(Thethaovanhoa.vn) - Kỷ niệm 20 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12.2019 sắp đến chắc chắn sẽ là một dấu ấn ý nghĩa, đáng nhớ với rất nhiều người Hội An cũng như du khách.
Đặc biệt hơn, đây sẽ là thời điểm tròn một năm kể từ khi TP Hội An chính thức công bố Đề án “Hội An – Nhân tình thuần hậu” (gọi tắt Đề án), là dịp để cùng nhìn nhận lại những giá trị sâu bền, những hưởng ứng tích cực từ chính người dân và du khách đối với các nội dung vận động mà Đề án đã kỳ vọng.
- Hội An: Thành phố tuyệt vời nhất thế giới
- CNN ca ngợi Hội An là một trong những đô thị cổ đẹp nhất Đông Nam Á
Giữ nếp thuần hậu trong ứng xử của người Hội An
Thời gian qua, sự tác động của kinh tế thị trường, sự cởi mở du nhập nhiều nền văn hóa khác nhau ít nhiều đã tác động tiêu cực đến lối sống, cách ứng xử của người Hội An. Càng ngày, trên các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội, trong những câu chuyện “trà dư tửu hậu” của những người yêu quý Hội An,…đã nhắc đến rất nhiều về sự dần phai nhạt những giá trị văn hóa tốt đẹp, tính cách thuần hậu, tử tế vốn có của người Hội An. Điều đó khiến sự lo lắng về những diễn biến xấu có nguy cơ lấn át sự tử tế trong văn hóa ứng xử của người Hội An ngày càng hiển hiện rõ.
Chính vì thế, khi Đề án “Hội An-Nhân tình thuần hậu” được UBND TP.Hội An giao cho Trung tâm Văn hóa -Thể thao & Truyền thanh-Truyền hình TP Hội An (Trung tâm VH-TT & TT-TH) chủ trì phác thảo, xây dựng, tổ chức khảo sát ý kiến từ năm 2017 đã nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ từ nhiều tầng lớp nhân dân, du khách.
Tháng 12.2018, UBND TP Hội An đã chính thức công bố Đề án với với mục đích bảo tồn, phát huy nếp sống, lối sống tốt đẹp của người dân Hội An, trước mắt là người dân khu vực phố cổ trong giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt đời thường nhằm tăng tính hấp dẫn cho văn hóa, du lịch Hội An. Đồng thời cụ thể hóa mục tiêu xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; xây dựng Hội An- TP Sinh thái - Văn hóa - Du lịch.
Nhằm triển khai, cụ thể hóa Đề án vào đời sống thực tế trong nhân dân, Trung tâm VH-TT &TT-TH Hội An đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền đề án thông qua các kênh khác nhau. Thời gian đầu, tập trung vào địa bàn hai phường Minh An, Cẩm Phô và 5 trường học trong khu vực phố cổ. Thông qua đó, vận động người dân giữ lấy nếp thuần hậu trong ứng xử, sống hiếu thảo, biết nhường nhịn, giúp đỡ, thực hiện các quy định nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh môi trường, buôn bán và sinh hoạt văn minh, thân thiện.
Không phải là những lời khô khan, cứng nhắc, giáo điều, những buổi tuyên truyền hơn một năm qua đã thực sự là những buổi trò chuyện, cùng chia sẻ, góp ý về những điều, hành vi đẹp và chưa đẹp trong cuộc sống hàng ngày để từ đó cùng chỉnh đổi lại hành vi của mỗi cá nhân, của bản thân, của tập thể, cùng nhắc nhở, góp ý với nhau để giữ gìn, phát huy cách giao tiếp, ứng xử thuần hậu, nghĩa tình của người dân trong phố cổ vốn có từ lâu đời.
Tại mỗi điểm tuyên truyền, tùy theo đối tượng, độ tuổi mà đơn vị thực hiện có hình thức tuyên truyền khác nhau. Đồng thời, kết hợp thăm dò ý kiến nhân dân về chủ trương đề án.
Ông Nguyễn Sự- Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An- cho rằng bộ tiêu chí ứng xử với 10 nội dung được xây dựng trong đề án thực chất đã tồn tại ở nếp sống, nếp nghĩ và hành vi của con người Hội An tự bao đời. Theo dòng chảy của thời gian, đôi lúc những điều ấy bị phủ bám lớp bụi, lãng quên. Bây giờ, đề án này sẽ gạn lớp bụi ấy, góp nhặt, tập hợp những điều hay, đẹp và xây dựng hành một bộ tiêu chí ứng xử trong toàn thể cộng đồng Hội An. Những gì lạc hậu, biến tướng sẽ phải loại bỏ và giữ lại, phát triển những điều phù hợp, tạo nên phẩm chất đặc trưng của người Hội An.
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Kể từ khi Đề án chính thức công bố vào tháng 12.2018, và trước đó là hơn một năm trời tuyên truyền, tham vấn ý kiến, đến thời điểm này, sức lan tỏa và lợi ích của Đề án đã vượt quá hình dung ban đầu của chính những người trực tiếp tham gia triển khai. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, các khách sạn, các đoàn thể, tổ chức, trường học,…trên địa bàn đã chủ động liên hệ với tổ đề án để tuyên truyền cho công nhân viên, hội viên, học sinh,…Đã có gần 35 buổi tuyên truyền được tổ chức ở các trường học, khách sạn, hiệp hội, phối hợp tuyên truyền Đề án với tổ chức tôn giáo trên địa bàn,…
Các thông điệp tốt đẹp trong ứng xử được đặt ra ở đề án theo các nhóm đạo đức, chấp hành luật giao thông và môi trường-buôn bán-xã hội đã đi vào và lan tỏa sâu bền trong đời sống một cách tự nhiên như chính nếp xưa nay.
