(Thethaovanhoa.vn) - Ở Viện Đại học Mở Hà Nội có một không gian nghệ thuật dành cho các giảng viên, các nhà thiết kế, sinh viên, cựu sinh viên yêu nghệ thuật hội tụ để sáng tạo nên những tác phẩm, hàng năm đều góp vào đời sống mỹ thuật nước nhà những hoạt động, những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao.
Đó là CLB Nghiêng, ra đời năm 2016 và từ đó đến nay, tỉ lệ thuận với số lượng các thành viên tham gia ngày một đông, các tác phẩm đủ mọi thể loại cũng tăng lên không ngừng. Và tiếp sau triển lãm Nghiêng 1 diễn ra cách đây một năm, ngày 13/11 vừa qua, triển lãm Nghiêng 2 đã lại mở cửa đón công chúng yêu nghệ thuật tại 73 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
“CLB mang tên là Nghiêng, hai cuộc triển lãm cũng có tên là Nghiêng bởi các họa sĩ có góc nhìn song hành nghiêng 23,5 độ cùng Trái Đất, nhưng đầy mới lạ, độc đáo về những vẻ đẹp khác của thế giới” – PGS-TS Nguyễn Lan Hương, Trưởng Khoa Tạo dáng Công nghiệp, Ủy viên BCH CLB Nghiêng nói với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
* Gần đây, vấn đề phát triển và đánh thức các không gian văn hóa sáng tạo đang được xã hội rất quan tâm. CLB Nghiêng cũng có thể gọi là một không gian văn hóa sáng tạo. Vậy, Viện ĐH Mở nói chung và Khoa Tạo dáng Công nghiệp nói riêng đã và đang phát huy “không gian văn hóa Nghiêng” như thế nào?
- Viện ĐH Mở chúng tôi là một trường công lập, tự chủ vê tài chính. Chúng tôi có 11 khoa, mỗi một khoa có một vị trí , địa điểm thuận lợi cho học tập và các không gian riêng dành cho các hoạt động sau giờ lên giảng đường.
Khoa Tạo dáng Công nghiệp của chúng tôi có một địa điểm học tập độc lập chỉ dành riêng cho nghệ thuật, ví dụ giáo viên có thể dạy cả ngày thì những giờ ngoài giờ hoặc thứ bảy chủ nhật lại hội tụ với nhau, đưa ra những ý tưởng sáng tác, đưa ra chất liệu mới, trao đổi, thảo luận sôi nổi về những xu hướng nghệ thuật mới ở trong nước và thế giới, khuyến khích và tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho sinh viên đến với nghệ thuật.
* Ngoài những điều bà vừa nói thì Khoa Tạo dáng Công nghiệp trong triết lý đào tạo của mình về nghệ thuật khác gì so với các trường, cơ sở đào tạo về nghệ thuật nói chung hiên nay?
- Ở nước ta có rất nhiều cơ sở, trường đào tạo về nghệ thuật có về dày lịch sử. Trong khi đó, chúng tôi mới chỉ được 25 năm nhưng chúng tôi hội tụ được tất cả các hoạ sĩ giỏi trong các lĩnh vực và hội tụ được các cựu sinh viên, các doanh nhân thành đạt quay về với trường, tiếp tục cống hiến và có những đóng góp thiết thực cho nơi mà họ đã được đào tạo.
Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên tạo điều kiện và cơ hội cho sinh viên được kết nối, được trải nghiệm, cùng được sáng tạo nghệ thuật với các thầy cô để khoảng cách giữa thầy và trò gần lại.
Điều nổi trội nữa là chúng tôi làm được những tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, phục vụ được trong đời sống. Bên cạnh những sáng tác nghệ thuật thẩm mĩ, thì chúng tôi còn đưa vào đó những công năng hữu ích, những không gian sống mà xã hội phát triển đều đang rất cần...
* Mục tiêu sắp tới của Khoa?
- Mục tiêu của chúng tôi , thứ nhất là luôn luôn phát triển vững mạnh về đào tạo, thứ hai là bên cạnh đào tạo thì chúng mở ra những hoạt động nghệ thuật, ví dụ như các cuộc khi tìm kiếm tài năng, cuộc thi sáng tác thời trang, cuộc thi logo ứng dụng nhận diện thương hiệu và những sáng tác nghệ thuật của sinh viên, giảng viên, được trải nghiệm tới xưởng sản xuất ở các làng nghề và các công ty.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích sức trẻ của sinh viên trong việc tích cực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, cho ra đời nhiều hơn nữa những sản phẩm mỹ thuật ứng sụng, góp phần phục vụ đời sống, định vị được thương hiệu trong lòng công chúng không chỉ trong mà xa hơn là quốc tế cũng phải biết đến.
* Còn những hoạt động nghệ thuật gắn với “không gian nghệ thuật Nghiêng”?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục... nghiêng về phía trước, để tiến lên, để sáng tạo và cống hiến. Mục tiêu của Nghiêng là sẽ duy trì triển lãm thường niên.
Với bề dày 25 năm, chúng tôi tự tin sẽ làm được, để Nghiêng thường niên trở thành một ngày hội cho các giảng viên, các nhà thiết kế, sinh viên, cựu sinh viên yêu nghệ thuật hội tụ và để công chúng thấy được Viện ĐH Mở nói chung, Khoa Tạo dáng Công nghiệp nói riêng không chỉ có tiếng vang trong đào tạo mà còn có tiếng vang trong sáng tạo nghệ thuật, góp một luồng gió mời cho sự phát triển, phong phú của đời sống mỹ thuật nước nhà.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Tiển lãm “Nghiêng 2” do Câu lạc bộ Nghiêng phối hợp với Khoa Tạo dáng công nghiệp, Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức, chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam và kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa Tạo dáng công nghiệp quy tụ 30 họa sĩ, nghệ sĩ, nhà thiết kế là các giảng viên Khoa Tạo dáng Công nghiệp. Trong đó có nhiều gương mặt tên tuổi như Lê Văn Thìn, Nguyễn Ngọc Dũng, Nguyễn Lan Hương, Đoàn Mạnh Thắng, Trần Quốc Bình, Tạ Yên Sơn… Triển lãm trưng bày trên 40 tác phẩm với nhiều thể loại, chất liệu, phong cách khác nhau nhưng tựu chung cho thấy những hình thức nghệ thuật sáng tác mới đang rất được các nghệ sĩ quan tâm, đặc biệt là về mỹ thuật ứng dụng – một thế mạnh của Khoa Tạo dáng Công nghiệp. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 18/11. |
Một số tác phẩm tại "Nghiêng 2"
Dũng Phạm
Tags