(Thethaovanhoa.vn) - Mất 10 năm xây dựng và tập hợp tư liệu, Bảo tàng Văn học Việt Nam khánh thành sáng 26/6 tại trụ sở ở đường Âu Cơ, Hà Nội với 3.454 tài liệu, hiện vật được trưng bày.
Giám đốc Bảo tàng là nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Hai phó giám đốc là nhà thơ Lê Quang Sinh và chuyên gia ngành bảo tàng Nguyễn Thanh Minh.
Bảo tàng đặt tại ngõ 275, đường Âu Cơ, Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, nơi trước đây là nhà sáng tác Quảng Bá của Hội Nhà văn.
Trưng bày từ “giải thưởng Nhà nước trở lên”
Phát biểu trong lễ khánh thành bảo tàng, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: “Bảo tàng là nơi ghi nhận biết bao mồ hôi, công sức phía sau tác phẩm của các nhà văn, giải thích con đường sáng tạo của nhà văn”.
Ông cũng cho biết, trong quá trình xây dựng, Bảo tàng đã nhận được sự ủng hộ của không ít nhà văn tên tuổi, dù “thời gian, chiến tranh, li tán luôn là bức tường thành thử thách những ai muốn thu thập tư liệu về các nhà văn Việt Nam”.
Có hơn 1.000 nhà văn khắp cả nước cùng 40.000 tài liệu, hiện vật, nhưng hiện diện tích bảo tàng chỉ cho phép trưng bày 3.454 đơn vị hiện vật. Các tác giả có gian trưng bày riêng (gồm ảnh, tượng, thông tin cá nhân và sự nghiệp, các đầu sách và kỷ vật) bao gồm “những người đoạt giải thưởng Nhà nước trở lên”.
Ngoài số này, các tác giả khác cũng đã được thu thập tư liệu nhưng chưa trưng bày.
Tầng một Bảo tàng là phòng khánh tiết và chuyên đề về chữ viết của các dân tộc Việt, văn học cổ Việt Nam. Có gian trưng bày riêng dành cho văn học thời nhà Trần, Lê, Nguyễn..., dựng tượng và không gian sáng tác của các tác gia như vua Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… cùng nhiều đầu sách văn học cổ.
Trong đó, Truyện Kiều của Nguyễn Du còn được trưng bày kèm một số bản dịch tiếng nước ngoài.
Tầng hai trưng bày về văn học Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, bao gồm: Tố Hữu, Văn Cao (với tư cách nhà thơ), Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài…
Tầng ba là hình ảnh, hiện vật về các nhà văn được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (gồm Trần Đăng Khoa, Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyên Ngọc…), các kỳ đại hội Hội Nhà văn Việt Nam và chuyên đề văn học Việt Nam giao lưu với quốc tế.
5 người thu thập tư liệu hơn 1.000 tác giả
Nói với Thể thao & Văn hóa, ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam, cho biết: kinh phí thực hiện bảo tàng tính đến nay là 71 tỷ đồng. Diện tích bảo tàng là 3.600 mét vuông, trong đó không gian dành để trưng bày là 3.000 mét vuông.
Những năm gần đây, Bảo tàng Văn học Việt Nam vẫn là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo và giao lưu quốc tế của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng đến nay, sau 10 năm, bảo tàng mới chính thức khánh thành. Lý giải cho quãng thời gian này, ông Minh cho biết, khó khăn lớn nhất của bảo tàng là về mặt nhân sự.
Công việc thu thập tư liệu cho bảo tàng lâu nay do 5 nhân sự trong số 18 nhân sự thuộc biên chế nhà nước thực hiện. Việc của họ là liên hệ, tìm đến tận nhà của tác giả hoặc gia đình tác giả, phỏng vấn lấy thông tin và tập hợp sách, kỷ vật... Với mỗi tác giả, cần ít nhất 3 lần liên hệ trực tiếp. Và trong 10 năm, họ phải thu thập tư liệu của hơn 1.000 tác giả sống ở các địa phương khác nhau.
Ông Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có mặt trong ngày khánh thành và trực bên gian trưng bày của người cha để trò chuyện với khách tham quan.
Ông Thắng cho biết, khi được nhà thơ Hữu Thỉnh gọi đến đề nghị gia đình cung cấp tư liệu của Nguyễn Huy Tưởng, ông nhận thấy Bảo tàng đặt rất nhiều tâm huyết vào công việc này. Bởi vậy, gia đình đã nỗ lực tạo nên gian trưng bày phong phú với nhiều đầu sách, ảnh kỷ niệm cùng bộ quần áo kỷ vật của nhà văn.
Ý tưởng xây dựng Bảo tàng Văn học Việt Nam có từ năm 1995, bắt đầu xây năm 2004. Năm 2007, Bảo tàng về cơ bản xây xong, được dự kiến sẽ khai trương vào tháng 6/2008 rồi lùi sang năm 2009, rồi 2010 nhưng rút cuộc, đến nay, tháng 6/2015, Bảo tàng mới khánh thành. |
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Tags