Ngày càng nhiều cơ sở, cửa hàng, doanh nghiệp ở Hội An cùng vận động khách hàng thực hiện “nói không” với túi ni lon, ly, ống hút nhựa dùng một lần,.. Công sở sử dụng chai thủy tinh, hàng quán chỉ bán khi khách mang theo cà mèn, túi vải hay các phiên chợ sinh thái… là những điều ngày càng dễ dàng bắt gặp khi đến thành phố du lịch Hội An. Không chỉ người dân mà du khách cũng tích cực hưởng ứng phong trào “Một giờ vì Hội An sạch hơn”, lập quỹ "Vì Hội An sạch hơn" nhằm giảm thiểu túi ni lon, bảo vệ nguồn nước, môi trường cho phố cổ.
Mới đây, du khách Diquing Wu - quốc tịch Trung Quốc đã gửi thư cảm ơn nhân viên Văn phòng hướng dẫn tham quan cùng với người dân, thành viên tổ xích lô ở Hội An đã giúp đỡ ông tìm lại được chiếc điện thoại bị mất vào cuối tháng 3.2019.
Ông Phan Phước Tùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An cho biết, nhặt của rơi trả lại cho khách là việc làm bình thường và dường như ngày nào thành viên của nghiệp đoàn cũng nhặt được và trả lại tài sản cho du khách. Ngoài ra, cũng thường xuyên giúp đỡ du khách những việc thông thường như chỉ đường, cấp cứu khách khi bị tai nạn… Hơn 100 thành viên của Nghiệp đoàn xích lô Hội An đã thống nhất cùng góp tiền với nghiệp đoàn để in dòng chữ “Hội An nhân tình thuần hậu” lên sau lưng áo đồng phục nhằm tuyên truyền, giới thiệu trực quan đề án đến người dân và du khách.
“Kể từ lúc tham gia hưởng ứng đề án “Hội An nhân tình thuần hậu”, cách hành xử của các thành viên nghiệp đoàn cũng thay đổi, văn minh, lịch sự hơn, nhất là trong ứng xử, giao tiếp với du khách”, ông Tùng chia sẻ.
Nhiều đoàn thể, cơ quan đơn vị đã nhiệt tình hưởng ứng và có những việc làm thiết thực, tạo diễn đàn để các thành viên tổ đề án cùng trao đổi, chia sẻ những hình ảnh đẹp, chưa đẹp, những bất cập, đề xuất ý kiến để đề án ngày càng tuyên truyền hiệu quả, sáng tạo hơn. Giới thiệu, lồng ghép Đề án vào hoạt động của Ban chỉ đạo hè tại các địa phương, tại lớp bồi dưỡng chuyên môn của ngành giáo dục năm 2019,…
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với các bạn trẻ là đoàn viên nòng cốt tại các trường học, doanh nghiệp, cơ quan,….Khi nghe giới thiệu về nội dung đề án, nhiều bạn trẻ đã rất thích thú, quan tâm tìm hiểu và đưa ra hàng loạt dẫn chứng về những hành vi đẹp và chưa được đẹp mà chính bản thân các bạn vẫn chứng kiến, đôi khi vấp phải hàng ngày.
Thành đoàn Hội An đã tham gia bằng việc sẽ bố trí đoàn viên cùng tham gia hướng dẫn tại 2 lối giao thông dành cho người đi bộ sang đường. Lồng ghép nội dung Đề án vào chương trình hoạt động cho thanh, thiếu niên ở 2 phường Minh An, Cẩm Phô.
Ông Võ Phùng- Nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT & TT-TH Hội An chia sẻ: Hội An từ xa xưa đến nay vốn thuần hậu, hội nhập và cởi mở, kín đáo nhưng không khép kín, không vượt quá ngưỡng cho phép. Bộ tiêu chí ứng xử phải xây dựng trên nguyên tắc hướng đến tất cả cộng đồng cư dân Hội An và cả những người ở nơi khác đến Hội An làm ăn sinh sống và với cả du khách. Chính vì Hội An luôn cởi mở, hội nhập với “khách” nên khi “khách” đến Hội An cũng sẽ nên hòa nhập, tuân theo những nguyên tắc ứng xử văn hóa của cộng đồng Hội An.
Đề án tập trung vào 4 nội dung chính thông qua biểu hiện cụ thể bằng hành vi và lời nói và sẽ được cụ thể hóa thành 10 thông điệp trọng điểm, phân chia thành 3 nhóm cụ thể: Đạo đức; Chấp hành luật giao thông; Môi trường - buôn bán - xã hội. Các nội dung được cô đọng trong 10 thông điệp gồm: Ứng xử với chính mình theo tinh thần “Mỗi người tự hoàn thiện nhân cách”. Ứng xử giữa mình với người theo tinh thần “Người với người là bạn", trong đó gồm ứng xử với khách, ứng xử với người địa phương. Ứng xử giữa con người với gia đình theo tinh thần: “Gia đình - điểm tựa cho mỗi con người”, gồm ứng xử với gia đình, với tộc họ. Ứng xử giữa mình với xã hội theo tinh thần: “Xã hội bình yên - khoan hòa”, cụ thể ứng xử với bạn bè, cộng đồng, với tổ phố, khối phố; với môi trường sống,… |
Khánh Chi/ Báo Văn hóa
Tags