Chuyên đề: Những vần thơ “âm vang chiến hào” Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Những văn nghệ sĩ cầm súng vào chiến trường năm xưa nay người còn, người mất. Gần nhất, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, tác giả kịch bản Mùi cỏ cháy – bộ phim truyện nhựa dựa trên nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc – cũng vừa đột ngột giã biệt chúng ta. Trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa này, nhà thơ Hữu Thỉnh, người trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng đã thôi giữ cương vị quản lý. Nhưng dù thời gian có lùi xa, thì ký ức về thời kỳ “cả nước ra trận”, với những “cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ”, với “Đường tới thành phố”… vẫn trường tồn cùng lịch sử, vẫn là nguồn đề tài và nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ cầm bút tiếp tục sáng tác. Chỉ riêng những lá thư thời chiến thôi đã trở thành một hiện tượng xuất bản gây chấn động trong nhiều năm nay. Nhìn sang âm nhạc, những ca khúc phổ thơ thời kháng chiến chống Mỹ đã trở thành “Những bài ca đi cùng năm tháng”. Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta hãy giở lại những áng thơ, những bản trường ca bất hủ đã làm nên một thời đại sử thi trong thi ca Việt Nam hiện đại. Chuyên đề do PGS-TS Lê Thị Bích Hồng thực hiện. |
(Thethaovanhoa.vn) - Một nhà văn phương Tây đã từng nói “Khi đại bác gầm thì họa mi im tiếng”. Có thể câu nói trên đúng ở đâu đó, nhưng lại là ngoại lệ đối với Việt Nam, nhất là trong những ngày cả nước cùng ra trận. Khi đại bác gầm thì thơ ca càng vút lên với những âm điệu đa dạng, phong phú, vừa là tiếng thơ kêu gọi, cổ vũ nhân dân, lên án kẻ thù xâm lược, vừa là khúc ca trữ tình đầm ấm, thiết tha đưa cả dân tộc bước vào cuộc trường chinh đánh đuổi quân xâm lược.
“Tất cả hành quân
Tất cả thành chiến sĩ”
Là người phát ngôn của thời đại, các nhà văn ra quân với một khí thế sục sôi cảm xúc: Năm 1965 chống Mỹ - Chúng ta đi (Tế Hanh). Đội ngũ văn nghệ ba lô lên đường đi vào cuộc chiến đấu, bình thường và giản dị, sống lại những ngày toàn quốc kháng chiến trước kia. Cùng với Từ tuyến đầu Tổ quốc (nhiều tác giả), Đường chúng ta đi (Nguyễn Trung Thành), Những ngày nổi giận (Chế Lan Viên), những bài thơ đầu tiên của Giang Nam, Thanh Hải, những vần ca dao của đồng bào, những khúc dân ca Tây Nguyên ra với miền Bắc đã là minh chứng của tấm lòng son sắt, kiên trung đối với cách mạng của miền Nam.
“Đôi tay cầm súng, bản thảo trên lưng”
Sau ngày 7/2/1965, giặc Mỹ ồ ạt và liên tục leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, các nhà thơ thực sự cùng các binh chủng khác của đạo quân văn nghệ đông đảo lên đường đánh Mỹ. Chiến sự xảy ra, họ có mặt ở nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến.
Tố Hữu đến với Quảng Bình bằng vần thơ Lửa cháy; Minh Huệ, Trần Hữu Thung không rời Nghệ An; Nguyễn Viết Lãm nghĩa nặng với đất Cảng Hải Phòng; Bàn Tài Đoàn sâu nặng với Thái Nguyên; Xuân Diệu sau khi đi vào tuyến lửa khu Bốn có những Đêm hành quân... Đặc biệt, các nhà thơ trẻ lăn lộn với chiến trường dày đặc khói bom “đôi tay cầm súng, bản thảo trên lưng”. Các tài năng thơ trẻ xuất hiện ở mọi miền đất nước và tỏ ra ngày càng sung sức, vững vàng.
