Khơi dòng điện ảnh từ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (kỳ 1): 'Vùng khí hậu' đậm chất điện ảnh

Thứ Năm, 15/04/2021 18:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong số những nhà văn thuộc lớp đầu Đổi mới, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp có duyên với điện ảnh sâu sắc nhất. Các tác phẩm như Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ, Tâm hồn mẹ đã được chuyển thể thành phim từ cuối thập niên 1980 là minh chứng cho chất điện ảnh dồi dào trong văn chương của ông.

Tuần phim chuyển thể truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp

Tuần phim chuyển thể truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp

Tuần phim chuyển thể truyện của Nguyễn Huy Thiệp là sự kiện do Khoa Văn học và Câu lạc bộ điện ảnh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tổ chức, diễn ra trong thời gian từ 5/4 - 9/4 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cuộc tọa đàm “Chảy đi phim ơi: Khơi dòng điện ảnh từ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp" được tổ chức tại Hà Nội vừa qua đã thêm một lần nữa khẳng định điều này. Đây có thể coi là một cuộc hội ngộ của 3 đạo diễn: Đặng Nhật Minh (phim Thương nhớ đồng quê), Vương Đức (phim Những người thợ xẻ), Phạm Nhuệ Giang (phim Tâm hồn mẹ) cùng một số nhà nghiên cứu để cùng bàn thảo mối liên hệ giữa văn chương Nguyễn Huy Thiệp và điện ảnh.

Chú thích ảnh
Nhân vật chị Ngữ (Thúy Hường đóng) trong phim “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Văn chương càng hay càng khó chuyển thể

Bằng con mắt nhà nghề, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, không chỉ Thương nhớ đồng quê mà nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra được một “vùng khí hậu” rất điện ảnh. Đối với một đạo diễn, đó là điều quan trọng nhất. “Vùng khí hậu” đó cũng chính là cái hồn của bộ phim sau này.

Mặt khác, văn chương Nguyễn Huy Thiệp còn cung cấp những thân phận con người rất sống động cho điện ảnh. Đó là những thân phận mang hơi thở thời đại, gắn với một “vùng khí hậu” nhất định.

Chú thích ảnh
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tại tọa đàm

“Để có thể chuyển thể, trước hết tôi phải cảm được "vùng khí hậu" mà nhà văn tạo ra. Trong vùng khí hậu đó có những số phận con người mà tôi quan tâm” – đạo diễn phim Thương nhớ đồng quê chia sẻ - “Dĩ nhiên khi chuyển thể, đạo diễn phải sáng tạo thêm rất nhiều các chi tiết khác, nhất là khi chuyển thể truyện ngắn. Song, những chi tiết sáng tạo vẫn trên dựa tinh thần, trên "vùng khí hậu" mà nhà văn đã tạo ra. Đó cũng là trách nhiệm của người chuyển thể”.

Chú thích ảnh
Đạo diễn, NSƯT Vương Đức tại tọa đàm

Đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang cho rằng, nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp luôn luôn có 2 mặt, không bao giờ là một chiều. Và sự đa chiều đó tạo ra sự “giàu có” của nhân vật. Rất nhiều nhà văn viết truyện không thể tạo ra được những nhân vật có đa tính cách. Nhưng ở các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, giữa lưu manh và trí thức luôn tồn tại trong một con người. Thậm chí, nhân vật không phải đa tính cách mà còn là đối lập tính cách.

"Rất nhiều trường hợp đối thoại trong văn chương không ra được chất điện ảnh bởi chỉ là cách trần thuật hoặc mô tả nội dung đơn thuần” – đạo diễn Tâm hồn mẹ nói thêm - “Nhưng riêng trường hợp của Nguyễn Huy Thiệp, sự đối thoại của nhân vật có khả năng gợi lên một loại người nào đó, một loại người nham nhở, một loại người chân thực,… Bởi vậy, có những đoạn thoại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp gần như có thể áp dụng hoàn toàn ở trong phim, không cần cắt lược. Những câu thoại hết sức ngắn gọn trở thành mặt mạnh trong văn Nguyễn Huy Thiệp rất gần gũi với thoại của điện ảnh”.

