Khánh thành "Con đường gốm sứ": Lập kỷ lục để rồi sẽ phá kỷ lục

Thứ Tư, 06/10/2010 11:47 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Sáng qua 5/10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho công trình nghệ thuật công cộng Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Tại đây, đại diện Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới cũng đã chính thức tuyên bố và trao bằng công nhận Con đường gốm sứ của Hà Nội đã lập kỷ lục mới là bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Phát biểu tại Lễ khai mạc, họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy - công dân ưu tú của thủ đô, người khai sinh Con đường gốm sứ (CĐGS) xúc động cho biết: Hôm nay tôi rất hạnh phúc khi công bố CĐGS đã hoàn thành! Vậy là món quà dành tặng Thủ đô yêu dấu nhân dịp Đại lễ đã không bị lỗi hẹn. CĐGS có được như ngày hôm nay còn là công sức và tình cảm của tập thể những người sáng tác thực hiện, sự chung tay góp sức của các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp VN…”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cũng khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong việc duy tu bảo dưỡng lâu dài và tạo thêm những công trình nghệ thuật công cộng mới mang lại nét riêng, hấp dẫn cho Thủ đô nghìn tuổi!

Rạn nứt chỉ là vết nhỏ

* Phải nói rằng, tại Lễ khánh thành hôm nay, CĐGS đã thu hút sự chú ý của công chúng và quan khách. Chứng tỏ chị đã lựa chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu Hà Nội rất riêng?

- Vâng, cơ duyên đến với tôi khi tôi được chứng kiến cuộc khai quật khảo cổ tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào cuối năm 2003. Ngày đó, tôi đã xúc động mạnh trước những  đầu phượng, đầu rồng lớn bằng đất nung, những viên gạch trang trí thời Lý...Và hàng ngày, đi từ nhà ở Nghi Tàm tới cơ quan, nhìn những bức tường bê tông dọc đê sông Hồng, ý tưởng về một con đường được trang trí những bức tranh tường bằng gốm trong tôi bỗng nảy sinh. Một ước mơ rằng Hà Nội có CĐGS tái hiện dòng chảy lịch sử VN từ Phùng Nguyên - Đông Sơn đến thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn đã ngự trị trong tôi. Và tôi quyết định mời các họa sĩ VN và quốc tế cùng làm đẹp Thủ đô để đón chào Đại lễ...

* Nhưng để ước mơ thành hiện thực là cả một quá trình đầy khó khăn, thử thách, đầy áp lực từ nhiều phía, đặc biệt là với người đề xướng - tổng chỉ huy của dự án?

- Ban đầu, đây là một công trình nghệ thuật mới mẻ, chưa được biết đến nhiều. Nhưng không để dự án dở dang, tôi đã phải tìm mọi cách xoay xở. Tôi đi nhiều, nghe nhiều, nên tôi biết mình sẽ đối mặt với chuyện làm dâu trăm họ. Hơn nữa, đây lại là một công trình công cộng, rất nhiều người đi qua, mỗi người một "gu'' khác nhau, người thích nhiều màu sắc, người thích đơn giản... Cho nên, tôi nhận được rất nhiều ý kiến như tôi thích đoạn này, không thích đoạn kia.


Con đường gốm sứ.
Nhưng rất vui khi trong những ngày đại lễ này, đi dọc CĐGS từ dốc Bác Cổ đến cửa khẩu An Dương, tôi gặp rất nhiều cảnh các em học sinh, các gia đình từ trẻ con đến người già... dừng chụp ảnh trên con đường... Đó là phần thưởng lớn nhất với tôi và các nghệ sĩ tham gia dự án!

* Chị có trả lời báo chí rằng, những vết rạn nứt trên CĐGS là không đáng nói và bên thi công đã khắc phục sửa chữa như thế nào trước khánh thành?

- Cách sửa chữa rất đơn giản. Đơn vị thi công đã xử lý ngay để tạo độ ổn định cho bức tranh. Các rạn nứt chỉ là những vết nhỏ, do thời tiết, khí hậu mùa hè khắc nghiệt và độ rung của luồng giao thông rất lớn gây ra. Hôm qua, khi tiến hành đo đạc, thẩm định, đại diên của tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới đánh giá rất cao về công trình, đặc biệt là kỹ thuật gắn gốm của các nghệ sĩ VN.

Con đường gốm sứ sẽ tiếp tục kéo dài

* Có phải do dành quá nhiều thời gian để hoàn thành kịp tiến độ hay không mà dự định trưng bày những cột gốm trên CĐGS của chị bị bỏ lỡ?

- Là vì những tác phẩm đó quá nặng và dễ vỡ. Trong những ngày gần đây, đoạn đường này lại bị cấm ô tô… Một thử nghiệm khác là in những hình ảnh về Hà Nội cổ trên những bản gốm 40/60 chưa kịp gắn ở đoạn cuối cùng, chỗ ngã ba phía Bảo tàng Lịch sử VN.

Sau khánh thành, có thời gian tĩnh lại tôi sẽ làm cẩn thận và cầu kỳ hơn. Hà Nội rất đặc biệt, vì có dải đê bê tông xuyên trong lòng thành phố. Có lẽ là hiếm có thủ đô nào có được con đê bê tông như vậy. Đây chính là cơ hội để các nghệ sĩ kéo dài CĐGS, từ chợ hoa Quảng An đến cầu Thăng Long. Đoạn này chắc chắn sẽ khả thi để phá kỷ lục của năm 2010.

* Nhưng kinh phí sẽ lấy ở đâu ra, thưa chị?

- Hi vọng sự lan tỏa của dự án sẽ tiếp tục có được các nhà tài trợ, tổ chức cá nhân yêu mến tham gia. Sự tham gia rất đông của mọi người chứng tỏ sự yêu thích của mọi người dành cho dự án này rất lớn. Mới đây, một nhóm sinh viên Hà Nội đã đề xuất sẽ “số hóa” Con đường gốm sứ để tạo lên cơ sở dữ liệu gồm những bức ảnh liền mạch cho con đường. Tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của những bạn trẻ khi ứng dụng công nghệ thông tin để lưu giữ những hình ảnh đẹp cho Hà Nội.

Hoài Thương (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›