Tiếp nối thế hệ trước là những cây bút trẻ, xuất hiện đầu những năm 60, đặc biệt đông đảo trong thời kỳ chống Mỹ. Lớn lên dưới mái trường XHCN, thế hệ này tiếp nhận giáo dục khá toàn diện, lập trường chính trị vững vàng, lý tưởng cách mạng xác định đúng đắn, được tôi luyện bằng ngọn lửa của chiến trường. Trong đó, không ít tài năng sớm được chú ý và khẳng định, như: Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Dương Hương Ly, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Anh Ngọc, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm... Hình thành và trưởng thành trong chính sự khốc liệt của cuộc chiến, họ thổi tới vườn hoa dân tộc một luồng gió mới tươi mát, “thơm mùi bưởi mùi chanh” (Lưu Quang Vũ). Đồng thời, thế hệ này ý thức rất rõ vai trò, trách nhiệm vẻ vang và con đường đi, trực tiếp cầm súng và cầm bút và làm thơ.
Đội ngũ ấy cầm súng đi vào các chiến trường miền Nam đã nảy nở nhiều tài năng thơ như một nhu cầu tự ý thức và tự biểu hiện của thế hệ trẻ. Đó là: Thanh Thảo, Hữu Thỉnh...
Những trang viết về miền Nam ruột thịt
Khi một vấn đề hết sức bức thiết đặt ra: cần sớm có được trang viết về miền Nam ruột thịt - chiến trường lớn của cả nước, chúng ta đã có ngay đội quân viết về miền Nam. Những nhà văn tài năng yêu quý, gắn bó với miền Nam đã ra quân đến với tiền tuyến lớn hình thành đội ngũ sáng tác thơ ở vùng giải phóng và chiến trường miền Nam. Những nhà thơ miền Nam tập kết ở Bắc đem hết trí tuệ, tâm hồn, tình cảm của mình làm thơ đấu tranh thống nhất đất nước.
Từ trong máu lửa, các nhà thơ đã kịp phản ánh sức mạnh của quần chúng nhân dân. Những tên tuổi làm nên đội quân chủ lực của văn học giải phóng miền Nam như: Trúc Hà (Nam Hà), Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Thiều (Nguyễn Thiều Nam), Viễn Phương, Giang Nam, Thanh Hải, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly), Phạm Ngọc Cảnh (Vũ Ngàn Chi)... Trong đó, có những người con miền Nam đã tạm biệt khung cảnh yên vui của miền Bắc XHCN, có người từ chối việc ra nước ngoài học tập, vượt qua hàng ngàn cây số đường Trường Sơn đầy gian nan thử thách để trở về quê hương và sớm có những trang viết sinh động về nhân dân anh hùng như Lê Anh Xuân.
Do tình hình đặc biệt, những nhà thơ từ miền Bắc trở về đều có một cái tên mới, rồi trở thành bút danh chính về sau hoặc sau năm 1975 trở lại với tên cũ của mình như: Xuân Thiều, Nam Hà, Lê Anh Xuân... Trở lại chiến trường, tất cả mọi nhà thơ đều sẵn sàng chuẩn bị cho mình tư cách một người lính, người công dân, người cán bộ để cùng sống cùng chiến đấu, cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân. Có mặt ở chiến trường lúc bấy giờ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là khát vọng của một thế hệ cầm bút.
Từ 1960-1975 xuất hiện giữa vùng địch tạm chiếm miền Nam còn có một dòng văn nghệ yêu nước tiến bộ, lớn dậy ở các đô thị miền Nam, gắn với quá trình trưởng thành của đội ngũ học sinh, sinh viên, trí thức. Đó là con đường tìm về cách mạng của hàng vạn học sinh, sinh viên. Họ sáng tác bằng cả tâm huyết, trái tim yêu nước. Tên tuổi của họ gắn với các phong trào đấu tranh. Họ là Trần Vàng Sao, Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Tần Hoài Dạ Vũ, Thái Ngọc San, Cao Quảng Văn, Võ Quê, Lê Văn Nuôi, Chinh Văn, Trần Nguyên Lan...Trần Quang Long với Sao rừng - tập thơ viết tay lỗ chỗ những giọt máu và vết thủng bởi những mảnh bom; Trần Vàng Sao với Thơ của một người yêu nước mình; nhà thơ - nhà giáo Ngô Kha đã cho xuất bản 2 tập thơ Hoa cô độc, Ngụ ngôn người đãng trí và đặc biệt là Trường ca hòa bình…
Những “thần đồng thơ” vẫn nảy nở trong thời chiến
Và trên trận tuyến đánh giặc bằng thơ “không so le, đứt đoạn”, không cần sự “chuyển giao” thế hệ, mà mọi lớp nhà thơ cùng đồng hành, sát cánh, bổ sung cho nhau để làm nên sự phong phú cho cả nền thơ chống Mỹ.