Ở mối liên hệ tương đồng giữa văn chương Nguyễn Huy Thiệp và điện ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh nhấn mạnh: “Văn của Nguyễn Huy Thiệp có một đặc điểm mà điện ảnh rất cần, đó là không để lộ thông điệp. Trong truyện, Nguyễn Huy Thiệp không để cho bất cứ một nhân vật nào “tuyên ngôn”, trực tiếp nêu ra thông điệp của mình thông qua cái vỏ ngôn ngữ. Cũng như trong phim, hình ảnh sẽ lột tả thông điệp”.

Còn theo đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, sức nén thông tin trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp rất mạnh. Ví dụ, với Sang sông hay Không có vua, chỉ trong những không gian gia đình hết sức tiết chế, hết sức nhỏ hẹp, tác giả đã tạo ra những sự va chạm của các tính cách, có khi rất trần trụi. Nhưng sau cùng vẫn là sự yêu thương dành cho gia đình. Bi kịch xảy đến rồi kết thúc vẫn trong sự ấm áp tình người. Đó là sức mạnh mà Nguyễn Huy Thiệp tạo ra cho tác phẩm văn học, có khả năng truyền sang phim nếu được chuyển thể.

Chú thích ảnh
Đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang tại tọa đàm

Mặc dù vậy, tới nay mới chỉ chuyển thể được 4 phim, trong khi Nguyễn Huy Thiệp có hơn 40 truyện ngắn đặc sắc.

Lý giải thực tế này, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho rằng: “Văn chương càng hay càng khó chuyển thể. Khi văn chương đã rất thành công thì chuyển thể sang điện ảnh buộc phải tài giỏi hơn. Nhờ thế mới làm thăng hoa được tác phẩm văn học, nếu không việc chuyển thể sẽ rất dở hoặc phá nát nguyên tác”.

“Chuỗi tạo sinh vô tận” từ văn bản văn học

Theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, những văn bản truyện của Nguyễn Huy Thiệp là một dạng văn bản có khả năng tạo ra những “chuỗi tạo sinh vô tận”. Vì thế, văn bản của Nguyễn Huy Thiệp đã có một đời sống tiếp nối, ít nhất ở thời điểm hiện tại, trong những tác phẩm chuyển thể.

“Đọc Nguyễn Huy Thiệp, có cảm giác nhà văn viết một cách rất thản nhiên, với những câu văn rất ngắn. Nhà văn không nương vào những câu văn dài nhưng mỗi câu văn lại chứa đựng dồi dào những nguồn ẩn. Và đó chính là cơ hội để cho những tác phẩm độc lập khác khai thác những tư tưởng mà nhà văn chưa nói rõ ở trên mặt văn bản văn học” – TS Thủy nói – “Các đạo diễn, nhà biên kịch sẽ bắt được những ý tưởng phù hợp để tạo ra những bước ngoặt trong phim chuyển thể, tạo ra một đời sống mới cho tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp”.

Chú thích ảnh
PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Ngữ Văn, ĐH KHXH&NV HN tại tọa đàm

Theo PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, văn chương Nguyễn Huy Thiệp khơi mở được những vấn đề, tư tưởng chạm được vào sự đồng cảm chung của xã hội. Trong mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh sau Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta chưa thấy có nhiều nhà văn làm được nhiều đến thế.

Suy cho cùng, văn học cũng chỉ là chất liệu quý cho điện ảnh. Và để chuyển thể một tác phẩm văn học sang phim điện ảnh thành công, người đạo diễn buộc phải sáng tạo. Nhưng, Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn có khả năng mang đến đủ loại cảm xúc đặc biệt qua văn chương. Cảm xúc đó sản sinh ra động lực, kích thích cho các đạo diễn, nhà biên kịch sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật độc lập.

(Còn nữa)

Công Bắc

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›