung)

Đỗ Long Vân

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›