Những thiếu nhi yêu thơ như Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng Kiên, Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ, Khánh Chi… có nhiều bài thơ hay, thơ liên tiếp có thơ đăng báo Thiếu niên tiền phong, Tiền phong, Quân đội nhân dân, Nhân dân, Văn nghệ, thơ đoạt giải... bên cạnh những lớp nhà thơ lão thành, lớp nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Trong cuộc thi thơ của báo Thiếu niên tiền phong năm 1972, cùng với Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân đạt giải A với chùm bốn bài: Quả địa cầu, Con cò, Học tập và Mặt trời; Chu Hồng Quý đoạt giải B và Nguyễn Hồng Kiên đoạt giải C. Đó là những tác phẩm tươi mới, gây được ấn tượng sâu sắc trong bạn đọc bởi những hồn thơ trong trẻo ở lứa tuổi thiếu nhi.
Một hiện tượng lạ đã xảy ra trong lịch sử văn học Việt Nam thời đất nước chống xâm lược Mỹ, đó là sự xuất hiện thơ ca Trần Đăng Khoa. Bí ẩn của nó dường như vẫn nguyên vẹn với biết bao thú vị. Danh hiệu "thần đồng thơ ca" của Khoa gắn với việc ra đời tập thơ Góc sân và khoảng trời được Ty Giáo dục Hải Dương cho xuất bản lần đầu năm 1968. Cái tài của Thần đồng là tìm thấy sự độc đáo của hiện tượng trong tự nhiên: “Ông trời/ Mặc áo giáp đen/ Ra trận/ Muôn nghìn cây mía/ Múa gươm/ Kiến/ Hành quân/ Đầy đường” để nói lên không khí hào hùng của một đất nước “thành chiến sĩ”, trùng trùng những đoàn quân lên đường ra trận. Những câu thơ xứng đáng được coi là thần đồng bởi nó nói được cái khí lực của cả dân tộc đang gồng mình đánh giặc ngoại xâm. Nhưng mặt khác, thật thú vị khi những câu thơ đó vẫn không ra ngoài hình tượng tả mưa giông.
Với cách nói riêng độc đáo, Hoàng Hiếu Nhân góp một loạt bài thơ và đã góp phần làm phong phú thơ ca thiếu nhi nói riêng, thơ ca chống Mỹ nói chung. Cánh cò đã bay qua trang thơ của bao người viết, thế mà người ta vẫn thấy đậm đà, ý vị khi đọc bài "Con cò":Con cò trong câu ca dao/ Bay vào giấc ngủ trắng phau giọng bà/ Bà đưa cháu đến đồng xa/ Con cò theo mẹ la đà dòng mương/ Bà đưa cháu đến Trường Sơn/ Con cò theo bố dập dờn ngụy trang/ Bà đưa cháu đến miền Nam/ Giết thù, chớp đạn sáng choang cánh cò.
Thơ Hoàng Hiếu Nhân đã diễn tả được tình cảm, ý chí của lứa tuổi măng non, và đó cũng là tình cảm và ý chí của cả dân tộc những ngày đánh Mỹ. Từ những hàng cây trồng thẳng tắp trên đồi, Hoàng Hiếu Nhân cũng tưởng tượng ra: “Vườn cây kéo dài/ Cây đi không mỏi/ Cây cũng hành quân/ Như đoàn bộ đội” (Vườn cây). Đó là hiện tượng thăng hoa trong làng thơ Việt Nam, tiếng nói bí ẩn của tự nhiên, của nghệ thuật được thể hiện xiết bao kỳ lạ trong văn học thiếu nhi Việt Nam thời kỳ chống Mỹ.
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags