(TT&VH) - Vở kịch Đời như ý (KB- ĐD: Bùi Quốc Bảo) vừa công diễn tại sân khấu Thế giới trẻ (25 Cống Quỳnh, TP.HCM) vào cuối tuần qua và sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc khai mạc ngày 14/7 tại Huế. So với truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư, vở kịch này có vài thay đổi về nhân vật và tình tiết, nhưng bi kịch của người đàn ông nghèo và cái buồn miên man vẫn được khắc họa khá rõ nét.
Tên của tác phẩm này viết đúng phải là “Đời - Như - Ý”, vì nó xoay quanh số phận người cha Hai Đời (Quang Tuấn thủ vai) với hai đứa con là bé Như (Puka) và thằng Ý (La Thành). Thế nhưng, khi viết Đời như ý thì lại có nghĩa cảm thán, nó như lời tự vấn về cuộc đời vốn có nhiều khổ đau và bất trắc. Ở trong truyện ngắn cũng vậy, mở và kết, Nguyễn Ngọc Tư đều dùng một nghi vấn: “Làm gì có chuyện đời như ý?”.
Cảnh trong vở Đời như ý.
Một bi kịch quen
Chàng trai Hai Đời mù lòa nhưng lạc quan, vì muốn cứu bé Ba (Ngọc Trinh) bị tâm thần khỏi miệng lưỡi thế gian do chửa hoang, mà anh phải mang tiếng loạn luân với em nuôi. Kết quả bị đuổi khỏi làng, để người yêu sắp cướp là Sương (Diễm Phương) lại cho Khương (Hữu Tiến) - vốn là kẻ hãm hiếp bé Ba. Toàn bộ dung lượng còn lại của vở kịch tập trung vào giải quyết phần “quả” của cái “nhân” đầy trái ngang này.
Không biết trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, mẫu nhân vật như Hai Đời được lặp lại bao nhiêu lần (cũng giống như Nick Adams trong các truyện của E.Hemingway), nhưng chắc là khá nhiều. Nó giống “một thước đo” thể hiện nhãn quan của tác giả khi quán chiếu vào khung cảnh sống mà hình lột tả và hư cấu ra. Ở truyện Nguyễn Ngọc Tư, đó là những người cùng khổ, dù đối diện với những éo le, nhưng họ vẫn tìm cách đứng dạy, dù không phải lúc nào cũng đứng được.
Trên cái nền bi kịch đó, vở Đời như ý không hoàn toàn bám vào cái sườn của truyện ngắn, mà hư cấu ra một số nhân vật có gắn kết hữu cơ, nhằm “lái” câu chuyện theo hướng khác. Khương, Sương, Tám thịt heo (Khương Ngọc), bà Sáu ăn xin (Hồng Trang), Sơn bán cá (Lê Anh)… là những nhân vật được Bùi Quốc Bảo hư cấu và tô đậm lên. Chính sự hư cấu này làm cho Ý và Như rõ nguồn gốc, nên kịch tính thêm rõ đường dây và hữu lý hơn. Có lẽ đây cũng là yêu cầu của thể loại, khi yếu tố nhân quả, nhằm tạo kịch tính, vốn là đặc thù của kịch nói, trong khi văn học thì mờ nhạt hơn cũng không sao.
Tự nhận mình là người hâm mộ Nguyễn Ngọc Tư, nên dù thay đổi khá nhiều về cốt truyện, nhưng Bùi Quốc Bảo vẫn giữ được nỗi buồn không tên mà truyện ngắn đã vẽ nên trong nhiều tác phẩm của mình. Nguyễn Ngọc Tư không chọn cái kết có hậu hoặc vô hậu, mà chỉ để mở, thường “đẩy” nhân vật ra cánh đồng bất tận, sông nước mênh mông hoặc đêm tối… để họ tự tìm tương lai cho mình. Xem Đời như ý, đến lớp diễn cuối cùng, ai cũng sợ vở này sẽ chọn cái kết có hậu, thì sự “phản bội” nguyên tác sẽ hiện rõ, rất may, nó vẫn để kết mở, thành ra mọi sự thay đổi lại trở thành yếu tố phụ. Nếu Nguyễn Ngọc Tư sáng tạo một kiểu buồn riêng trên cái nền là nỗi buồn miên man của Nam bộ, thì Bùi Quốc Bảo lại tái tạo nỗi buồn ấy một lần nữa.
“Giọng trẻ” của liên hoan
Tại Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc lần này, có lẽ Bùi Quốc Bảo thuộc nhóm đạo diễn trẻ tuổi nhất, anh sinh 1976. Chọn câu chuyện khá khu biệt vùng miền, thông điệp gần như được “xóa mờ”, phải nói đạo diễn và ê-kíp khá dũng cảm khi mang vở này đến với liên hoan - nơi mà tính thông điệp dường như vẫn còn được đặt nặng.
Bùi Quốc Bảo tâm sự rằng đi dự liên hoan mà không nghĩ đến giải thưởng là dối lòng, nhưng quan trọng nhất với anh vẫn là tìm kiếm một cơ hội cọ xát, vì lâu nay các sân khấu tư nhân tại TP.HCM vẫn hoạt động khá biệt lập, mỗi nơi một “gu” riêng. Đây cũng là dịp để nhìn tổng lượt về diện mạo kịch nói Việt Nam hiện nay, qua đó tự trả lời xem hướng đi của mình có ổn chưa? Hơn nữa Kịch Gia Định lâu nay quen thuộc với khán giả bởi dòng kinh dị và đồng tính, nay dọn ra một “món” mới, nghiêng về chính kịch, cũng là cách để thăm dò lẫn nhau.
Cũng vì tâm thế như vậy, mà vở Đời như ý, dù khá chuẩn về dàn dựng, nhưng nó vẫn giữ được sự thong dong và tính trẻ trung của một đạo diễn đang thời phiêu lưu. Cho nên, nếu buộc phải đoán về kết cuộc của vở này tại liên hoan, chắc nó sẽ nhận được sự khích lệ cao của hội đồng nghệ thuật, còn giải thưởng chính thì còn xa. Nhưng, nếu chỉ nhìn từ góc độ khán giả, vốn cần một câu chuyện nên bật cảm xúc, thì vở này rất đáng xem.