(Thethaovanhoa.vn) - Được nhà biên kịch Việt Linh chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển cùng tên của đại văn hào Pháp Honoré de Balzac, Eugénie Grandet (đạo diễn: Tây Phong) đến với khán giả Việt bằng hơi thở đương đại.
Suất diễn tối 14/6/2019 tại Nhà hát TP.HCM là cuộc tái xuất của Eugénie Grandet, với phiên bản dựng mới, với nhiều thay đổi. Trước đây, vở từng ra mắt khán giả tại sân khấu Hồng Hạc.
Chú trọng yếu tố cảm xúc
Lần đầu tiên bi kịch kinh điển từ tiểu thuyết Eugénie Grandet (dài khoảng 200 trang) được nhà biên kịch Việt Linh và đạo diễn Tây Phong chuyển thể thành kịch nói tiếng Việt, đưa lên sân khấu (có phụ đề tiếng Anh). Vở kịch dài hơn hai tiếng, các lần công diễn có sự thay đổi về diễn viên, nhưng đều mang lại cảm xúc cho khán giả, bởi mạch kịch rõ, có đủ sự bất ngờ.
Nhà biên kịch Việt Linh cho biết, trong quãng thời gian chiến đấu với bệnh tai biến, phải tập luyện rất lâu mới có thể phục hồi nửa người bên trái bị liệt, chị đã chuyển thể tác phẩm này để đưa lên sân khấu kịch.
Nhà biên kịch cho biết: “Xuyên suốt giữa tác phẩm văn học với tác phẩm sân khấu vẫn là tính nhân văn, ý nghĩa xã hội từ câu chuyện văn học cổ điển của đại văn hào Balzac. Tuy nhiên, khi đưa lên sân khấu, tôi đã bỏ bớt tính tự sự của văn học, nhấn vào các tình tiết kịch súc tích và chú trọng yếu tố cảm xúc của khán giả. Chúng tôi đưa hơi thở của xã hội đương đại vào câu chuyện chứ không chỉ là diễn lại một bi kịch của nửa đầu thế kỷ 19. Người xem sẽ nhận ra những bi kịch tương tự mà ngày nay chúng ta vẫn đang gặp phải”.
Vở diễn do Lê Chi Na, Nam Trung, Lương Mỹ, Chí Thành, Nghinh Lộc, Nhựt Lam, Xuân Phương, Kim Hải… đảm nhiệm. Vở diễn lựa chọn bối cảnh tối giản, chủ yếu diễn ra trong khung cảnh chính của ngôi nhà. Những nút thắt về cuộc đời éo le của nàng Eugénie tạo cảm xúc mạnh cho người xem.
Đạo diễn Tây Phong sau đêm diễn đã xúc động: “Một hành trình dài cùng bạn bè trên con đường nghệ thuật, mỗi lần xuất hiện là mỗi kỷ niệm đầy cảm xúc về tình người, tình nghề”.
Những hình ảnh bất di bất dịch
Là một câu chuyện văn học kinh điển, nhiều khán giả đã có những hình dung về lão nhà giàu keo kiệt Grandet. Thậm chí sự keo kiệt của vị “đại gia” này đã trở thành hình ảnh bất di bất dịch, đại diện cho lòng tham vô đáy, khống chế cả cuộc sống và tình cảm, dẫn tới hậu quả khó lường. Dựng lại điều này không khó, dựng cho mới mẻ mới thật khó.
Eugénie là con gái Grandet, người thừa kế, nên nhiều người muốn cầu hôn, trong khi trái tim cô lại tình cờ trao cho chàng “thủng túi” Charles. Cha Charles tự sát vì phá sản, nên gửi con trai cho Grandet. Cuộc chạm mặt đã gieo tiếng sét ái tình. Hai người trẻ yêu nhau bồng bột nhưng chân thật.
Bi kịch dâng cao khi lão Grandet muốn chia cách đôi trẻ, đồng thời trốn tránh trách nhiệm nuôi dưỡng nên tìm cách gửi Charles đi Ấn Độ. Ngược lại, Eugénie lại trao cho Charles tất cả tài sản cô có và chờ đợi lời hứa hôn suốt bảy năm, nâng niu từng kỷ vật mà Charles để lại. Lời hứa trong tình yêu, sự ham muốn danh lợi… có còn giá trị qua thời gian, khi Charles thay đổi hoàn cảnh sống, thay đổi địa vị?
Một hình ảnh bất di bất dịch khác là thói bủn xỉn, hà tiện của Grandet, liệu ông có phải là dị biệt trong đời sống, hay chính sự tha hóa trước đồng tiền đã biến nhiều người thành Grandet?
Hình ảnh và hành động trong sáng của Eugénie trước xã hội đầy nhiễu nhương, thủ đoạn khiến người xem có thể khó chịu. Nhưng cũng như Thúy Kiều suốt 15 năm lưu lạc, dùng cái tâm trong sáng đi qua đoạn trường, chẳng phải là điều đáng trân quý đó sao?
Ở khía cạnh dàn dựng, nơi mà các vở chuyển thể từ tác phẩm kinh điển còn quá khan hiếm, nỗ lực của sân khấu Hồng Hạc thật đáng ghi nhận. Hành trình cùng Eugénie và các tác phẩm kinh điển hẳn còn dài, đầy khó khăn, cần thêm nhiều người dấn bước.
Thái Bình
Tags