(Thethaovanhoa.vn) - Không chịu chết dần chết mòn trong lao tù, từng ngày từng giờ những người con kiên trung, quả cảm tìm mọi cách vượt ngục để trở về với cách mạng, với tự do. Với ý nghĩa thể hiện khát khao cháy bỏng tự do qua các cuộc vượt ngục, trưng bày "Khát vọng tự do" gồm 3 phần: Xiềng xích, Tung cánh giữa màn đêm và Khúc ca hòa bình.
Trưng bày: "Khát vọng tự do" là hoạt động thiết thực kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), 73 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020) do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức.
Tự do là khát vọng ngàn đời, bắt nguồn từ lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có hàng triệu chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị bắt, giam, hy sinh trong các ngục tù thực dân, đế quốc.
Không chịu chết dần chết mòn trong lao tù, từng ngày từng giờ những người con kiên trung, quả cảm tìm mọi cách vượt ngục để trở về với cách mạng, với tự do. Với ý nghĩa thể hiện khát khao cháy bỏng tự do qua các cuộc vượt ngục, trưng bày "Khát vọng tự do" gồm 3 phần: Xiềng xích, Tung cánh giữa màn đêm và Khúc ca hòa bình.
Nội dung đầu tiên Xiềng xích - phản ánh cuộc sống cùng cực của người Việt Nam dưới chế độ thực dân, đế quốc. Trong màn đêm tăm tối, dân tộc Việt Nam phải gồng mình chống đỡ những chính sách bóc lột, nô dịch, khủng bố nặng nề. Hệ thống công cụ đàn áp liên hoàn gồm: Tòa án, Sở mật thám, Nhà tù được chính quyền thực dân, đế quốc thiết lập khắp các địa phương.
Trong chốn "địa ngục trần gian" Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Trại giam Tù binh Phú Quốc, kẻ thù cho thi hành chế độ sinh hoạt và lao dịch hà khắc, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí những người Việt Nam yêu nước. Không phút buông xuôi, các chiến sĩ cách mạng vẫn quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo, như những cánh chim khao khát tự do, bay đến vùng ánh sáng cách mạng. Đó cũng chính là nội dung thứ hai của trưng bày mang tên: Tung cánh giữa màn đêm!
Tại Nhà tù Hỏa Lò - "Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội" đã diễn ra những cuộc vượt ngục "thần kỳ" năm 1932, 1945, 1951 bằng các hình thức: Thăng thiên (trèo tường), Độn thổ (chui cống ngầm) và Vuốt râu hùm (đi qua cửa ngục).
Tại Nhà tù Sơn La diễn ra hai cuộc vượt ngục vào năm 1941 và 1943. Trong số các chiến sĩ cách mạng vượt ngục Nhà tù Sơn La năm xưa, nhiều đồng chí sau này đã trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước như: đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu, Nguyễn Văn Trân….
Nếu vượt ngục trên đất liền đã khó, thì các cuộc vượt ngục giữa khơi xa tại Nhà tù Côn Đảo, Trại Giam Tù binh Phú Quốc càng gian nan hơn gấp bội, bởi giữa điệp trùng sóng nước mênh mông, những phương tiện vượt biển thường vỡ tan trước những cơn sóng dữ.
Tại các nhà tù địa phương như: Bắc Ninh, Chợ Chu (Thái Nguyên), Nhà đày Buôn Ma Thuột, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt… các chiến sĩ cách mạng cũng nhanh chóng tìm đường thoát ngục trở về với cách mạng, với nhân dân.
Khép lại trưng bày, nội dung Khúc ca hòa bình, giới thiệu một số đóng góp của các chiến sĩ cách mạng sau khi thoát khỏi các nhà tù thực dân, đế quốc. Dấu ấn về tinh thần quả cảm trong những cuộc vượt ngục táo bạo năm xưa vẫn lan tỏa như một minh chứng trường tồn cho lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Ký ức của những cựu tù vượt ngục năm xưa là một phần ký ức của lịch sử dân tộc, là niềm tự hào, động lực để thế hệ trẻ tiến bước trên con đường đổi mới và dựng xây đất nước.
Không gian trưng bày được thể hiện qua những gam màu trầm, lạnh trong nội dung Xiềng xích. Những hình ảnh, tư liệu được đặt cách điệu trong lưới mắt cáo hay những trận bom Mỹ trút xuống miền Bắc Việt Nam. Trong nội dung Tung cánh giữa màn đêm, khắc họa hình ảnh đối lập giữa một bên là sự kiên cố của các nhà tù với khát khao vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng qua hình ảnh ẩn dụ của những cánh chim hướng về tự do.
Đóng góp của các chiến sĩ cách mạng sau khi vượt ngục được thể hiện trên những bảng vàng ghi công, hay những thước phim thời gian quay ngược lại Ký ức không phai của các chiến sĩ cách mạng là điểm nhấn thiết kế trong nội dung Khúc ca hòa bình. Đến với trưng bày, du khách còn có không gian để chụp những bức ảnh kỷ niệm và lưu lại cảm xúc sau chuyến tham quan.
- Trưng bày 60 tác phẩm nghệ thuật tại triển lãm 'Mùa Xuân vĩnh viễn'
- Trưng bày 'Chuyện nghề địa chất' và câu chuyện 'di sản các nhà khoa học' Việt Nam
- Trưng bày bộ sưu tập ký họa vô giá về 'kỳ nhân tiền cổ Hà thành' của Bùi Xuân Phái
- Trưng bày gần 300 hiện vật, tài liệu về 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ
Tại buổi khai mạc trưng bày, công chúng sẽ được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, đã trực tiếp tham gia vào các cuộc vượt ngục và thân nhân của những chiến sĩ cách mạng từng đã tham gia vượt ngục năm xưa: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, người phá ngục Trại giam Phú Bài tháng 3/1945; ông Nguyễn Hà Long, thương binh 2/4, người khởi xướng phong trào đào hầm vượt ngục tại phân khu A2, Trại giam tù binh Phú Quốc đêm 19/01/1969; ông Đỗ Trọng Dư, "chuyên gia" làm xẻng, nắp hầm tại Trại giam tù binh Phú Quốc; thân nhân gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, đồng chí Trần Tử Bình, đồng chí Trần Đăng Ninh….
Những tài liệu liên quan đến các cuộc vượt ngục và những kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng tham gia vượt ngục năm xưa được giới thiệu đến đông đảo công chúng, như: Quần, áo vest của Thượng tướng Nguyễn Văn Khương (Song Hào), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh - Xã hội sử dụng từ năm 1987 đến năm 2004; Thanh kiếm, bộ đội Quân giới tặng đồng chí Nguyễn Văn Trân (tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1940) khi đồng chí giữ cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội; Huân chương Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng đồng chí Nguyễn Văn Kha, ngày 08/8/1990…
Trưng bày khai mạc ngày 14/5/2020 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo Bộ VH,TT&DL
Tags